Đưa Nghị định số 23/2020/NĐ-CP vào cuộc sống: “Nhức nhối” những triền sông

Khoáng sản - Ngày đăng : 10:22, 26/05/2020

(TN&MT) - Hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông không có giấy phép tiếp tục xảy ra gây thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường.

Nhận diện thách thức

Theo đánh giá của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn đang từng ngày diễn ra nhức nhối trên nhiều đoạn của sông Hồng thuộc nhiều tỉnh, thành, khu vực sông Lô thuộc tỉnh Phú Thọ, khu vực sông Lam thuộc tỉnh Nghệ An, trên các nhánh thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn thuộc tỉnh Quảng Nam… Đây chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra sạt lở, lũ lụt, hạn hán, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, khoáng sản, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và cuộc sống người dân.

Hoạt động khai thác cát, sỏi thường ở các khu vực giáp ranh địa giới hành chính của hai hay nhiều tỉnh/thành phố. Về công nghệ khai thác cát, sỏi đơn giản, phương tiện khai thác cát, sỏi lạc hậu, nên hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra bất kể ngày - đêm, kể cả những ngày lễ, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, giám sát.

Hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông tiếp tục xảy ra gây tác động xấu đến môi trường. Ảnh: Hoàng Minh

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành địa phương trong quản lý khoáng sản ở khu vực chưa kiểm soát chặt chẽ các bến bãi tập kết cát, sỏi, nguồn gốc cát của các Dự án xây dựng công trình tạo điều kiện cho hoạt động khai thác không phép diễn ra khó ngăn chặn.

Công tác quản lý hồ sơ quyết toán các dự án có khối lượng sử dụng cát, sỏi xây dựng lớn, đặc biệt là cát san lấp chưa kiểm soát được nguồn gốc khoáng sản, hiện tượng mua bán hóa đơn, hợp thức hóa chứng từ đối với cát, sỏi xây dựng vẫn còn diễn ra, chưa xử lý dứt điểm.

Ngoài ra, tình trạng bến, bãi trái phép, không phép vẫn còn tồn tại, vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi; nhiều địa phương chưa quy hoạch bến bãi chứa vật liệu xây dựng trên địa bàn. Việc vi phạm đối với các phương tiện hoạt động khai thác, vận chuyển cát sỏi còn diễn ra, như: Không đăng ký tàu thuyền, tàu thuyền không treo biển hiệu, khai thác không đúng thời gian quy định, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, ngăn chặn việc khai thác cát, sỏi trái phép.

Liên kết đẩy lùi “cát tặc”

Theo báo cáo của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, để triển khai thực hiện nhiệm vụ liên quan về cát, sỏi lòng sông, tháng 3/2020, Bộ TN&MT đã giao Tổng cục chủ trì thành lập Đoàn kiểm tra tình hình quản lý, lập, phê duyệt quy hoạch về cát, sỏi lòng sông, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố gồm: Yên Bái, Thái Nguyên, Thanh Hóa và TP. Hải Phòng.

Ngoài ra, để có số liệu đánh giá tổng quan thực trạng công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng trên phạm vi cả nước, Bộ TN&MT đã có Văn bản số 3005/BTNMT-ĐCKS gửi UBND các tỉnh, thành phố đang có hoạt động khai thác cát, sỏi báo cáo.

Khai thác cát rầm rộ trên sông

Đến nay, đã có 28 tỉnh, thành phố tiến hành ký kết 53 quy chế phối hợp quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông tại các khu vực giáp ranh, các lưu vực sông. Đối với hoạt động bến bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi, đã được các địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản; xây dựng kế hoạch và biện pháp tổ chức kiểm tra, xử lý hiệu quả các vi phạm phạm pháp luật trong tập kết bến bãi kinh doanh khoáng sản đặc biệt là cát, sỏi lòng sông.

Thời gian tới, Bộ TN&MT tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản và phổ biến, triển Nghị định số 23/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ về việc quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu tại Thông báo số 142/TB-VPCP ngày 12/4/2019 của Văn phòng Chính phủ.

Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, các đối tượng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông sử dụng phương tiện thủy tự chế, hoán cải (lắp thêm thiết bị khai thác cát), lợi dụng các điểm giáp ranh, đêm tối để hoạt động mang tính chụp giật trên các tuyến sông khiến các lực lượng chức năng khó phát hiện, bắt giữ, xử lý. Chỉ tính trong năm 2019, 14/20 địa phương đã phát hiện 659 vụ/426 đối tượng có hành vi khai thác trái phép, xử phạt 12,08 tỷ đồng, đã khởi tố 2 vụ án hình sự tại Thanh Hóa và Đồng Nai....

Theo Bộ TN&MT, cũng cần phát huy vai trò giám sát của người dân, của cộng đồng đối với chính quyền và với doanh nghiệp; của chính quyền cấp trên đối với chính quyền cấp dưới; tăng cường giám sát quá trình khai thác của các doanh nghiệp theo đúng Giấy phép và các quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt là nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Việt Hùng - Mai Đan