Đưa Nghị định số 23/2020/NĐ-CP vào cuộc sống: Cần “cơ chế thép”

Khoáng sản - Ngày đăng : 10:21, 26/05/2020

(TN&MT) - Nghị định số 23/2020/NĐ-CP được xem như một “cơ chế thép” để các cơ quan ban, ngành các tỉnh Bắc Trung Bộ thực hiện tốt hơn công tác quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Nhìn thẳng vào thực trạng

Theo quy hoạch được phê duyệt, hiện tại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 95 mỏ được quy hoạch với tổng trữ lượng và tài nguyên khoảng 21 triệu m3. Trong đó, có 37 giấy phép được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường (23 giấy phép được cấp thông qua đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản). Số tiền cấp quyền khai thác thu được là 154,2 tỷ đồng (số tiền định giá: 60,6 tỷ đồng; số tiền đấu giá: 93,6 tỷ đồng).

“Cát tặc” lộng hành tại ngã ba sông Bưởi và sông Mã, huyện Vĩnh Lộc

Thực tế cho thấy, trong hoạt động khai thác cát vẫn còn một số tồn tại chưa được khắc phục triệt để như: Tình trạng khai thác cát trái phép còn diễn ra ở sông Mã đoạn qua xã Hoằng Minh, Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) và xã Vĩnh Khang, Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc), trên sông Âm đoạn qua xã Phùng Minh (Ngọc Lặc); đơn vị khai thác còn vi phạm như khai thác ra ngoài vị trí mỏ, chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện đường thủy, khai thác cả ban đêm gây sạt lở bờ sông, khiến người dân bức xúc.

Bên cạnh đó, công tác quản lý tài nguyên cát ở một số địa phương Hoằng Hóa, Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân... còn gặp nhiều bất cập như: Thiếu phương tiện, công cụ hỗ trợ truy bắt “cát tặc”; lực lượng Công an gác canh ở các vị trí thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép còn mỏng; bất chấp lợi nhuận từ cát, nhiều đối tượng sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng; việc áp dụng chế tài xử phạt chưa nghiêm ngặt.

Còn tại Nghệ An, theo số liệu báo cáo của Sở TN&MT, hiện nay, tỉnh có 54 mỏ cát được cấp phép còn hiệu lực. Tập trung nhiều nhất là huyện Tân Kỳ với 16 mỏ; sau đó là các huyện Nghĩa Đàn (8 mỏ); Anh Sơn (7 mỏ); Đô Lương (6 mỏ); Nam Đàn (5 mỏ); Thanh Chương (4 mỏ); Thái Hòa (4 mỏ); Hưng Nguyên (2 mỏ) và Con Cuông, Quỳ Châu mỗi huyện có 1 mỏ.

Việc quy hoạch, cấp phép khai thác mỏ cát trên các con sông như sông Lam, sông Hiếu, sông Con đã giúp cho công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác cát, sỏi đi vào quy củ hơn. Tuy nhiên, vấn nạn khai thác trái phép vẫn luôn diễn ra với hình thức và tính chất ngày càng phức tạp và tinh vi hơn.

Theo ghi nhận, những bến cát này nằm sát bãi bồi ven sông Lam, bãi bồi này là nơi sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân xóm 5, xã Cẩm Sơn. Các bến cát tự phát này đều có đường nối từ quốc lộ 7 ra tận bờ sông. Việc khai thác cát trái phép ngay sát bờ sông không chỉ làm cho bãi đất sản xuất bị xói lở, gây mất một phần đất nông nghiệp khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc.

Tỉnh Nghệ An hiện có 54 điểm mỏ được cấp giấy phép khai thác đang còn hiệu lực

Cũng trên sông Lam, đoạn chảy qua khu vực giáp ranh giữa hai xã Ngọc Sơn (huyện Đô Lương) và xã Tào Sơn (huyện Anh Sơn) thời gian qua trở thành địa điểm “ưa thích” của những đối tượng khai thác cát trái phép. Được biết, khu vực nói trên cách khá xa đường quốc lộ, khuất tầm nhìn, lại là địa bàn giáp ranh giữa 2 huyện nên các đối tượng thường lợi dụng sơ hở để khai thác cát trái phép. Nhiều lần, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy (Công an Nghệ An) đã mật phục và bắt giữ. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn chưa chấm dứt hẳn.

Tạo “cơ chế thép” từ Nghị định số 23

Vấn đề người dân phản ánh về tình trạng sạt lở đất đai, hoa màu do khai thác cát, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo kiểm tra và dừng khai thác cát tại mỏ cát số 23 của HTX Thành Công, xã Vĩnh Ninh và mỏ cát số 40 của Công ty Nhất Linh, tại xã Yên Thọ. Cùng với đó, để khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản có hiệu quả cao, sử dụng tiết kiệm và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, UBND tỉnh dừng cấp phép mỏ cát số 52 xã Yên Thái và mỏ cát số 25, 26 xã Vĩnh Ninh. Đồng thời đưa vào đấu giá theo đúng Luật Khoáng sản năm 2010 và Chỉ thị số 18 của UBND tỉnh, giảm bớt cơ chế xin - cho, sử dụng đúng mục đích nguồn nguyên liệu cát, sỏi tự nhiên, tránh lãng phí nguồn tài nguyên.

Nhiều chủ mỏ cát tại tỉnh Thanh Hóa cho biết: Chúng tôi chấp hành nghiêm theo Nghị định số 23 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về quản lý cát sỏi lòng sông. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp khai thác cát đang gặp phải khó khăn như UBND tỉnh cấp phép cho doanh nghiệp khai thác thời gian ngắn nhưng lại phải kè sông thì doanh nghiệp không đủ kinh phí để thực hiện. Một số tuyến sông có ghềnh như ở xã Cẩm Tân, Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy và ở xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc đang cản trở dòng chảy và khó khăn cho tàu thuyền qua lại mỗi khi cạn nước và cần phải tháo dỡ, khơi thông dòng chảy để không gây sạt lở bờ, bãi sông.

Nghị định số 23 của Chính phủ ra đời được xem là “Cơ chế thép” trong công tác quản lý tài nguyên cát

Theo ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 14/2/2020 của Chính phủ ra đời được xem như “cơ chế thép” giúp các địa phương siết chặt hơn công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản cát. Hiện nay, Sở đang tuyên truyền về Nghị định số 23 đến các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn về thời gian khai thác cát, xác định ranh giới khu vực khai thác; thực hiện đăng ký tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi và yêu cầu về đăng ký theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa. Đồng thời, yêu cầu chủ phương tiện vận chuyển cát, sỏi phải mang theo hóa đơn để chứng minh nguồn cát, sỏi là hợp pháp; giao Chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã, thành phố về quản lý cát, sỏi lòng sông trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.

Ông Đặng Duy Đô, Trưởng phòng TN&MT huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết: Trên địa bàn huyện Anh Sơn có khu vực dốc Bậm, xã Cẩm Sơn thường xảy ra hoạt động khai thác, tập kết cát trái phép. Tôi cũng vừa đi kiểm tra có ba điểm vi phạm và sắp tới sẽ phát văn bản để giao cho xã Cẩm Sơn xử lý dứt điểm.

Ông Nguyễn Công Lực, Phó trưởng Phòng Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Nghệ An), cho biết: Thời gian qua hoạt động khai thác cát trái phép trên các con sông ở Nghệ An diễn biến khá phức tạp. Đợt đầu năm Sở cũng đã ra kế hoạch triển khai các đoàn đi kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy vậy, do mắc vào giai đoạn nghỉ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đoàn tạm nghỉ. Trong thời gian sớm nhất, Sở sẽ khôi phục hoạt động của đoàn kiểm tra này.

Bài và ảnh: Thu Thủy - Đình Tiệp