Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Trong nước - Ngày đăng : 13:01, 25/05/2020
Báo cáo về Dự án Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được thực hiện theo quy định của Luật thuế SDĐNN năm 1993, Pháp lệnh số 31-L/CTN ngày 29/3/1994 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thuế bổ sung đối với hộ gia đình SDĐNN vượt quá hạn mức diện tích đất.
Thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đồng thời hỗ trợ đối với nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN được thực hiện từ năm 2001 đến nay.
Theo quy định hiện hành thì chính sách thuế SDĐNN đang được miễn đến hết ngày 31/12/2020 theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn thuế SDĐNN và Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 (trừ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì phải nộp 100% thuế SDĐNN).
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng |
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN cho thấy, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm.
Chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ.
Qua đó, góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Góp phần khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, góp phần tạo thêm việc làm cho khu vực nông thôn, góp phần khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành là cần thiết để tiếp tục thực hiện kết quả đạt được của việc miễn thuế SDĐNN, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục góp phần khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; góp phần khuyến khích kinh tế trang trại; góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần tiếp tục hỗ trợ tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới thì cần thiết tiếp tục miễn thuế SDĐNN cho giai đoạn tiếp theo.
Miễn thuế SDĐNN là thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế.
Với số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để góp phần đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa; qua đó góp phần giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, góp phần động viên người nông dân yên tâm sản xuất, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.
Đồng thời, việc đề xuất tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết 2025 là thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, chu kỳ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tính khả thi của chính sách.
Ngoài ra, việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN không gây xung đột, vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước, không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập WTO. Dự án Nghị quyết cũng không quy định về thủ tục hành chính và vấn đề bình đẳng giới, do đó không phát sinh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính và không gây bất bình đẳng về giới.
Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ
Báo cáo về kết quả thẩm tra về dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.
Về hình thức ban hành chính sách, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp cần được xem xét, đánh giá trong tổng thể các chính sách chung đối với Luật Đất đai, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các loại thuế, các khoản thu khác đang áp dụng đối với đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất). Đồng thời, hiện nay các cơ quan của Chính phủ đang nghiên cứu xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó bao gồm cả thay cho thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện hành. Trong khi chưa được các cơ quan tiến hành tổng kết, đánh giá và nghiên cứu một cách tổng thể để xây dựng chính sách về thuế sử dụng đất nông nghiệp một cách phù hợp. Ủy ban TCNS nhất trí với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 5 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc Chính phủ đề nghị tiếp tục ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện chính sách này là chưa thực sự phù hợp, vì đây là Nghị quyết quy định ngoài phạm vi của Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp, đã được thực hiện trong giai đoạn 2011-2020. Đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp để đảm bảo thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Thảo luận tại Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thống nhất rằng Nghị quyết sẽ là hoàn thiện Thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của chính sách miễn thuế SDĐNN, đồng thời vẫn đảm bảo phù hợp thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 8%, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế rất lớn về nông nghiệp như hiện nay, cần có thêm những chính sách đầu tư và hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần công khai, minh bạch các đối tượng được miễn thế để nâng cao hiệu quả quản lý, tránh lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp), cho rằng, cũng cần có chế tài để theo dõi, kiểm soát tránh thất thoát lãng phí đất, để hoang hoá đất, xem xét lại những trường hợp được giao đất nông nghiệp nhưng không sử dụng để khi có chính sách hỗ trợ lại quay sang đòi hỏi, gây mất đoàn kết, kiện cáo.
Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng, trong bối cảnh hạn hán, biến đổi khí hậu đang khắc nghiệt như hiện nay, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện nay tuy giảm ngân sách nhưng thực chất là một hình thức tái đầu tư cho ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người nông dân, giảm áp lực nguồn lao động trong ngành nông nghiệp bỏ nghề nông đi làm tự do…