Lạng Sơn: Phá rừng tự nhiên để triển khai dự án trồng rừng?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 17:17, 23/05/2020
Diện tích rừng bị chặt hạ. |
Theo phản ánh của người dân xã Tân Thành về việc phá rừng ở khe Dông chính (theo cách gọi của người dân địa phương - PV) thuộc thôn Tân Vũ, ngày 14/5/2020, PV Báo TN&MT đã “mục sở thị” khu vực trên để ghi nhận sự việc.
Tại hiện trường, một diện tích rừng khoảng 2ha đã bị “cạo trọc”, chỉ còn sót lại một số gốc cây với những vết cưa còn mới nguyên cùng nhiều cây gỗ tự nhiên được cưa cắt thành từng khúc có đường kính từ 5 - 80 cm nằm ngổn ngang dưới chân đồi.
Nhiều cây gỗ tự nhiên có đường kính lớn bị chặt hạ. |
Trao đổi với PV, một người dân địa phương (xin giấu tên) cho biết, đây là diện tích rừng tự nhiên, đầu nguồn giữ nước và cung cấp nước cho một số hộ dân trong thôn từ bao đời nay. Việc chặt phá diễn ra từ năm 2019, khoảng gần 2 tháng nay thì diện tích rừng này bị “cạo trọc”. Rất nhiều cây gỗ lớn đã bị chặt hạ và mang đi nơi khác, số gỗ còn lại là do thời gian gần đây mưa nhiều, đường trơn ô tô không thể vào để vận chuyển.
Nhằm làm rõ những phản ánh này của người dân, PV Báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Hoàng Ngọc Dương - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Sơn. Tại buổi làm việc, vị Hạt trưởng cho biết, đơn vị đã nắm được việc chặt phá rừng tại thôn Tân Vũ và đã chỉ đạo cán bộ Kiểm lâm địa bàn cùng với đại diện chính quyền xã Tân Thành và thôn Tân Vũ xác minh, kiểm tra hiện trường, lập biên bản vi phạm.
Biên bản kiểm tra hiện trường được lập lúc 15h00 và kết thúc lúc 15h30 ngày 16/4/2020 do ông Dương cung cấp ghi rõ: “Tại hiện trường đoàn chúng tôi thấy một phần lô rừng đã bị phát dọn còn lại rải rác gốc cây đường kính từ 5 cm đến 15 cm dấu vết để lại cho thấy hiện trường bị phát dọn bằng dao, thời điểm phát là khoảng tháng 3 năm 2020. Diện tích bị phát là: 1,8 ha. Diện tích rừng bị phá là do ông Phan Xuân T. trú tại thôn Tân Vũ, xã Tân Thành. Đối chiếu với bản đồ hiện trạng rừng năm 2019 tại xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn là rừng gỗ núi đất lá rộng thường xanh, rừng sản xuất”. Phần kết luận của biên bản cũng ghi rõ: “Hành vi tự ý chặt phá rừng của ông Phan Xuân T là trái với quy định của pháp luật”.
Gốc cây gỗ tự nhiên được Kiểm lâm Bắc Sơn cho là "phát dọn bằng dao" và chỉ có đường kính từ "5-15 cm". |
Đối chiếu với thực tế ghi nhận được tại hiện trường, PV nhận thấy biên bản này có những điểm “bất thường”, không đúng với thực tế. Cụ thể là việc kiểm tra, đo đạc, kết luận và ghi biên bản diễn ra khá chóng vánh (30 phút) trong khi diện tích rừng bị phá tương đối lớn, số gỗ còn để lại tại hiện trường cũng nhiều. Thêm nữa, đường kính những cây gỗ bị chặt hạ cũng lớn hơn và không phải phát dọn bằng dao như biên bản thể hiện.
Vì vậy, chiều ngày 18/5/2020, PV đề nghị ông Hoàng Ngọc Dương cử cán bộ kiểm lâm xuống hiện trường kiểm tra, xác minh. Sau đó, ông Dương đã cử 2 cán bộ kiểm lâm là bà Dương Thị Hợi và ông Hoàng Thanh Chương cùng PV trực tiếp đến địa điểm khu rừng bị chặt phá. Đại điện UBND xã Tân Thành có ông Dương Hữu Ngọc - Công chức địa chính xã.
Tại hiện trường bà Dương Thị Hợi lý giải, số cây bị chặt là gỗ rừng trồng, cụ thể là cây gỗ Mỡ và cây Keo. Tuy nhiên khi PV đề nghị bà Hợi chỉ đâu là cây Mỡ, đâu là cây Keo thì bà Hợi không chứng minh được. Kiểm lâm viên này cũng một mực khẳng định những cây bị chặt hạ không thành rừng và không có giá trị kinh tế, phải chặt đi để trồng rừng?!
Còn ông Hoàng Thanh Chương mặc dù là người lập biên bản sự việc ngày 16/4/2020 nhưng khi được hỏi, những cây gỗ bị chặt hạ là cây gỗ gì thì ông Chương cũng không biết và cũng không lý giải được sự “bất thường” ghi trong biên bản.
Chủ tịch xã Tân Thành Vi Văn Thuận cho rằng diện tích rừng bị chặt hạ kể trên đã được huyện cho phép để chuẩn bị cho trồng rừng dự án. |
Làm việc với PV về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Tân Thành Vi Văn Thuận cho rằng, đây là diện tích rừng nằm trong thiết kế thực hiện trồng rừng sản xuất với quy mô 50 ha do Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Hạt Kiểm lâm Bắc Sơn cùng đơn vị tư vấn xác định từ đầu năm 2020. Đồng thời khẳng định dự án đã được phê duyệt, xã đang đợi cây giống về để cấp cho người dân trồng. Và diện tích rừng bị chặt hạ kể trên đã được huyện cho phép để chuẩn bị cho việc trồng rừng dự án.
Trong khi đó, ông Vũ Văn Hoạch - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bắc Sơn lại khẳng định, đến thời điểm hiện tại dự án chưa được phê duyệt và vẫn đang được các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thẩm định. Đồng thời, trong quá trình thiết kế, phòng đã yêu cầu cán bộ tham gia và đơn vị tư vấn loại bỏ toàn bộ diện tích rừng tự nhiên ra khỏi khu vực dự kiến thực hiện dự án. Không có chuyện Phòng cho phép người dân khai thác rừng để chuẩn bị diện tích trồng rừng dự án, bởi đó không phải thẩm quyền của Phòng!
Số gỗ được Kiểm lâm Bắc Sơn thu giữ về và đang để ở trụ sở Công an xã Tân Thành. |
Liên quan đến sự việc này, sau buổi làm việc với PV, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Sơn đã đến khu vực trên và thu về nhiều thân cây gỗ lớn đã được cắt thành khúc với đường kính bình quân khoảng 40 cm. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bắc Sơn Hoàng Ngọc Dương cho biết, số gỗ còn lại tại hiện trường do trời mưa nên chưa thể thu về được hết.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Công văn số 7919/BNN-TCTN ngày 21/9/2017 của Bộ NN&PTNT về “Tăng cường công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng rừng” nêu rõ: Các địa phương tạm dừng việc triển khai các dự án cải tạo rừng để trồng rừng đối với diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt; kiên quyết ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi phá rừng tự nhiên theo đúng quy định của pháp luật.