Bí thư Thành uỷ Hà Nội làm việc với Bộ TN&MT và các Bộ, ngành về công tác quản lý TN&MT

Trong nước - Ngày đăng : 09:11, 23/05/2020

(TN&MT) - Sáng ngày 23/5, tại Thành uỷ Hà Nội, đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đã chủ trì buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và đại diện lãnh đạo một số Bộ, Ngành có liên quan về công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí Thư thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và đại diện lãnh đạo một số Bộ, Ngành có liên quan về công tác quản lý tài nguyên và môi trường. 

Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành, Lê Minh Ngân cùng các lãnh đạo Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Về phía UBND thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng,  Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, lãnh đạo các Sở ngành của thành phố Hà Nội. 

Buổi làm việc còn có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, những tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh, thời tiết (dịch tả lợn Châu Phi, dịch Covid-19, giông lốc, mưa đá...) có những diễn biến khó lường và khác thường so với quy luật. Trước những khó khăn, thách thứ đó chúng ta vẫn phải thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 của Thành phố Hà Nội. 

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí Thư thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu

Với buổi làm việc hôm nay, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, tập thể Ban cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị làm việc với tập thể Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo một số Bộ, ngành của Trung ương để cùng bàn bạc, thảo luận về một số nội dung lớn, quan trọng về công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm đánh giá toàn diện những mặt làm được và chưa làm được, những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường của thành phố Hà Nội.

Qua đó, Bí Thư thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ nhận định rằng, qua cuộc làm việc hôm nay, hội nghị sẽ có những giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.

Hà Nội nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trên địa bàn

Thời gian vừa qua, căn cứ vào các Nghị quyết, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ (Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị khóa 9, Chỉ thị 29 của Ban Bí thư Trung ương; Nghị quyết số 24 của BCH TW Đảng năm 2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 82 năm 2019 của Quốc hội khóa 14; Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2012 và Chỉ thị số 01/CT-TTg năm 2018 về lĩnh vực quản lý đất đai...), thành phố Hà Nội đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trên địa bàn có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội và sức khỏe của nhân dân. 

Quang cảnh buổi làm việc

Vì vậy, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố để ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu (nổi bật là Nghị quyết số 11 năm 2017 của Thành ủy, Kế hoạch số 160 năm 2017 của UBND Thành phố) và công tác quản lý đất đai trên địa bàn Thành phố (nổi bật là Chỉ thị 09, Nghị quyết 08 của Thành ủy và Chỉ thị 11 của UBND Thành phố về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Nhờ đó, đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nổi bật, cụ thể là:

 Các cấp, các ngành Thành phố đã tăng cường tuyên truyền, chủ động triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án nhằm bảo vệ, cải tạo môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện thực tiễn và tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn đạt cao. Nhiều dự án áp dụng công nghệ tiên tiến về xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải y tế, chất thải tại các làng nghề, cải tạo, nạo vét, xử lý ô nhiễm môi trường nước tại các hồ trên địa bàn Thành phố đã được quan tâm triển khai. 

Chương trình trồng 01 triệu cây xanh thực hiện vượt kế hoạch đề ra… Các phong trào bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp ngày càng thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia. 

“Ý thức người dân về công tác bảo vệ môi trường có chuyển biến tích cực. Nhìn chung chất lượng môi trường của Thủ đô đã từng bước được cải thiện, một số nơi có chuyển biến rõ rệt.” - Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh.

Công tác quản lý đất đai nói chung (giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, kiểm kê, xây dựng dữ liệu quản lý đất đai, giao đất dịch vụ, thanh tra, kiểm tra...) và công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nói riêng đã có những kết quả và chuyển biến tích cực, tạo điều kiện để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Hướng tới xây dựng Thủ đô càng văn minh, hiện đại, sáng – xanh – sạch – đẹp

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của thành phố Hà Nội nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của Thủ đô. 

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đã chủ trì buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và đại diện lãnh đạo một số Bộ, Ngành có liên quan

Trong đó có các việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nội đô, hệ thống cấp nước sạch khu vực nông thôn, xử lý ô nhiễm một số sông trên địa bàn Thành phố (như Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ, sông Đáy) còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. 

Công tác quản lý nguồn nước vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn. 

Vấn đề xử lý ô nhiễm không khí chưa có các giải pháp hữu hiệu. Việc quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề chưa đạt yêu cầu. 

Việc triển khai đầu tư các trạm xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động còn chậm. 

Công tác quy hoạch và quản lý đất đai tuy đã có những chuyển biến tích cực song vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: quy hoạch chưa có tính chiến lược; việc xử lý các vi phạm tồn tại từ các giai đoạn trước còn chưa được giải quyết dứt điểm; công tác giao đất dịch vụ tại một số địa phương còn gặp nhiều vướng mắc sau khi thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan.

Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu do Thành phố đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, quy mô đô thị mở rộng và phát triển mạnh, áp lực về gia tăng dân số và cơ sở hạ tầng ngày càng lớn. 

Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc xử lý ô nhiễm môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý môi trường, đất đai còn chậm; cơ chế thu hút các nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực môi trường còn chưa nhiều. 

Công tác quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên, môi trường chậm đổi mới; có lúc, có nơi, có việc bị xem nhẹ, thậm chí buông lỏng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về công tác quản lý tài nguyên, môi trường, nhất là đối với cán bộ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường chưa đáp ứng với quá trình phát triển của Thành phố. 

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực môi trường và đất đai còn bất cập, chồng chéo trong phân định trách nhiệm pháp lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến việc khi Thành phố tổ chức triển khai thực hiện còn gặp nhiều lúng túng hoặc để phù hợp tình hình của Thủ đô cần có những cơ chế đặc thù đối với một số nội dung công việc.

Trên cơ sở các kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực tài nguyên môi trường của Thành phố như đã nêu, Bí thư Thành uỷ Hà Nội mong muốn trong Hội nghị hôm nay, thành phố Hà Nội cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành của Trung ương sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến về những khó khăn, vướng mắc và những mặt chưa làm được; đặc biệt, cần tập trung đi sâu phân tích, đánh giá về nguyên nhân (chủ quan và khách quan) từ đó có những giải pháp hữu hiệu để thực hiện trong thời gian tới.

Đồng thời, xem xét, tạo điều kiện về các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy phát triển về kinh tế – xã hội nói chung và lĩnh vực tài nguyên môi trường nói riêng trên địa bàn Thành phố hiện tại cũng như các năm tiếp theo, hướng tới xây dựng Thủ đô và cả nước ngày càng văn minh, hiện đại, sáng – xanh – sạch – đẹp. 

“Đồng thời qua các ý kiến của các Bộ, ngành sẽ giúp Thành phố Hà Nội có đầy đủ các căn cứ pháp lý, lý luận và thực tiễn để chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiếp thu có chọn lọc, bổ sung vào dự thảo Báo cáo chính trị phục vụ Đại hội đảng bộ Thành phố lần thứ 17.” - Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh. 

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin về nội dung buổi làm việc tại các bản tin sau.

Khương Trung