Đập dâng ngàn tỷ “bị” yêu cầu... đánh giá lại?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 11:03, 22/05/2020
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh rà soát trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án.
Dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc đang trong quá trình triển khai xây dựng |
Trên cơ sở đó, chủ động xử lý các nội dung còn tồn tại, vướng mắc (nếu có) theo thẩm quyền; báo cáo kết quả việc rà soát và đề xuất (đối với nội dung vượt thẩm quyền) để UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện, hoàn thành chậm nhất ngày 20/6/2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng giao các Sở: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường và UBND TP. Quảng Ngãi trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động rà soát các nội dung liên quan đến chủ trương đầu tư, quy hoạch, phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công-dự toán, báo cáo đánh giá tác động môi trường, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án theo quy định hiện hành của nhà nước và đề xuất giải pháp thực hiện gửi Sở NN-PTNT chậm nhất là ngày 20/6/2020 để tổng hợp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo.
Giao Sở NN-PTNT tổng hợp ý kiến của các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư; trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể, hoàn thành chậm nhất ngày 30/6/2020.
Dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, xây dựng tại xã Tịnh An và Nghĩa Dũng, TP. Quảng Ngãi.
Đập dâng cách cầu Trà Khúc 2 khoảng 3,2km về phía hạ lưu. Đây là công trình thủy lợi kết hợp giao thông quy mô lớn, thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2021.
Dự án được khởi công vào đầu tháng 7/2019 nằm trong sự kiện chào mừng 30 năm tái lập tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trước và sau ngày khởi công, nhiều phản biện xã hội vẫn quan ngại về dự án này sẽ ảnh hưởng đến môi trường hai bên và hạ lưu sông Trà Khúc cũng như thành phố Quảng Ngãi. Nhiều thông tin cho rằng đơn vị tư vấn lập báo cáo ĐTM đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc gian dối về năng lực, quá trình điều tra xã hội học làm giả chữ ký, tư vấn dự án không khoa học…
Liên quan đến vấn đề trên, Báo TN&MT đã nhiều lần phản ánh việc cần thiết rà soát địa chất đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc. Trước đó, Bộ NN-PTNT đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi có ý kiến về thiết kế cơ sở điều chỉnh, bổ sung dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc và xây dựng khu đô thị sinh thái đảo Ngọc. Theo đó, có rất nhiều nội dung được Bộ NN-PTNT đề nghị Quảng Ngãi làm rõ.
Cụ thể, về âu thuyền: dự án đề nghị điều chỉnh không làm âu thuyền phía bờ nam thay vào đó là làm 2 bến ở thượng và hạ lưu đập dâng (đề xuất ở dự án khác). Đề nghị rà soát, đánh giá kỹ nhu cầu vận tải thủy, điều kiện sinh kế của nhân dân ven sông, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; trường hợp không làm âu thuyền, đề nghị xác định rõ việc làm 2 bến ở thượng và hạ lưu đập thuộc dự án nào, tiến độ thực hiện.
Đường cá đi: nghiên cứu bổ sung đường cá đi phía bờ bắc để đảm bảo thuận lợi cho việc di chuyển của cá. Đồng thời tham khảo về hình dạng, kích thước, độ dốc, lưu tốc…đường cá đi đã được ứng dụng trong thực tiễn tại khu vực và các quốc gia tiên tiến trên thế giới để bố trí phù hợp với đặc thù tự nhiên vùng dự án.
Bộ NN-PTNT cũng đề nghị bổ sung nhiều nội dung khác liên quan ĐTM. Cụ thể, quy mô nạo vét thượng lưu đập dâng Trà Khúc bao gồm diện tích, chiều sâu và phải được thể hiện trên bản vẽ thiết kế cơ sở cùng quy hoạch xây dựng các công trình kiến trúc trên đảo Ngọc (vượt cao trình +6,5m) làm cơ sở để tính toán, kiểm tra cao trình mực nước trước đập dâng, đảm bảo không làm dâng cao mực nước trước khi xây dựng công trình ứng với các tần suất chống lũ chính vụ 10%, 5%, 2%, 1% phù hợp với các quy định tại Luật Phòng chống thiên tai.
Dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc nối 2 xã Tịnh An và Nghĩa Dũng, TP. Quảng Ngãi |
Thể hiện các mặt cắt tính toán thủy lực lên bản vẽ thiết kế và định vị trên thực tế làm cơ sở để kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung các giải pháp giảm thiểu trong quá trình xây dựng và khai thác, sử dụng đập dâng và đảo Ngọc.
Tính toán lượng bùn cát bồi lắng trước đập dâng làm cơ sở xây dựng kế hoạch và thực hiện việc nạo vét thường xuyên hàng năm hoặc sau mỗi trận lũ, đảm bảo mặt cắt ướt thoát lũ thiết kế.
Rà soát tính toán ổn định xói lở hạ lưu đập ứng với tần suất chống lũ, đồng thời nâng cao trình đỉnh kè một số đoạn từ +5,20m lên 6,5m tương đương cao trình chống lũ chính vụ 10%, đảm bảo ổn định các tuyến đường bờ, không gây xói lở bờ sông và lòng dẫn.
Cũng theo Bộ NN-PTNT, một số nội dung không đồng nhất giữa các phần trong thuyết minh và không phù hợp giữa thuyết minh và bản vẽ thiết kế cơ sở như sự cần thiết phải xây dựng kè bảo vệ bờ quanh đảo Ngọc, các thông số cơ bản của kè bảo vệ bờ sông, đảo Ngọc…