Quảng Nam: Phục hồi hệ sinh thái rừng

Môi trường - Ngày đăng : 06:43, 20/05/2020

(TN&MT) - Từ sự hỗ trợ của các dự án phi chính phủ, cũng như nỗ lực của chính quyền địa phương, những năm qua, Quảng Nam thiết lập nhiều khu bảo tồn giải cứu các loài động vật hoang dã quý hiếm trên đà tuyệt chủng. Tuy nhiên, việc bảo tồn, gìn giữ đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức.

Tín hiệu mừng

Mới đây, nhóm nghiên cứu của tỉnh Quảng Nam và cán bộ dự án Trường Sơn Xanh (USAID) đã phát hiện một đàn voi có 8 cá thể, trong đó có một voi con dưới 1 tuổi. Đây là tín hiệu đáng mừng về việc bảo vệ và phát triển đàn voi ở tỉnh này.

Ông Từ Văn Khánh – Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, với cấu trúc hiện tại có thể thấy đây là đàn voi có cấu trúc đàn nhiều cấp tuổi khác nhau và rất khả thi cho sự phát triển trong tương lai. Ngoài ra, nhóm chuyên gia cũng đã xác định sơ bộ được vùng sống của đàn voi ở đây chủ yếu là khu vực phía Nam của Khu bảo tồn, nơi tập trung Rừng hỗn giao tre nứa.

Đàn voi đàn voi có 8 cá thể, trong đó có một voi con dưới 1 tuổi mới được ghi nhận tại Quảng Nam

Ông Khánh cho biết thêm, kết quả về sự có mặt của 8 cá thể voi một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi đối với việc bảo tồn loài thú lớn cực kỳ nguy cấp của Việt Nam.

Ngoài ra, các thông tin về cấu trúc cũng như vùng sống của đàn voi có ý nghĩa đặc biệt trong việc xây dựng chiến lược quản lý hiệu quả đảm bảo sự hài hòa giữa nhu cầu phát triển của con người và sự tồn tại của quần thể Voi tại Khu bảo tồn. Các hoạt động nghiên cứu lâu dài về vùng sống, sinh thái thức ăn cũng như bảo vệ loài và sinh cảnh voi cần được tiếp tục tại Khu bảo tồn để đảm bảo quần thể voi có thể tồn tại và phát triển trong tương lai.

“Đây là một tin mừng vì chỉ hơn 2 năm sau khi USAID hỗ trợ tỉnh Quảng Nam thành lập Khu bảo tồn voi tại huyện Nông Sơn và tiếp tục các hỗ trợ về kỹ thuật cho Khu bảo tồn và cộng đồng địa phương thì đàn voi tại Khu bảo tồn đã đón nhận thêm thành viên. Điều này cho thấy sinh cảnh sống của voi đã ổn định hơn, giảm nguy cơ bị đe doạ hay quấy phá và có nguồn thức ăn dồi dào hơn.” - ông Khánh khẳng định

Phát hiện tích cực này cũng cho thấy hiệu quả ban đầu của những quyết tâm và nỗ lực bảo tồn của tỉnh Quảng Nam. Cho đến nay USAID đã và đang hỗ trợ Khu bảo tồn Voi về điều tra đa dạng sinh học, áp dụng công cụ SMART trong tuần tra, xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững, hỗ trợ Khu bảo tồn tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương cũng như hỗ trợ một số mô hình nâng cao sinh kế cho người dân sống trong khu vực vùng đệm của Khu bảo tồn.

Còn nhiều thách thức

Quảng Nam là địa phương có đa dạng sinh học vào loại bậc nhất với hơn 1000 loài thực vật bậc cao; 50 loài thú lớn, 22 loài dơi, 270 loài chim...; quần thể voọc chà vá chân xám và sao la có tầm quan trọng toàn cầu.

Trước tác động của biến đối khí hậu và con người, hệ sinh thái tự nhiên của Quảng Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Đa dạng nguồn gen của quần thể các loài quý hiếm có giá trị cũng đang bị suy thoái do mất nơi sống và chia cắt manh mún sinh cảnh. Một số nguồn gen bản địa sử dụng trong hoạt động nông nghiệp đang bị mất đi hoặc bị thay thế do sự du nhập các giống ngoại lai. Ở miền núi, việc xây dựng các tuyến đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn, đường tuần tra biên giới... cũng làm suy giảm đáng kể phần diện tích rừng nguyên sinh ở dãy Trường Sơn, làm tăng áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có.

Việc bảo vệ hệ sinh thái rừng ở Quảng Nam vẫn gặp nhiều thách thức

Nhiều năm nay, từ các dự án phi chính phủ, chương trình nước ngoài tài trợ cùng với nỗ lực của chính quyền và ngành chức năng, nhiều dự án bảo tồn đa dạng sinh học ngắn hạn và dài hạn giúp người dân và chính quyền địa phương có rừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng và phát triển vùng đệm ở các khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh này.

Điển hình là Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam. Hiện nay dự án đang bước vào giai đoạn thứ 2 với mục đích bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tại khu rừng xuyên biên giới của cảnh quan Trung Trường Sơn tại Việt Nam và Lào được bảo tồn hiệu quả thông qua cải thiện công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Tại Khu bảo tồn sao la, Vườn Quốc gia Bạch Mã đã phục hồi đáng kể về đa dạng sinh học từ khi dự án của WWF thực hiện. Một cách thức tiếp cận giữ rừng hiện đại, không dựa quá nhiều vào lực lượng kiểm lâm bước đầu tạo ra chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, theo các cán bộ kiểm lâm, thách thức đặt ra ở đây là đời sống người dân vùng cao còn nghèo, phụ thuộc lớn vào rừng. Mặt khác, giá nguyên liệu gỗ rừng trồng tăng cao làm cho người dân thấy lợi nhuận từ việc trồng rừng lớn nên đã phá rừng, lấn chiếm đất trồng rừng, tình trạng săn bắt thú vẫn diễn ra. Điều này vẫn đe dọa tính đa dạng sinh học của địa phương.

Võ Hà