ĐBSCL: Giải pháp nào xử lý hiệu quả chất thải tại các chợ?
Môi trường - Ngày đăng : 17:02, 19/05/2020
Kênh, rạch đang là nơi lưu chứa nhiều loại rác thải sinh hoạt phát sinh từ các chợ từ đô thị đến nông thôn ở một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL |
Tăng sức ép đối với môi trường
Theo báo cáo hiện trạng môi trường ở các chợ do Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng thực hiện mới đây cho thấy, hiện nay tại khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh có hơn 130 khu chợ với quy mô diện tích khác nhau, mỗi ngày hoạt động tại các chợ đã phát sinh khoảng 100 tấn chất thải rắn và gần 1.000m3 nước thải.
Mặc dù, khối lượng chất thải phát sinh hàng ngày tương đối lớn, nhưng theo Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, công tác thu gom và xử lý rác thải, nước thải tại các chợ còn nhiều hạn chế. Cụ thể việc xử lý nước thải tại các chợ mới đạt hơn 10% trong tổng lượng nước thải phát sinh mỗi ngày, còn rác thải rắn phần lớn chưa được thu gom, vận chuyển, xử lý triệt để đã gây sức ép lớn đến môi trường nước, không khí đối với khu vực xung quanh.
Theo ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 70 chợ lớn nhỏ đang hoạt động. Phần lớn các chợ chưa được đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, nên các nguồn thải chưa qua xử lý được tuồn trực tiếp xuống các sông, kênh rạch gây ô nhiễm không khí, nguồn nước.
Là một trong những chợ được xây dựng lâu đời nhất ở tỉnh Hậu Giang, chợ Long Thạnh (xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp) thường xuyên phải đối diện với tình trạng ngập nghẹt mỗi khi mùa mưa đến do cơ sở hạ tầng tại khu chợ này đã xuống cấp nghiêm trọng. Bà Lý Thị Loan, tiểu thương buôn bán tại chợ Long Thạnh cho biết: “Vào mùa mưa các tiểu thương lại lo lắng vì chợ bị ngập dẫn đến rác thải, nước thải không được thu gom, xử lý phát sinh mùi hôi, nước dưới kênh Long Thạnh đen ngòm”.
Còn tại chợ Bảy Ngàn (thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) do mới xây dựng nên được đầu tư cơ bản hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên vấn đề rác thải phát sinh từ chợ này đang khiến nhiều người dân sinh sống xung quanh bức xúc.
Thông tin với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thịnh, nhà ở gần chợ Bảy Ngàn cho biết: “Mấy năm nay một lượng lớn rác thải phát sinh trong quá trình buôn bán ở chợ Bảy Ngàn được tập kết ra phần đất trống phía sau chợ. Do không được thu gom, xử lý lâu ngày đã phát sinh ruồi, mùi hôi gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân xung quanh”.
Trong thời gian qua, một lượng lớn nước thải, rác thải phát sinh tại các chợ trên địa bàn TP. Cần Thơ như: chợ An Bình, chợ Cái Răng, chợ Cần Thơ,… đang chảy trực tiếp ra các sông, kênh, rạch làm cho chất lượng môi trường nước mặt bị suy giảm. Đi dọc tuyến sông Cái Răng Bé (cặp với chợ Cái Răng), rạch Khai Luông (chợ Cần Thơ) không khó để bắt gặp những ống cống nước thải có mùi hôi tanh chảy thằng xuống sông, rạch, còn dưới mặt nước nhiều đoạn kênh rạch hiện diện đủ các loại rác.
Ngoài ra, do đặc trưng mua bán trên sông, nên tại khu vực chợ nổi Cái Răng cũng thường xuyên xuất hiện các loại rác thải do thương hồ và khách du lịch vứt xuống sông, ảnh hưởng đến môi trường, vẻ mỹ quan cho khu vực chợ này.
Hoạt động vớt rác, cải thiện môi trường ở khu vực chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ), chợ nổi Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng)... đang được các địa phương quan tâm thực hiện |
Đâu là giải pháp xử lý triệt để?
Ông Đào Trọng Ngữ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang thông tin, qua quá trình kiểm tra, Chi cục Bảo vệ Môi trường đã yêu cầu các đơn vị quản lý chợ thực hiện nghiêm những nội dung theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường theo quy định; đồng thời, các ban, ngành ở địa phương tăng cường công tác quản lý các chợ tự phát, tụ điểm buôn bán không đúng quy định; xử lý nghiêm hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường.
“Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hậu Giang còn phối hợp với các hội đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động những người dân buôn bán ở các chợ tham gia vào các hoạt động như: bỏ rác đúng nơi quy định, giảm thiểu sử dụng túi nilon để đựng hàng hóa, thức, góp phần bảo vệ môi trường” - ông Đào Trọng Ngữ thông tin thêm.
Theo bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, qua kiểm tra nước thải ở các chợ nông thôn và chợ tự phát đang bị ô nhiễm hữu cơ, vi sinh; chất thải rắn không ngừng gia tăng về khối lượng, đa dạng về thành phần đang tác động xấu đến môi trường nước tại các sông, kênh, rạch; đồng thời, việc không xử lý triệt để chất thải ở các chợ cũng gây thiệt hại về kinh tế vì phải đầu tư để khắc phục ô nhiễm môi trường.
Từ những bất cập nêu trên, bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm cho hay, trong thời gian tới, Chi cục Bảo vệ Môi trường sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát lại dự án phát triển chợ nào thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án nào phải lập đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường. Cùng với lập danh sách các chợ chưa đảm bảo vệ sinh môi trường để đề xuất các phương án xử lý.
Trao đổi với Phóng viên, ông Lưu Tấn Tài, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết, hiện nay, tất cả các chợ được đầu tư xây dựng mới trên địa bàn thành phố phải tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường như có hệ thống xử lý nước thải, còn rác thải phải được hợp đồng thu gom triệt để tránh tình trạng ùn ứ gây ô nhiễm môi trường ở các chợ.
“Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các chợ, nhất là chợ truyền thống, hiện nay, các ban, ngành chức năng, hội đoàn thể ở các quận, huyện đang thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động những hộ kinh doanh, buôn bán nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, không vứt rác xuống các sông, kênh rạch; đồng thời, tích cực tham gia hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” theo kế hoạch phát động của UBND TP. Cần Thơ” - ông Lưu Tấn Tài cho biết thêm.