Hiến kế để triển khai hoạt động tổ chức lưu vực sông
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:11, 19/05/2020
Theo Quyết định 619, UBSMCVN là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý các hoạt động liên ngành, liên tỉnh, liên quốc gia nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam, theo quy định của Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật có liên quan.
Báo cáo về việc triển khai thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Đức Trung – Chánh Văn phòng Thường trực UBSMCVN cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định từ chuẩn bị nhân sự, xây dựng quy chế hoạt động, kiện toàn Văn phòng Thường trực UBSMC VN với chức năng, nhiệm vụ mới…
Ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam phát biểu tại cuộc họp |
Để kiện toàn văn phòng thường trực UBSMC VN, Văn phòng thường trực chuẩn bị dự thảo Quyết định về điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức; dự thảo Quy chế hoạt động của Văn phòng Thường trực và lấy ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan trong Bộ.
Theo ông Trung, với quy chế hoạt động, chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức mới Ủy ban bổ sung thêm nhiều thành viên từ các bộ, ngành; đơn vị trong Bộ TN&MT… để có thể bao quát không chỉ là vấn đề về nước mà cả các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước. Với Quyết định 619 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban cũng sẽ bổ sung theo chức năng nhiệm vụ mới, xây dựng Kế hoạch 5 năm 2021-2025 của Ủy ban; đặc biệt là triển khai các hoạt động của tổ chức lưu vực sông.
Theo đó, tổ chức lưu vực sông sẽ thực hiện các hoạt động như: Rà soát, đánh giá các khung pháp lý có liên quan làm cơ sở kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển bền vững, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước và môi trường trên lưu vực; Điều tra, đánh giá các vấn đề tranh chấp, vướng mắc giữa các Bộ, ngành, địa phương và giữa Việt Nam và các quốc gia trong lưu vực trong sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và môi trường, kiến nghị các giải pháp giải quyết; Theo dõi, giám sát diễn biến tài nguyên nước, các hoạt động sử dụng, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước trên lưu vực; Hỗ trợ thẩm định các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án trên các lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San – Srêpốk…
“Tiếng nói của Uỷ ban là tiếng nói của rất nhiều Bộ, ngành, địa phương, do vậy sự phối hợp nhất quán, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa Uỷ ban với các đơn vị trong Bộ TN&MT cũng như các Bộ, ngành thành viên hết sức quan trọng”, ông Lê Đức Trung nhấn mạnh.
Cho ý kiến tại cuộc họp, ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, tổ chức lưu vực sông đạt hiệu quả tốt sẽ giúp cho Thủ tướng và Chính phủ điều phối liên quốc gia, chỉ đạo sát sao những vấn đề liên quan đến lưu vực sông (bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, những hoạt động liên quan đến lưu vực sông của các Bộ, ngành).
Ông Thức cho rằng, để tổ chức lưu vực sông hoạt động được ngay, việc xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành ngay quy chế làm việc của Ủy ban rất quan trọng. Theo ông Thức, quy chế làm việc này sẽ có phân công, phân nhiệm rõ chức năng, chức trách của từng bộ, ngành cũng như từng cá nhân tham gia; trong đó có Tổng cục môi trường.
Ảnh minh họa |
Đồng tình quan điểm tổ chức lưu vực sông là tổ chức mang tính liên ngành cao, song lợi ích của các bên tham gia khác nhau, ông Hoàng Đức Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn kiến nghị thành lập Tổ giúp việc để liên tục kết nối công việc của các thành viên trong Uỷ ban. Đồng thời, ban hành Quy chế hoạt đột, quy trình phối hợp để làm rõ hơn trách nhiệm của các thành viên trong Uỷ ban.
“Vì các thành viên tham gia với lợi ích khác nhau nên trong quy chế, tổ chức hoạt động của Uỷ ban nên thành lập diễn đàn để có các ý kiến tham vấn khác nhau, từ đó đưa ra phương án hoạt động”, ông Cường đề xuất.
Đồng tình quan điểm phải thiết lập quy chế làm việc của tổ chức lưu vực sông, ông Khuất Hoàng Kiên - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT cho rằng, phải nhanh chóng hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quy chế làm việc để thiết lập được hệ thống thông tin phù hợp với quy mô, tổ chức, đặc thù của tổ chức lưu vực sông. Đồng thời, thiết lập, xác định nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu trên nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu liên thông Chính phủ cũng như nền tảng chia sẻ, kết nối dữ liệu của Bộ TN&MT.
“Khi quy chế làm việc, cơ cấu tổ chức của Ủy ban đã hoàn thiện, Cục Công nghệ thông tin sẽ phối hợp với Văn phòng thường trực xây dựng một khung kiến trúc về công nghệ thông tin cho Ủy ban. Từ việc triển khai công nghệ thông tin sẽ phục vụ công tác thường trực nói riêng và đảm bảo các hoạt động về kết nối cơ sở dữ liệu kết nối”, ông Kiên cho hay.
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh việc Thủ tướng Chính phủ phê quyệt Quyết định 619 đã khẳng định tính đúng đắn trong định hướng của Bộ TN&MT về việc quản trị tài nguyên nước phải theo lưu vực.
Lần đầu tiên chúng ta có tổ chức theo lưu vực là sự chuyển dịch từ quản lý tập trung về quản lý theo lưu vực. Do vậy, Thứ trưởng đề nghị tất cả các đơn vị, thành viên phải có sự chuyển dịch về tổ chức, quản lý, quy định, con người…
Thứ trưởng yêu cầu toàn bộ các đơn vị liên quan lĩnh vực tài nguyên nước phải vào cuộc, hành động khẩn trương, xây dựng bổ sung kế hoạch chi tiết, cụ thể, có kế hoạch đến từng tuần. “Uỷ ban phải lấy công nghệ thông tin làm "xương sống" để khẳng định vị thế của mình”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.