Chính sách và thực tiễn
Xã hội - Ngày đăng : 11:08, 19/05/2020
Nói không ổn bởi lẽ, khi “vết thương” về kinh tế do đại dịch Covid-19 vẫn hiển hiện và chưa thấy điểm dừng, thì việc “ra quân” của lực lượng cảnh sát giao thông như một đòn bất ngờ giáng xuống tâm lý người dân.
Sở dĩ việc kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ lần này tạo sự chú ý đặc biệt là bởi, xe máy hiện vẫn là phương tiện vận chuyển chủ yếu của đa số người dân Việt Nam, phần đông là người có thu nhập trung bình. Nhóm người dân chiếm số đông này lại là những người vừa được Chính phủ đưa vào diện xem xét hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch.
Dường như chưa có cơ sở của việc tổng kiểm soát hàng triệu người đi xe máy phải mang theo giấy bảo hiểm, sẽ cải thiện tốt hơn chất lượng giao thông. Đó là chưa nói đến việc, trong ít nhất mười năm qua, trong số hàng ngàn vụ tai nạn giao thông, số nạn nhân được nhận chi trả bảo hiểm xe máy có lẽ chỉ là con số không tròn trĩnh?! Người mua bảo hiểm thực sự chưa được hưởng gì, trong khi đó, lại là nguồn thu lớn cho các công ty bán bảo hiểm(?)
Gần 10 năm trước, Bộ Giao thông Vận tải khi chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố liên quan xây dựng đề án hạn chế và lộ trình cấm xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các đô thị lớn đã vấp phải phản ứng từ phía người dân và đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Ảnh minh họa |
Có thể thấy, khi các chính sách ra đời trước áp lực của cấp trên, của dư luận và xuất phát cảm tính rất dễ bị thất bại. Thế nên, việc đưa ra một lộ trình cụ thể, sau đó thực hiện quyết liệt để giải quyết các vấn đề giao thông bức bách là điều nên làm lúc này. Xe máy sẽ tồn tại ít nhất là 10 - 15 năm nữa, nó chỉ giảm hẳn khi mà có những phương tiện thay thế khác được người dân chấp nhận.
Như thế, giải pháp lúc này không phải là những chế tài kinh tế sắc lạnh đánh vào chủ các phương tiện tham gia giao thông, mà là cần có những chính sách khơi thông, phá vỡ những thủ tục hành chính rối rắm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Thực tiễn đã cho thấy, trong phát triển kinh tế phải có sự tăng trưởng liên tục và ổn định lâu dài; tăng trưởng kinh tế phải hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Với yêu cầu ngày càng cao và gấp gáp của nền kinh tế, đã đến lúc việc thực hiện “cam kết phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng” của các cơ quan công quyền phải đặt thành “chế độ”, được quy định bằng một văn bản có giá trị pháp lý cao hoặc được luật hóa, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản là xây dựng các “chỉ số” hài lòng. Những đợt ra quân rầm rộ, tốn tiền của, cần phải được cân nhắc thấu đáo, nhất là khi có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của số đông người dân.
Chúng ta không thể hạn chế tắc đường ở các đô thị khi chỉ nhăm nhăm với các đề án hạn chế (cấm) xe máy mà “quên” mất việc tạo dựng một hạ tầng đô thị đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.
Chúng ta không thể hạn chế tai nạn giao thông khi chỉ bằng các biện pháp hành chính: Kiểm tra - thu - phạt.
Bởi thế, trong lúc sức dân đã suy kiệt vì dịch bệnh, các gói hỗ trợ của Chính phủ cho người dân, doanh nghiệp hãy còn đâu đó... cần tạo một khí thế cho người dân thuận lợi đi lại, làm ăn, nhanh chóng phục hồi kinh tế. Chứ không nên bất ngờ ban hành các quyết định quản lý khiến họ phải cuống cuồng đối phó, kéo theo bao sự vướng mắc, ùn tắc, tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc!(?)