Trọn đời nhớ ơn Bác Hồ

Trong nước - Ngày đăng : 08:15, 19/05/2020

(TN&MT) - “Nếu ai hỏi may mắn lớn nhất cuộc đời tôi là gì, tôi sẽ trả lời ngay đó là 5 lần được gặp Bác Hồ. Nhờ có Bác Hồ kính yêu, tôi mới có cuộc sống hôm nay. Cả gia đình tôi trọn đời ơn Bác” - Đại úy Từ Thị Công Lễ, nguyên diễn viên Đoàn văn công quân khu 5, chia sẻ.

Trong những ngày tháng 5 ý nghĩa này bao kỷ niệm lại ùa về với những ai từng may mắn có cơ hội được gặp Bác. Với vợ chồng ông Lê Tôn Sùng (83 tuổi) và bà Từ Thị Công Lễ (80 tuổi), nguyên là diễn viên Đoàn văn công quân khu V - những người từng được gặp Bác Hồ thì nỗi nhớ Bác lại càng da diết.

Trong ngôi nhà nhỏ ở hẻm đường Trường Chinh, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng  bà Từ Thị Công Lễ rưng rưng kể cho chúng tôi nghe những hồi ức đẹp và thiêng liêng về 5 lần được gặp Bác Hồ. Là người con gái dân tộc Hrê ở Quảng Ngãi, năm 14 cô bé Từ Thị Công Lễ được cử ra miền Bắc học tập theo đoàn học sinh miền Nam. Mang theo lời dặn dò của dân làng Hrê, trong 2 năm học tập tại trường học sinh miền Nam tại Gia Lâm, Hà Nội cô bé Từ Thị Công Lễ đã phấn đấu không ngừng, luôn đạt danh hiệu học sinh ngoan, trò giỏi. Tết Trung thu năm 1956, với những thành tích xuất sắc, cô bé Lễ đã vinh dự có mặt trong đoàn giáo viên, học sinh đến Phủ Chủ tịch để gặp Bác Hồ.

Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng những ký ức về những lần gặp Bác vẫn in sâu trong tâm trí bà Lễ

Bà Lễ bồi hồi nhớ lại lần đầu tiên được gặp Bác, khi Bác xuất hiện, tất cả học sinh chúng tôi đều đứng vây quanh Bác. Tôi cố len giữa đám đông để được đứng gần Bác hơn. Tôi nói với Bác: “Bác ơi! Người dân quê cháu dặn cháu rằng nếu có điều kiện gặp Bác Hồ thì phải cố gắng nhìn cho thật kỹ, xem Bác có giống như những người bình thường không mà sao Bác giỏi thế. Bác cho cháu được nắm tay Bác, vuốt chòm râu nữa Bác nhé”.

Nghe xong Bác cười và gật đầu, đôi mắt nhìn tôi âu yếm. Suốt cả buổi hôm đó tôi chỉ chăm chú nhìn Bác mà không biết hôm đó Phủ Chủ tịch chiếu phim gì cho chúng tôi xem. Trước đó, Bác đã phát cho chúng tôi mỗi đứa một cái kẹo nhưng không ai dám ăn mà để dành như một vật quý báu”.

Bà Từ Thị Công Lễ (đứng sau bên phải) trong một lần may mắn, vinh dự được gặp Bác

Sau này, bà Lễ còn có cơ hội được gặp Bác trong những dịp Bác nói chuyện với các đơn vị bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc hay Bác về quê, thế nhưng, lần gặp cuối cùng đã để lại trong bà nhiều ấn tượng nhất. Đó là vào năm 1967, đoàn Văn công bộ đội Liên khu 5 vinh dự được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ Bác Hồ.

“Khi xem tiết mục tấu hài “Tổng ngốc sa lầy” (đả kích Tổng thống Mỹ Nixơn sa lầy trong cuộc chiến tranh Việt Nam), Bác Hồ cười rất sảng khoái, chúng tôi ai nấy cũng vui lây. Tiếp đến là màn múa “Tay chài tay súng” do tốp nữ của đoàn biểu diễn, trong đó có tôi. Do mải ngắm nhìn Bác, tôi quên chưa búi tóc. Khi nhạc nổi lên, chồng tôi (cũng là một diễn viên trong đoàn) nhắc to: Tóc, tóc! Tôi quýnh quáng búi vội mái tóc dài. Suốt thời gian biểu diễn, tôi cứ lo mái tóc bị xổ ra, nếu thế có lẽ tôi sẽ ân hận suốt đời vì không làm tròn nhiệm vụ. Rất may mọi chuyện diễn ra thật tốt đẹp, tiết mục được Bác Hồ vỗ tay khen ngợi."

Vợ chồng ông Sùng - bà Lễ cùng ôn lại những kỷ niệm trong chiến tranh

Sau buổi biểu diễn, Bác nói: “Các cháu diễn hay lắm. Các cháu có đói không? Các cháu ăn phở nhé!”. Rồi Bác quay sang nhà thơ Tố Hữu đứng cạnh, dặn dò: “Chú Hữu nhớ cho các cháu ăn thật no, thật ngon vào rồi mới để các cháu về đấy nhé!”. Trước khi ra về, cả đoàn được chụp ảnh cùng Bác. Lần này tôi cũng chen được vào đứng cạnh Bác. Lúc này sức khỏe Người đã xuống, chúng tôi phải đỡ Bác đứng dậy. Đây cũng là lần cuối tôi được gặp Bác Hồ” – bà Lễ vừa kể vừa lau nước mắt.

Cũng như bà Lễ, ông Lê Tôn Sùng đều là diễn viên múa của Đoàn văn công quân khu 5, quen nhau từ những lần đi diễn chung rồi nên nghĩa vợ chồng. Bà Lễ từng được 5 gặp Bác Hồ còn ông Sùng từng 3 lần được gặp Bác Hồ trong những lần Bác thăm Đoàn Văn công quân khu 5 và vào Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ Bác.

“Ban đầu nghe tin gặp Bác, tôi hồi hộp lắm, nhưng khi gặp Bác, được Bác ôm, hôn, tôi có cảm giác gần gũi như người thân ruột thịt trong gia đình. Có lần tôi thấy Bác bôi vôi ở cổ, hỏi thì Bác nói mình đang bị ho. Bác giản dị lắm chứ không nghĩ Bác là một vị lãnh tụ”, ông Sùng bồi hồi nhớ lại.

Vợ chồng ông Sùng bà Lễ trọn đời gắn bó với con đường binh nghiệp

Sau giải phóng bà Lễ về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 5, làm Đội trưởng Đội múa; nghỉ hưu năm 1982 với quân hàm Đại úy. Còn ông Sùng nghỉ hưu năm 1990 với quân hàm Trung tá, là Phó Trưởng đoàn Văn công Quân khu 5.

Hai con trai ông bà giờ đây tiếp nối bước chân bố mẹ với con đường binh nghiệp. Con dâu bà Lễ cũng phục vụ trong môi trường quân đội. “Nhờ có Đảng, có Bác Hồ mà cuộc đời một đứa trẻ dân tộc như tôi mới tốt đẹp, gia đình hạnh phúc như hôm nay. Tôi luôn biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ”, bà Lễ nói.

Để tỏ lòng biết ơn Bác Hồ, hàng chục năm nay, vợ chồng ông Sùng, bà Lễ luôn cố gắng học tập Bác ở sự giản dị, gần gũi, làm những gì có lợi cho dân. Học Bác, ông Sùng tỉ mẩn làm những tấm bảng cảnh báo đặt ở các bã ba, ngã tư trong khu dân cư nhắc nhở các phương tiện đi chậm để bảo đảm an toàn. Năm nào vào dịp sinh nhật Bác, ông Sùng cũng tự tay trồng thêm một cây xanh, lặng lẽ góp thêm bóng mát, quả ngọt cho đời.

Lan Anh