Gỡ nút thắt để đẩy nhanh dự án “treo” Làng Đại học Đà Nẵng
Đất đai - Ngày đăng : 18:38, 18/05/2020
Ngày 18/5, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng để bàn bạc tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án Đầu tư xây dựng ĐHĐN.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐHĐN cho biết, từ năm 1997-2017, tổng vốn đầu tư của Bộ GD&ĐT cho dự án xây dựng ĐHĐN khoảng 300 tỷ, đạt khoảng 0,5% so với tổng mức đầu tư dự kiến 7.000 tỷ đồng (năm 1997) và được triển khai trong 3 giai đoạn.
Với khoản vốn đầu tư trên, ĐHĐN đã giải phóng mặt bằng được 25,4 ha, nếu tính cả 13,5 ha đất của trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt - Hàn được sáp nhập về ĐHĐN thì tổng diện tích GPMB đến nay là 38,95ha (đạt tỷ lệ 13,5%). Hiện nay đã xây dựng được một số công trình nhà học khoảng 2.500 sinh viên đang học tập.
Dự án Làng ĐHĐN bị treo suốt hơn 20 năm qua |
Theo ông Vũ, dự án Làng ĐHĐN bị “treo” nhiều năm do khó khăn về ngân sách, nhưng cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã duyệt 1.000 tỷ đồng cho giai đoạn đầu tư trung hạn 2016 - 2020 để triển khai.
Tuy nhiên, hiện việc bố trí tái định cư bị chậm trễ, dẫn đến việc giải ngân cho Dự án GPMB không thực hiện được, việc bố trí nguồn vốn bố trí cho Dự án sẽ bị thu hồi. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai Dự án giai đoạn hiện tại cũng như bố trí vốn trung hạn cho các giai đoạn tiếp theo.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, thành phố thống nhất phương án xây dựng Khu tái định cư mới để bố trí cho các hộ dân thuộc đối tượng di dời trong phạm vi GPMB của dự án ĐHĐN từ nguồn kinh phí của địa phương. Sau đó, thành phố sẽ thu lại khoản kinh phí đã đầu tư khu tái định cư này từ việc bán đất cho đối tượng tái định cư thuộc khu vực GPMB của dự án.
“Thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ tối đa nhanh, kịp thời xử lý các đề xuất của ĐHĐN trong công tác giải phóng mặt bằng, thành lập hội đồng, chuẩn bị thủ tục đầu tư, đánh giá tác động môi trường dự án vay vốn WB,...làm sao để các thủ tục chi tiết được hoàn thành nhanh chóng, tiêu thụ hợp lí 400 tỷ ở tất cả các công đoạn trên trong năm nay”, ông Huỳnh Đức Thơ cho hay.
Ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị ĐHĐN tiếp tục phối hợp với các sở ngành địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ |
Tại buổi làm việc, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định: ĐHĐN là một trong những đại học lớn của Việt Nam, với một quy mô hơn 50 ngàn sinh viên, phục vụ cộng đồng, trước mắt là Đà Nẵng - Quảng Nam, vùng Tây Nguyên. Do đó, đề nghị ĐHĐN tiếp tục phối hợp với các sở ngành địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để bố trí nguồn vốn 400 tỷ đồng thực hiện trong giai đoạn năm 2020. Nếu sau 30/6/2020 vẫn chưa đủ điều kiện để phân khai chi tiết kế hoạch vốn năm 2020, Bộ sẽ đề xuất điều chuyển vốn cho các dự án khác có khối lượng thực hiện, có nhu cầu cấp bách về vốn.
Bộ trưởng đề nghị, lãnh đạo TP. Đà Nẵng cũng như Quảng Nam tạo điều kiện tối đa cho dự án, cùng nhau hỗ trợ, thực hiện, trước mắt là công tác giải phóng mặt bằng.
“Sau 23 năm trì hoãn, dự án Làng Đại học Đà Nẵng mới có cơ hội tái khởi động. Khó khăn lớn nhất của chúng ta trước nay là nguồn vốn thì cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã duyệt 1.000 tỷ đồng cho giai đoạn đầu tư trung hạn 2016 - 2020 để triển khai.
Chúng tôi mong rằng chính quyền Đà Nẵng sẽ hỗ trợ hết mình để có thể gỡ nút thắt tiếp theo là công tác giải phóng mắt bằng, giải ngân số vốn được bố trí. Nếu không làm ngay lúc này thì chưa biết đến khi nào mới có cơ hội tiếp theo, trong khi Đại học Đà Nẵng có có xu hướng phát triển rất lớn trong tương lai”. - ông Phùng Xuân Nhạ đề nghị.
Dự án treo kéo dài đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân ở khu vực dự án này |
Được biết, Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 1997, tổng diện tích gần 300ha, trong đó tỉnh Quảng Nam 190ha, TP Đà Nẵng khoảng 110ha. Tuy nhiên suốt hơn 20 năm nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành để đưa vào hoạt động nên tình trạng xây dựng trái phép và nhiều hệ lụy khác diễn ra vô cùng phức tạp. Từ năm 1997 đến nay, người dân không được thực hiện một số quyền sử dụng đất theo quy định Luật Đất đai như tách thửa, tặng cho, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích sử dụng đất. Người dân trong vùng dự án cũng không được xây dựng, cơi nới nhà cửa, việc cấp giấy phép xây dựng cũng không thể thực hiện.