Ráo riết giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Đất đai - Ngày đăng : 08:55, 17/05/2020
Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công vào tháng 9/2019. Dự án có tổng chiều dài 98,35km, có điểm đầu tại Km 0 (Cam Lộ), trùng với Km 10+440 QL9, thuộc địa phận xã Cam Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị). Điểm cuối Km 102+200 (La Sơn), trùng với Km 4 Tỉnh lộ 14B, trùng với điểm đầu dự án La Sơn - Túy Loan (thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế). Dự án đoạn qua tỉnh Quảng Trị có tổng chiều dài tuyến 37,3km, đoạn qua Thừa Thiên Huế là 62,5km.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang được triển khai thi công rầm rộ |
Quảng Trị gỡ mặt bằng tháng 5, Huế tháng 6
Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Quảng Trị, sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, địa phương, đến nay dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Quảng Trị chỉ còn vướng một điểm 280m. Khu tái định cư duy nhất của dự án đoạn qua tỉnh Quảng Trị cơ bản xong, các hộ dân đang xây nhà, trong đó có nhà đã sắp hoàn thiện.
Đối với 50m đầu tuyến giao với QL9 (huyện Cam Lộ) các hộ đã nhận tiền, 3 nhà còn lại đang tháo dỡ nhà và trong ít ngày nữa bàn giao mặt bằng. Còn 600m thuộc rừng phòng hộ Nam Thạch Hãn (huyện Triệu Phong) còn vướng mặt bằng. Tuy nhiên, trong 600m này chỉ còn vướng 280m liên quan đến 1 hộ dân.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, trường hợp 1 hộ dân còn lại trên, các sở ban ngành và UBND huyệnTriệu Phong đã nhiều lần họp dân, giải thích, thông báo kết luận của cấp có thẩm quyền, thực hiện quyền ưu tiên và tuyên truyền vận động hộ dân trên bàn giao mặt bằng.
“Quảng Trị sẽ xử lý dứt điểm 1 vị trí 1 hộ còn lại trên trên để bàn giao xong toàn bộ 100% mặt bằng trong tháng 5 này”, ông Đồng thông tin.
Các khu tái định cư đang được đẩy nhanh tiến độ |
Tại Thừa Thiên Huế, tính đến nay đã bàn giao 90% mặt bằng (trong đó, có 2/4 địa phương là Phong Điền và Phú Lộc đã bàn giao xong mặt bằng đạt 99 - 100%; 2 địa phương còn lại là Hương Thủy, Hương Trà đã bàn giao trên 82%), còn lại 10% tương ứng 6,1km tỉnh sẽ bàn giao trong Quý II/2020. 9 khu tái định cư hiện đã cơ bản hoàn thành san nền, điện nước 4/9 khu và đã bàn giao đất cho các hộ dân. 5 khu tái định cư còn lại dự kiến cuối tháng 5 này sẽ bàn giao đất cho các hộ dân.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, với tiến độ trên kết hợp với việc thực hiện các chế độ, chính sách và vận động người dân thì trong tháng 6 sẽ bàn giao hết mặt bằng còn lại, đảm bảo thông tuyến để thi công toàn diện.
Đang có nhiều vướng mắc trong việc thi công dự án |
Tháo gỡ nhiều vướng mắc
Ban Quản lý dự án đường HCM cho biết, đến nay tất cả 11 gói thầu của dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã đủ điều kiện pháp lý để thực hiện, được chia làm 3 nhóm. Hai gói thầu đầu tiên (gói 1 và 2) đã triển khai đạt trên 20%, 3 gói có quyết định trúng thầu cuối năm 2019 đã huy động công trường và đã triển khai được 3- 5%. Riêng nhóm 3 mới có quyết định cuối tháng 4, Ban đã huy động công trường, hiện một số nhà thầu đã tiến hành đào bóc hữu cơ, chủ động đẩy nhanh tiến độ. Trong tháng 5 này, cả 11 gói thầu đồng loạt bố trí các mũi thi công đẩy nhanh tiến độ, với mục tiêu là công tác nền đất phải xong trước mùa mưa...
Vướng mắc khó khăn nhất hiện nay là mặt bằng bãi đổ thải, điều phối đất đắp giữa một số gói thầu do vướng mặt bằng, thiếu vật liệu đất đắp.
Đơn cử, gói thầu số 9 có 3,5km tuyến chính, 1,6km tuyến tránh Huế, cầu Tuần và một số cầu nhỏ. Tuy nhiên đến nay, trong 3,5km tuyến chính nhà thầu chỉ mới triển khai được 1,1km, còn 1,6km tuyến tránh Huế chưa được địa phương bàn giao mặt bằng. Hiện chỉ mới bố trí được 1/3 mũi thi công nền đường. Còn đối với phần cầu, trong phương án thi công triển khai 5 mũi, nhưng hiện nay còn 2 mũi chưa có mặt bằng để triển khai. Đáng chú ý, gói thầu số 9 có tổng số khối lượng đắp nền đường khoảng hơn 500.000m3, theo thiết kế điều phối nội bộ khoảng 150.000m3, còn lại 350.000m3 điều phối từ gói 8 về, nhưng hiện nay mặt bằng gói 8 chưa được bàn giao đầy đủ, những vị trí điều chuyển từ gói 8 về gói 9 cũng rất khó khăn. Còn bãi đổ thải trong hồ sơ thầu chỉ được 1 vị trí, nhưng hiện nay địa phương xác định là không được đổ mà phải tìm vị trí khác...
Hình hài cao tốc đang được hình thành |
Theo nhà thầu thi công gói 6, khối lượng đất đắp của gói thầu khoảng 1 triệu m3, trong đó nhân với hệ số nữa là khoảng 1,4 triệu khối đất rời, nhưng khối lượng điều phối không có m3 nào. Nhà thầu này đã đi nhiều mỏ để điều tra về công tác vật liệu, đầu tiên là các mỏ được chỉ dẫn trong hồ sơ thiết kế thì gần như không còn đất, hoặc chưa được cấp phép. Để tìm nguồn vật liệu này phải đi trên 20km, nhưng các mỏ không báo giá hoặc không có trữ lượng bán... Gói 6 hiện mới hợp đồng được khoảng 230.000m3 trong năm nay để đắp đường công vụ. Còn khối lượng tuyến chính, trước tình trạng trên, Ban Quản lý dự án đã cùng nhà thầu đi điều tra giấy phép, công suất mỏ để đề xuất với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế...
Kiểm tra thực địa tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn giữa tháng 5 này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá cao các đơn vị triển khai dự án, đồng thời yêu cầu phải thực hiện tốt từ khâu tổ chức, con người, chất lượng... tại dự án. Kể cả nhà thầu, tư vấn giám sát, chủ đầu tư phải tạo nên một sản phẩm đúng như mong đợi chung...
Lãnh đạo Bộ GTVT kiểm tra dự án, giải quyết các vướng mắc để sớm bàn giao mặt bằng |
Theo Thứ trưởng, các gói thầu của dự án nên học tập mô hình gói 1 và 2 trên cơ sở quy định về khâu tổ chức hiện trường. Kiểm soát chặt chẽ từ con người, phương tiện, xe chở vật liệu vào đều phải đăng ký, xe nào không đăng ký tư vấn giám sát, Ban quản lý phải có trách nhiệm nhắc nhở, nếu tái diễn lần 3 đình chỉ luôn. Mỏ vật liệu phải lấy đúng nơi quy định...
Thứ trưởng cung cấp số điện thoại để các đơn vị, nhà thầu kịp thời phản ánh các vướng mắc cần phải tháo gỡ. Đề nghị Ban Quản lý dự án cùng tư vấn giám sát, nhà thầu cần phải họp lại để tập huấn, phổ biến rõ các quy định, quy trình chỉ dẫn kỹ thuật… đến cán bộ kỹ thuật, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, Ban Quản lý dự án, nhà thầu để tuân thủ, phát hiện nhắc nhở và kiến nghị kịp thời. Khi có vấn đề phát sinh phải dự kiến thời gian xử lý, những bước cần phải xử lý và cùng thống nhất để xử lý ngay để đẩy nhanh tiến độ.
“Thời tiết tại Quảng Trị và Huế thường đến tháng 8 là tốt nhất. Theo đó, còn khoảng hơn 3 tháng nữa, các nhà thầu tập trung xây dựng kế hoạch đẩy nhanh tiến độ; quy trình tăng ca phải chặt chẽ, kể cả ban đêm. 3 vấn đề lớn là mặt bằng, vật liệu và bãi đổ thải phải ưu tiên số 1, Ban Quản lý dự án tập trung phối hợp với các nhà thầu, địa phương tháo gỡ, đảm bảo tiến độ dự án. Nếu giá vật liệu biến động mạnh ảnh hưởng đến công trình phải báo cáo ngay để Bộ GTVT sẽ có báo cáo gửi UBND tỉnh...”, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.