Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

Trong nước - Ngày đăng : 20:29, 15/05/2020

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 45, chiều ngày 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Báo cáo về các nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý 08 nội dung tại 10 điều, khoản của Luật Tổ chức Quốc hội, tập trung vào các nội dung về tiêu chuẩn một quốc tịch đối với ĐBQH; việc quyết định số lượng và phê chuẩn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH; việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội; việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách; không quy định hình thức văn bản kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong Luật;

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc chiều 15/5. Ảnh: quochoi.vn

Đồng thời, đổi tên 2 Ủy ban của Quốc hội; không quy định số lượng cấp phó cụ thể tại Hội đồng và từng Ủy ban; bổ sung trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của Quốc hội trong việc tham gia thẩm tra và việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, qua lấy ý kiến, các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành nội dung tiếp thu ở trên, một số ý kiến đề nghị chỉnh lý về kỹ thuật văn bản. Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và chỉnh lý trong dự thảo Luật.

Về các nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có giải trình, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua tổng hợp ý kiến cho thấy, ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội thống nhất với phần lớn các nội dung mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình, trong đó bao gồm các vấn đề liên quan đến tổng số đại biểu Quốc hội, về nhiệm kỳ của Quốc hội, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội...

Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, vẫn còn một số ý kiến tiếp tục đề nghị cần mở rộng phạm vi sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Quốc hội và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10. Nhiều ý kiến vẫn đề nghị quy định cụ thể hơn về địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội theo hướng đây là một cơ quan của Quốc hội, là cánh tay nối dài của Quốc hội.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo nhận thấy, những vấn đề trên không mới, luôn được đại biểu Quốc hội nêu ra tại mỗi lần sửa đổi Luật và đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan nhiều lần báo cáo giải trình cụ thể, thấu đáo, do đó xin phép được tiếp tục giữ quan điểm giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội như đã thể hiện trong các báo cáo gửi đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung của Báo cáo của Ủy ban Pháp luật, đặc biệt là các nội dung về đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH và bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn ĐBQH; việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách...

Đối với việc chuyển các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì chưa nên đặt vấn đề chuyển các Ban thành cơ quan thuộc Quốc hội. Do đó, đề nghị cho tiếp tục giữ vị trí, chức năng của Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện là cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội như hiện nay, đồng thời đề nghị nghiên cứu quy định bổ sung các chế độ, chính sách phù hợp hơn đối với đội ngũ cán bộ của các Ban để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Về việc điều chỉnh tên gọi của “Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng” thành “Ủy ban Văn hóa, Giáo dục”, đổi tên “Ủy ban về các vấn đề Xã hội” thành “Ủy ban Xã hội”, các đại biểu cho rằng, về nguyên tắc, tên gọi của các cơ quan cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thể hiện được lĩnh vực hoạt động chủ yếu của cơ quan để có thể phân biệt với các cơ quan khác nhưng không cần thiết và không thể ghi đầy đủ tất cả các lĩnh vực, nội dung hoạt động của cơ quan trong tên gọi.

Việc xác định tên gọi nên theo lĩnh vực (ví dụ Văn hóa, Giáo dục), không nên xác định theo phạm vi đối tượng chủ thể (ví dụ Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng hay Trẻ em) vì nếu xác định theo đối tượng chủ thể thì tên gọi của một số Ủy ban khác cũng chưa thể hiện đầy đủ phạm vi phụ trách.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ủng hộ việc đổi tên của 2 Ủy ban và cho rằng, trong “văn hóa” đã bao hàm “giáo dục” rồi nên phương án đổi tên cho ngắn gọn là hợp lý. Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị nghiên cứu việc phân định lại nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách của Ủy ban Tài chính- Ngân sách và Ủy ban Kinh tế sao cho phù hợp, phát huy hiệu quả tích cực.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung thêm nội dung bản lĩnh chính trị, phẩm chất chính trị vào về tiêu chuẩn của của đại biểu Quốc hội.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cơ bản đồng tình với các nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Với những nội dung còn chưa thống nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đưa các nội dung này tiếp tục thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội để các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến rồi sẽ cân nhắc thêm.

Tuyết Chinh