Bác Hồ trong tim người chiến binh ngoại quốc

Văn hóa - Ngày đăng : 14:18, 15/05/2020

(TN&MT) - Suốt 70 năm một người lính chiến Pháp đã lưu giữ trong tim ông hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và cũng ngần ấy thời gian, người lính ấy chỉ ước vọng một điều trao tấm ảnh Bác Hồ cho Việt Nam, và điều đó đã trở thành sự thật. Câu chuyện xúc động ấy lần đầu tiên kể.

Bức tranh chân dung Hồ Chủ Tịch do Pierre Flamen lưu giữ suốt 70 năm tại gia đình riêng ở Pháp, ảnh tư liệu

  “70 năm Hồ Chủ Tịch ở trong tim tôi”

Cuối thập niên 40 của thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến tàn khốc, gian khổ, cam go nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Kẻ thù lúc đó của nhân dân Việt  Nam là đế quốc Pháp- một trong hai đế quốc hung hãn sừng sỏ nhất thời đại lúc bấy giờ. Cứ điểm Điện Biên Phủ lúc đó là “vùng chiến sự đặc biệt” mà quân và dân Việt Nam cần giải phóng.

Để có niềm tin chiến đấu và chiến thắng quân thù, trên các điểm cao, hầm hào, lán trại của bộ đội Việt Minh đều có hai thứ: một là hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai là lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam. Bởi đây được coi là hai “báu vật” luôn thường trực trong tim mỗi người lính, mỗi người dân lúc ấy.

Trong muôn vàn khó khăn, bộ đội Việt Minh nhìn thấy cờ Tổ quốc là thấy niềm tin chiến thắng; trong gian khổ nhìn thấy ảnh Bác Hồ là nhìn thấy ngọn cờ và quyết tâm đánh giặc. Trong hơn 8 triệu quân viễn chinh Pháp được chính quyền Pháp “tung xuống vùng lõm” Điện Biên, có một người lính trẻ măng, anh tên là Pierre Flamen. 

Cũng như nhiều lính Pháp lúc đó, Pierre Flamen là “lính đánh thuê” cho Chính Phủ Pháp. Ông được giao nhiệm vụ trinh sát thực địa, nắm tình hình, báo cáo về “đầu não” chỉ huy. Đơn vị của Pierre Flamen lúc đó “chốt ngầm” ở “lòng chảo” Điện Biên Phủ.

Một lần Pierre Flamen đi trinh sát thực địa, từ xa xa ông nhìn thấy các lán trại của bộ đội Việt Minh như  những chiếc ô nấm ngụy trang bí mật từ những bìa rừng nguyên sinh. Bí mật - ông mon men lại gần xem “bộ đội Việt Minh để gì trong đó?”. Ghé mắt qua bức liếp cỏ tranh, ông nhìn thấy một tấm ảnh vẽ chân dung  cụ già mặc áo mùa đông, vầng trán rộng, đôi mắt quầng sâu trên bảng tin. Ông suy nghĩ: “Đây là Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ của nhân dân Việt Nam”.

 

“Địa ngục trần gian” Côn Đảo - nơi giám ngục Paul Atoine Miniconi phát hiện và thu giữ bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những người tù

Năm 1951, Pierre Flamen về Pháp mang theo bức tranh vẽ trên nền giấy gió chân dung Bác Hồ và gìn giữ tại gia đình riêng. Trong suốt khoảng thời gian đó, nhiều nhà sưu tầm ngỏ ý muốn mua lại nhưng ông không bán. Pierre Flamen còn vẽ một bức tranh khác, phác họa lại khu lán trại nơi tìm được bức chân dung Hồ Chủ tịch. 

Ngày tháng trôi mau, Pierre Flamen trở thành cựu binh già. Những đêm dài không ngủ, ký ức chiến tranh tại Điện Biên Việt Nam ùa về trong trái tim ông. Pierre Flamen muốn một dịp nào đó trở lại Việt Nam để nói rằng chiến tranh đã kết thúc nhiều năm, bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh xin gửi lại người Việt, chỉ người Việt mới có quyền lưu giữ bức tranh đặc biệt này. 

Sau hơn 70 năm gìn giữ, tháng 8-2019, ông nhờ dịch giả gốc Việt, bà Hiệu Constant chuyển bức tranh về tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh với mong muốn tranh sẽ được giới thiệu đến công chúng, thể hiện tình yêu của người cựu binh Pháp với Việt Nam”. 

Ngày Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức trang trọng tiếp nhận bức tranh chân dung Hồ Chủ tịch mà ông Pierre Flamen gửi tặng, ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh xúc động nói: “Đây là hiện vật mang giá trị lịch sử, thẩm mỹ, thể hiện tình cảm cao đẹp của cựu binh Pháp với Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng sẽ tìm kiếm thêm thông tin về bức tranh và bảo quản, phát huy giá trị lâu dài hiện vật quí giá này”.

Kể về quá trình lưu giữ bức tranh vẽ chân dung Hồ Chủ Tịch trên nền giấy gió, vị cựu binh Pháp chia sẻ, ông đã cất cẩn thận tại nơi làm việc. Sau khi rời quân ngũ, ông lưu giữ tại nhà riêng ở thành phố Montreuil, Cộng hòa Pháp. Năm 1948, lần đầu tiên đến Việt Nam với vai trò là một người lính trong quân đội Pháp, thuộc Tiểu đoàn 6, lính dù ở Điện Biên Phủ. 70 năm sau, ông là tôi là cựu binh Pháp và rất yêu quí lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Bức tranh mà cựu binh Pháp Pierre Flamen lưu giữ, là bức tranh cổ động do họa sĩ Phan Văn Doãn vẽ, được Ty Truyền thông Yên Bái phát hành nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 59 của Hồ Chủ tịch, in trên giấy gió, kích thước khổ A3. Vấn đề bức tranh chân dung Hồ Chủ Tịch không phải về thời gian, chất liệu, mà thể hiện tình cảm của người chiến binh nước Pháp đối với Bác Hồ. 70 năm trước, ông Pierre Flamen là “giặc Pháp”, sau 70 năm, Pierre Flamen là người bạn hữu tình của Việt Nam.

Bức tượng Bác Hồ từ tâm người Pháp

Giữa hàng trăm ngàn bức tượng, tấm ảnh anh hùng, di vật lịch sử ở Bảo tàng Quốc gia Hồ Chí Minh, có một bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trang trọng giữa chính giữa. Theo dòng chảy của thời gian, bức tượng  như có một sự liên kết tâm linh giữa lịch sử và hiện tại. Câu chuyện về bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh được người cai ngục lao tù ở nhà tù Côn Đảo lưu giữ và trao gửi cho Việt Nam như một minh chứng tình cảm, hình bóng Bác Hồ luôn được thế giới ngưỡng mộ, trân trọng, cả những “kẻ” đã từng cầm súng chĩa vào trái tim người cộng sản và nhân dân Việt Nam trong quá khứ.

Năm 1920 của thế kỷ XX, Paul Atoine Miniconi là một trong nhiều người Pháp được Chính phủ cử đến Việt Nam làm việc. Paul Atoine Miniconi lúc đó giữ chức giám ngục các lao tù Côn Đảo. Hằng ngày, nhiệm vụ của Paul Atoine Miniconi là kiểm tra an ninh tại các nhà giam xem “động thái của cộng sản” để sẵn sàng “thủ tiêu” khi có lệnh.

Bức tượng bằng đá bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh mà người tù Côn Đảo bí mật cất giấu bị giám ngục Paul Atoine Miniconi phát hiện thu giữ và lưu trữ. Ảnh tư liệu

Một lần kiểm tra, Paul Atoine Miniconi phát hiện những người tù cất giấu bí mật một vật mà ông nghi là vũ khí. Sau khi ông tổ chức khám xét, vật ông nghi ngờ không phải vũ khí, mà là bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh. Paul Atoine Miniconi đặt câu hỏi: “Tại sao cộng sản lại quý trọng bức tượng này?”. Và khi biết rõ bức tượng bán thân kia là Chủ tịch Hồ Chí Minh, “bí mật” tại sao những người cộng sản lại bí mật cất giấu đã được “giải  mã”. Paul Atoine Miniconi đã quyết định giữ bức tượng lại như một sự thành kính tôn phục.

 Năm 1952, ông Paul Atoine Miniconi hết “quĩ” thời gian công tác tại Côn Đảo, ông trở về Pháp và đem theo bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước khi Paul Atoine Miniconi qua đời, ông để lại bức tượng cho con trai của ông là Paul Miniconi và căn dặn con rằng, bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được đưa về Việt Nam.

Ngày 1-12-2019,  tức là sau 79 năm, bức tượng bán thân Hồ Chủ tịch được Paul Miniconi và nhà sử học Pháp Frank Senateur đã trao cho Đại sứ Việt Nam Nguyễn Thiệp tại Cộng hòa Pháp. Sau đó chuyển về Việt Nam và đặt trang trọng tại Bảo tàng quốc gia Hồ Chí Minh. Ông Paul Miniconi cho rằng, việc trao lại bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam chính là thực hiện di nguyện thiêng liêng của người cha già thân yêu trước lúc qua đời.

Lê Khanh