Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Cố gắng hết sức để đạt tăng trưởng cao nhất
Trong nước - Ngày đăng : 14:16, 15/05/2020
Lạc quan có mức độ, nhưng nỗ lực tột độ
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Nghị quyết của Quốc hội cụ thể hoá Nghị quyết của Trung ương, từ đó dự toán ngân sách đi theo kịch bản tăng trưởng 6,8%. Giờ do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng nếu muốn điều chỉnh phải trình cấp có thẩm quyền. Qua mấy tháng chưa có cơ sở đánh giá cụ thể song cần nỗ lực cao, hạn chế thấp nhất sự sụt giảm. Các kịch bản đưa ra phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ và sát với thực tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chính sách kinh tế vĩ mô phải tỉnh táo, lạc quan có mức độ nhưng nỗ lực phấn đấu là tột độ. “Việt Nam phòng chống dịch rất tốt song các đối tác lớn còn lao đao, vậy ta mua bán với ai, xuất khẩu với ai, du lịch thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích và cho biết, mấy tháng nay cả nước tập trung phòng, chống dịch, làm ăn đình trệ, nhân dân khó khăn mà cố gắng được kết quả như báo cáo là điều đáng trân trọng. Do vậy, chúng ta cần đánh giá thật kỹ và bây giờ phải cố gắng hết sức.
Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng gợi ý Chính phủ nên có báo cáo Quốc hội theo hướng cho chỉ tiêu thực tế cùng với kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kịp thời ứng phó với tình huống xảy ra hoặc có thể xảy ra.
“Giờ điều chỉnh ngay chỉ tiêu thì sau này diễn biến mới thì có điều chỉnh nữa không? Cần cân nhắc, chúng ta vẫn điều hành rất thực tế, biết tăng trưởng sẽ giảm nhưng đồng thuận, quyết tâm để đạt kết quả cao nhất có thể” – bà Tòng Thị Phóng nói.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ, nếu cần thiết phải có tờ trình cụ thể, phân tích rõ để cấp có thẩm quyền xem xét. Mục tiêu bây giờ là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể.
Báo cáo thêm về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã báo cáo đề án chủ động ứng phó dịch bệnh và phục hồi kinh tế trong tình hình mới, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Chính phủ sẽ có tờ trình tới Quốc hội.
Cần chủ động kịch bản thu hút đầu tư
Các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đồng tình với báo cáo của Chính phủ cho rằng, năm 2020 là năm cuối của kế hoạch 5 năm, hy vọng đạt kết quả tăng trưởng cao, song đại dịch Covid-19 tác động quá lớn đến thế giới, khu vực và trực tiếp với Việt Nam. Dịch bệnh kéo theo khủng hoảng kinh tế mang tinh toàn cầu, được đánh giá là lớn nhất so với khủng hoảng năm 2008, thậm chí cả so với giai đoạn 1929-1931.
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Trong tình hình đó, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, chủ động cùng sự cố gắng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp nên nước ta hạn chế được thấp nhất thiệt hại, đẩy lùi dịch bệnh khi số ca nhiễm thấp, ca được chữa khỏi cao, chưa có ca tử vong và gần 30 ngày qua chưa có lây nhiễm trong cộng đồng. Gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng nhận được sự hoanh nghênh, đồng tình. Tăng trưởng 4 tháng dự kiến đạt 3,8%-4% trong điều kiện ngặt nghèo là ấn tượng.
Vừa qua Việt Nam “chuyển nguy thành cơ” khá tốt thì sắp tới cần khai thác tối đa. Qua đại dịch các nước cũng có những đánh giá, nhìn nhận khác về kinh tế toàn cầu như tính toán giảm sự lệ thuộc “giỏ” đầu vào nguyên liệu từ Trung Quốc. Vấn đề này Việt Nam cũng cần kịch bản để tập trung thu hút đầu tư một cách chủ động song có chọn lọc.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ thêm 2 nội dung: Đó là, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại, về dịch Covid-19. Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp cũng là sự cạnh tranh giữa các nước lớn. Điều này ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung làm việc sáng 15/5. Ảnh: quochoi.vn |
Kết luận nội dung làm việc sáng 15/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá, dự báo năm 2020 sát nhất, có thể xây dựng kịch bản thứ 3 với khả năng làn sóng thứ hai của dịch bệnh diễn ra vào Thu – Đông 2020, dịch bệnh chưa chấm dứt ngay, chưa có vắc - xin phòng bệnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, tăng trưởng của Việt Nam nếu có kịch bản 3 thì có thể chỉ 3%, kéo theo cân đối lớn gặp khó, hụt thu ngân sách; bội chi, nợ công cao hơn so với kịch bản 1 và 2. Từ đó có giải pháp thích ứng.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế trong tình hình mới. Qua dịch bệnh cần tính toán theo hướng chú trọng thị trường trong nước, cân đối sản xuất các sản phẩm có tính chất thiết yếu như lương thực, thực phẩm, năng lượng, y tế, quốc phòng an ninh.