Đồng bộ các biện pháp để triển khai Nghị định 36 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 12:24, 15/05/2020
Nghị định 36/2020/NĐ-CP sẽ quy định mức xử phạt nặng đối với các hành vi vi phạm hành chính về tài nguyên nước |
Theo ông Ngô Chí Hướng, Trưởng phòng Pháp chế (Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT), để triển khai tốt các nhiệm vụ theo yêu cầu của Nghị định, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước.
Cụ thể, theo ông Hướng, việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên nước cần được thực hiện thường xuyên với các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử...thông qua các hình thức xây dựng các phim, ảnh, băng đĩa các chương trình hỏi đáp, đối thoại, tọa đàm, phỏng vấn, phóng sự, tổ chức hội thảo tập huấn cho cơ quan, doanh nghiệp, người dân,… để giải đáp pháp luật, trao đổi về những vấn đề quan trọng, cấp bách cần giải quyết trong quản lý tài nguyên nước, tuyên truyền và phổ biến pháp luật về tài nguyên nước.
Đặc biệt, với một số đối tượng, tổ chức khai thác, sử dụng tài nguyên nước với quy mô lớn, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội cần phải được chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Tiếp đó là nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước nói chung và công tác xử lý vi phạm hành chính về tài nguyên nước nói riêng. Bởi lẽ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như phẩm chất, năng lực của cán bộ là yếu tố quyết định lớn đến tiến độ ban hành và chất lượng của các văn bản pháp luật tài nguyên nước, đến việc tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đó, đến hoạt động phát hiện, xử lý vi phạm hành chính về tài nguyên nước.
“Nếu đội ngũ cán bộ có đầy đủ nhân lực, có trình độ chuyên môn cao, năng lực quản lý giỏi, phẩm chất đạo đức tốt thì chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật tài nguyên nước do họ ban hành hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành sẽ sát thực tế, có tính khả thi cao; việc tổ chức thực hiện các văn bản của cấp trên sẽ nhanh chóng, nghiêm túc; việc phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật sẽ nghiêm minh, kịp thời.” – ông Ngô Chí Hướng phân tích.
Theo khảo sát của Cục Quản lý tài nguyên nước, nhân lực thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước nói chung và công tác xử lý vi phạm hành chính về tài nguyên nước nói riêng, đặc biệt tại các địa phương vẫn còn có biểu hiện thiếu và yếu. Mỗi cán bộ thường phải phụ trách nhiều nội dung, chưa thật sự chuyên sâu, chuyên biệt, dẫn đến hiệu quả công tác chưa thật sự cao.
Chính vì thế, để triển khai Nghị định có hiệu quả đòi hỏi các đơn vị quản lý nhà nước cần chủ động có biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhân lực, năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước nói chung và công tác xử lý vi phạm hành chính về tài nguyên nước nói riêng.
Một biện pháp hết sức quan trọng và cần thiết phải triển khai thường xuyên, theo ông Ngô Chí Hướng, đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm hành chính về tài nguyên nước.
Qua thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước nhằm phát hiện ưu điểm, khuyết điểm, uốn nắn, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định về tài nguyên nước. Đồng thời, tăng cường tập trung giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của nhân dân, coi đó là công cụ quan trọng để đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân, thiết lập trật tự, kỷ cương xã hội.
Ông Ngô Chí Hướng cho rằng, kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước phải đảm bảo minh bạch, nghiêm chỉnh, chính xác, đúng người đúng tội. Xét về bản chất và mục đích của hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không phải là để “bới lông tìm vết”, “tóm bắt” và “vạch mặt”, mà để hướng dẫn, tháo gỡ nhưng khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về tài nguyên nước, nhân rộng ưu điểm, tìm cách khắc phục vi phạm một cách chính xác và kịp thời.
Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Tài nguyên nước có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế và xã hội và cũng rất dễ bị tổn thương, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay. Để tăng cường quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước đã và đang đề xuất, tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài nguyên nước và xử lý vi phạm hành chính về tài nguyên nước để tạo ra một hành lang pháp lý quan trọng điều chỉnh những quan hệ xã hội hết sức phức tạp và nhạy cảm tồn tại trong lĩnh vực này.
Phạt nặng hành vi vi phạm hành chính về tài nguyên nước
Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Theo đó, phạt tiền từ 220-250 triệu đồng đối với hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước.
Đối với hành vi không thực hiện biện pháp chống thấm, chống tràn ao, hồ, khu chứa nước thải trong trường hợp nước thải không chứa chất thải nguy hại sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và các loại hoá chất khác trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật gây ô nhiễm nguồn nước.
Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:
Không có phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước khi xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu du lịch, vui chơi, giải trí, tập trung, tuyến giao thông đường thuỷ, đường bộ, công trình ngầm, công trình cấp, thoát nước, công trình khai thác khoáng sản, nhà máy điện, khu chứa nước thải và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các công trình khác có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; Không có phương án, trang thiết bị, nhân lực bảo đảm phòng ngừa, hạn chế ô nhiễm nước biển khi hoạt động trên biển.
Phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
Không có biện pháp bảo đảm an toàn để rò rỉ, thất thoát dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khai khoáng và các hoạt động sản xuất khác sử dụng hoá chất độc hại; không thực hiện biện pháp chống thấm, chống tràn đối với ao, hồ chứa nước thải, khu chứa nước thải đối với nước thải chứa chất thải nguy hại.
Phạt tiền từ 200-220 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
Bơm hút nước, tháo khô trong hoạt động khai thác mỏ, xây dựng công trình dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất gây cạn kiệt nguồn nước.
Không thực hiện các biện pháp hạn chế, khắc phục theo chỉ đạo của cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền khi bơm hút nước, tháo khô trong hoạt động khai thác mỏ, xây dựng công trình dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất gây cạn kiệt nguồn nước.
Nghị định nêu rõ, các mức phạt tiền trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.