Nghệ An: “Đau đầu” lựa chọn công nghệ xử lý rác thải rắn sinh hoạt

Môi trường - Ngày đăng : 11:21, 15/05/2020

(TN&MT) - Với trên 3 triệu dân, hiện nay tỉnh Nghệ An mỗi ngày phát sinh khoảng gần 1.800 tấn rác thải rắn sinh hoạt. Thế nhưng, việc xử lý loại rác thải này hiên nay đang khiến các ngành chức năng “đau đầu” với bài toán lựa chọn công nghệ sao cho hiệu quả, phù hợp.

Áp lực lớn

Theo số liệu của tỉnh Nghệ An, hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh này phát sinh khoảng 1.741,78 tấn/ ngày. Trong đó, đô thị là trên 1.000 tấn, nông thôn trên 700 tấn/ngày. Tuy nhiên, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom hiện chỉ là trên 1.400 tấn/ngày, đạt 81%. Trong đó, tại đô thị đạt 91,7%; nông thôn mới chỉ đạt 53,1%. Vì thế, với lượng khoảng gần 400 tấn rác thải đang “thả nổi” tại nhiều địa phương như hiện nay cũng là một số liệu rất đáng để lưu tâm.

Thực tế hiện nay là phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn đang là chôn lấp, tuy nhiên việc chôn lấp “hợp vệ sinh” hay không là điều vẫn chưa được kiểm chứng một cách chặt chẽ.

Bãi rác thải tự phát tại xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Theo tìm hiểu, hiện có nhiều hộ dân ở cấp xã, nhất là các xã miền núi tự tiêu hủy chất thải tại gia đình bằng các hình thức như chôn lấp, làm chất độn chuồng và phổ biến nhất là đốt thủ công ngay trong vườn nhà; hoặc chất thải rắn được đổ tại các bãi rác tạm. Đã có một số địa phương hướng dẫn nhân dân ở khu vực nông thôn xử lý chất thải bằng công trình khí sinh học – biogas (như tại xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn) hoặc ủ sinh học làm phân hữu cơ – compost (xã Nghi Liên, TP Vinh) nhưng số lượng còn rất khiêm tốn. Tình trạng này khiến các bãi rác, nhất là các bãi rác nông thôn ngày một lớn hơn và là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường cục bộ, tạo áp lực lớn cho cả người dân và chính quyền địa phương.

Việc đầu tư, vận hành cơ sở xử lý chất thải tại các cơ sở vùng sâu, vùng xa và tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp như tỉnh Nghệ An gần như là không đáng kể hoặc có thì cũng chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Có thể kể đến các bãi rác thải tạm của một số huyện vùng cao như Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Quỳ Hợp hay Con Cuông…hầu như lượng rác thải đổ vào không được xử lý, chỉ đốt bằng thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Cá biệt hơn, như tại huyện vùng cao và khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An là huyện Kỳ Sơn có một bãi rác thải tập trung của thị trấn Mường Xén. Theo đó, năm 2015, bãi rác nói trên được xây dựng tại bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn, nơi cách thị trấn Mường Xén khoảng vài ki lô mét. Tuy nhiên, bãi rác này mới chỉ đào hố, xây sơ sài rồi đưa vào sử dụng. Quá trình sử dụng đơn vị vận hành, quản lý thường xuyên đốt rác bằng thủ công. Vì thế, tuy mới đi vào hoạt động được khoảng gần 5 năm nay nhưng bãi rác thải nói trên đã bộc lộ nhiều bất cập khiến cho người dân không khỏi bất an, lo lắng. Đặc biệt, bãi rác nằm phía đầu nguồn nước nên nguy cơ đe dọa đến ô nhiễm nguồn nước không chỉ với huyện Kỳ Sơn mà còn cả một khu vực hạ lưu kéo dài xuống nhiều huyện dọc sông Cả.

Bãi rác thải tập trung tại thị xã Thái Hòa dù mới được đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng cũng quá tải, ô nhiễm vì 100% chôn lấp nhưng chưa… “hợp vệ sinh”

Theo các chuyên gia môi trường, việc xử lý sơ sài, chôn lấp rác thải rắn sinh hoạt không đảm bảo về lâu dài sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lớn như ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, ô nhiễm không khí do đốt hoặc thu hút động vật (ruồi, muỗi, gián, chuột) ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng xung quanh, gây ra sự phản đối của cộng đồng đối với việc quy hoạch xây dựng, vận hành các cơ sở xử lý chất thải sinh hoạt trong tương lai.

Trên thực tế, rất nhiều địa phương đã không thể tìm được sự đồng thuận của người dân khi muốn tìm vị trí để đặt địa điểm xử lý rác thải…bởi “ám ảnh” về ô nhiễm môi trường đã từng xảy ra tại rất nhiều địa phương vì đã “lỡ dại” cho đặt bãi rác thải trước đó.

Phải có phương án “đột phá”

Ở huyện Yên Thành, mỗi ngày trên toàn địa bàn huyện có khoảng gần 90 tấn rác các loại. Một số xã đã ký hợp với công ty thu gom rác thải, tuy nhiên đa phần các địa phương còn đang tiến hành thu gom và xử lý rác thải tại chỗ bằng cách chôn lấp hoặc đốt, rác cháy âm ỉ nhiều ngày gây ô nhiễm môi trường.

Từ giữa năm 2019, xã Văn Thành (huyện Yên Thành) đã đưa vào sử dụng lò đốt rác thải sinh hoạt trị giá gần 4 tỉ đồng. Lò đốt rác nằm cách xa khu vực dân cư rộng khoảng 1ha, công suất hoạt động xử lý 300kg rác/giờ tương đương với khoảng 2-3 tấn/ngày. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế kiểu “nóng tay bắt lỗ tai” nên về lâu dài phương án này rất khó khả dĩ bởi hiện nay đã có những sự phản đối nhất định của các khu vực dân cư sống xung quanh do ô nhiễm từ khói bụi trong quá trình đốt rác.

Cũng tại huyện Yên Thành, ngoài lò đốt rác thải xã Văn Thành còn có lò đốt rác ở xã Minh Thành và Tăng Thành cũng đã được đưa vào hoạt động. Ngoài ra, tại xã Khánh Sơn (huyện Nam Đàn) cũng có một lò đốt rác quy mô nhỏ tương tự như các lò tại huyện Yên Thành hoạt động đã nhiều năm nay nhưng tất cả vẫn chỉ là giải pháp tình thế.

Lò đốt rác thủ công quy mô nhỏ tại xã Văn Thành (huyện Yên Thành)

Về nhà máy xử lý rác có quy mô vừa và lớn thì hiện nay tỉnh Nghệ An có Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (đặt tại huyện Nghi Lộc); Nhà máy xử lý chất thải rắn Nghĩa Đàn và Nhà máy xử lý chất thải rắn Hoàng Mai.

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên được UBND tỉnh Nghệ An cho xây dựng theo công nghệ Đan Mạch, với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng từ nguồn vốn vay và đối ứng. Toàn bộ khuôn viên Khu liên hợp có diện tích là 53 ha. Sau khi xây dựng xong, tháng 12/2012 thì giao cho Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An tiếp nhận và vận hành. Trong đó, có 7ha được UBND tỉnh giao cho Nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn Ecovi do Chi nhánh Công ty cổ phần Galax tại Nghệ An làm chủ đầu tư. Hiện, đơn vị này đang vận hành 2 lò đốt nhưng khói và mùi của lò đốt này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nhất là hàng chục hộ dân ở xóm 4,5 của xã Nghi Yên nhưng đến nay hơn 70 hộ dân vẫn chưa được di dời, tái định cư.

Chưa hết, Khu chôn lấp chất thải rắn Nghi Yên với diện tích 46ha do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An tiếp nhận bàn giao từ tỉnh để chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, chôn lấp “hợp vệ sinh” theo công nghệ châu Âu. Tuy nhiên, hệ thống xử lý nước rỉ rác không được đầu tư đúng mức từ trước đó nên lượng nước thải phát sinh là rất lớn, không xử lý được dẫn tới khó khăn trong công tác vận hành, quản lý.

Nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn Ecovi do Chi nhánh Công ty cổ phần Galax tại Nghệ An làm chủ đầu tư “hun khói” người dân xã Nghi Yên nhiều năm qua

Khả thi nhất trong quá trính đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có thể kể đến là 2 nhà máy của Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam.

Đó là Nhà máy xử lý chất thải rắn Nghĩa Đàn đặt tại xã Nghĩa Bình. Đây là nhà máy có tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng, được đặt nằm cách xa khu dân cư với quy mô 3,1ha, có công suất xử lý rác thải từ 75 đến 100 tấn/ngày. Theo tìm hiểu, nhà máy này có thể đốt tiêu hủy được đến 95% lượng rác và chỉ phải chôn tro xỉ sau đốt với khoảng 5%. Tương tự là Nhà máy máy xử lý chất thải rắn Hoàng Mai cũng vừa đi vào hoạt động được một thời gian ngắn đã phần nào “giải tỏa” được sự “bí bức” trong xử lý rác thải của khu vực. Tuy nhiên, xét tổng thể thì quy mô của 2 nhà máy trên cũng chỉ mới đáp ứng đủ nhu cầu của 2 địa phương đặt nhà máy bởi công suất xử lý chỉ ở mức vừa phải. Mặt khác, chi phí xử lý rác trên dưới 400 nghìn đồng/1 tấn của 2 nhà máy nêu trên cũng là điều phải bàn.

Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An, hiện nay vấn đề xử lý rác thải rắn sinh hoạt đang là vấn đề nan giải chung của cả nước, trong đó có tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, hiện nay việc lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp cả về đặc thù rác thải, thời tiết, tài chính và đặc biệt là tính hiệu quả lâu dài, bền vững…đang là bài toán chưa tìm được lời giải phù hợp.

Cũng theo lãnh đạo ngành TN&MT tỉnh Nghệ An, thời gian qua có rất nhiều nhà đầu tư vào liên hệ với tỉnh này để giới thiệu công nghệ cũng như mong muốn đầu tư nhưng hiện nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào thực sự đạt yêu cầu do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Có thể nói rằng, vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý rác thải đang là bài toán cần tìm lời giải của các nhà quản lý, nhà khoa học. Áp dụng công nghệ xử lý rác thải không gây ô nhiễm môi trường là hướng đi phù hợp mà chúng ta cần hướng tới. Tuy nhiên, để có thể áp dụng những công nghệ tiên tiến tại Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng cần có sự nghiên cứu, thử nghiệm và tính toán kỹ lưỡng sao cho phù hợp và mang lại hiệu quả nhất.

Đình Tiệp