Tổng cục Quản lý đất đai cần quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ năm 2020

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 23:39, 14/05/2020

(TN&MT) - Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân tại buổi làm việc với Tổng cục Quản lý đất đai về việc triển khai một số nhiệm vụ của Tổng cục diễn ra vào chiều 14/5, tại trụ sở Bộ TN&MT.

Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Khoa học Công nghệm, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác Quốc tế, Thanh tra Bộ, Cục Đo đạc bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên môi trường, Văn phòng Bộ; lãnh đạo Tổng cục và các đơn vị trực thuộc Tổng cục Quản lý đất đai.

Hoàn thành các nhiệm vụ được giao

Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, Tổng cục đã quán triệt, thực hiện nghiêm chỉnh sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục đã có nhiều cố gắng, hầu hết các nhiệm vụ được giao đều hoàn thành đảm bảo chất lượng. Các hoạt động của Tổng cục đã góp phần đưa công tác quản lý nhà nước về đất đai của cả nước ngày càng nề nếp, hiệu quả.

Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về đất đai dần được hoàn thiện để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc góp phần ổn định chính trị, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Điển hình về xây dựng chính sách, pháp luật về đất đai, Tổng cục đã tham mưu cho Bộ trong công tác xây dựng và trình cấp có thẩm quyền các văn bản pháp luật quan trọng về đất đai gồm: Luật Đất đai 2013 và 16 Nghị định quy định chi tiết; 52 Thông tư, Thông tư liên tịch. Riêng trong năm 2019 và 04 tháng đầu năm 2020 đã chủ trì xây dựng và phối hợp xây dựng trình ban hành 04 Nghị định và 01 Thông tư.

Hoàn thành công tác tổng kết và xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đất đai năm 2013 và trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.

Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có văn bản thống nhất việc rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình và không trình dự thảo Nghị quyết này. Đồng thời, giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, để đề xuất nội dung sửa đổi bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (dự kiến báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung vào Chương trình năm 2021).

Hiện nay,Tổng cục đang trình Chính phủ xem xét, ban hành 04 Nghị định, gồm: Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị định quy định về khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp; Nghị định quy định về xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai; Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai.

Cùng với đó, Tổng cục đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện cải cách đồng bộ các nội dung về cải cách hành chính, trọng tâm là công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến cấp GCN.Tổ chức rà soát, chuẩn hóa thống nhất danh mục thủ tục hành chính về đất đai và đã trình Bộ ban hành, công bố thủ tục hành chính. Thực hiện lồng ghép việc cải cách về tổ chức bộ máy gắn với việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, danh mục vị trí việc làm để sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của Tổng cục.

Những cải cách nêu trên đã đem lại hiệu quả tích cực cho công tác quản lý nhà nước về đất đai. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tổng cục và các đơn vị trực thuộc Tổng cục đã được đẩy mạnh. Tổng cục đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-BTNMT ngày 09/8/2018 của Bộ trưởng về việc sử dụng văn bản điện tử có xác thực chữ ký số trên Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Hiện nay, toàn bộ văn bản đi, đến đã được thực hiện xử lý, cập nhật hoàn toàn trên hệ thống hồ sơ công việc.

Về công tác đo đạc, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai,Tổng cục đã tập trung chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện một số giải pháp để tiếp tục đẩy nhanh việc cấp GCN và xây dựng CSDL đất đai.

Kết quả đến nay, cả nước đã đo đạc lập bản đồ địa chính đạt trên 77% tổng diện tích tự nhiên; tỷ lệ cấp GCN lần đầu tổng hợp từ kết quả thực hiện của các địa phương đạt trên 97,36% tổng diện tích các loại đất cần cấp (tăng lên 0,16%, tương đương khoảng 20.900 Giấy chứng nhận so với cùng kỳ năm 2018).

Tính đến nay, 100% các huyện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai ở các mức độ khác nhau, trong đó có 182/713 đơn vị hành chính cấp huyện trên 46 tỉnh/thành phố đang vận hành, quản lý khai thác, sử dụng đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn. Hiện nay, đã có 59/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp theo quy định.

Về công tác giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện hướng dẫn, xử lý các vướng mắc trong công tác áp dụng bảng giá đất, định giá đất cụ thể và công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tại các địa phương, 63/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng và áp dụng thực hiện tốt bảng giá đất giai đoạn 2015-2019

Thực hiện Nghị định số 96 của Chính phủ quy định về khung giá đất, Tổng cục đã trình Bộ trưởng ký văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện việc xây dựng bảng giá đất để áp dụng trong giai đoạn 2020 – 2024, đến nay đã có 60/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng bảng giá đất giai đoạn 2020 -2024.  Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện thẩm tra Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh thông qua đường dây nóng được Tổng cục duy trì thường xuyên, liên tục từ năm 2014 đến nay, qua tiếp nhận thông tin, Tổng cục đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương xem xét, giải quyết, đặc biệt đã cử nhiều đoàn công tác xuống địa bàn để làm rõ thông tin và chỉ đạo xử lý kịp thời.

Hiện nay, qua theo dõi, tổng hợp, mặc dù tình hình đơn thư khiếu nại về đất đai có xu hướng giảm so với giai đoạn trước (từ 2009 đến năm 2013) nhưng vẫn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số đơn thư khiếu nại (trên 60%) và vẫn còn nổi lên một số điểm nóng. Nội dung các thông tin phản ánh về sai phạm, khiếu nại, tố cáo vẫn tập trung chủ yếu về giá đấtbồi thường,cấp giấy chứng nhận, tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng, quy hoạch treo….

Về tình hình thực hiện các đề án, dự án, hiện, Tổng cục đang được giao xây dựng và triển khai thực hiện 34 nhiệm vụ trong đó có 25 nhiệm vụ đã trình cấp có thẩm quyền và cần tiếp tục theo dõi xử lý; 09 nhiệm vụ chưa trình, cần tổ chức thực hiện trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng, mặc dù đạt được nhiều kết quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, nhưng vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế. Một số vụ việc liên quan đến đất đai vẫn còn hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định.

Bên cạnh đó, ngoài việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình công tác, Tổng cục còn phải bố trí nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng giao để kiểm tra, xử lý giải quyết các vụ việc nổi cộm mà báo chí, dư luận quan tâm, thực hiện nhiều vụ việc giám định tư pháp theo yêu cầu của cơ quan điều tra đã dẫn đến những khó khăn chung trong công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Tổng cục.

Quyết liệt triển khai nhiệm vụ trong năm 2020

Phó Tổng cục trưởng Mai Văn Phấn cho biết, nhiệm vụ từ năm đến cuối năm 2020, Tổng cục sẽ tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi trong Luật Đất đai; theo dõi kịp thời tiếp thu, giải trình hoàn thiện việc trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định.

Quang cảnh buổi làm việc

Chủ động hoàn thiện và xem xét đề xuất để bổ sung vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật các thông tư quy định chi tiết thi hành các nghị định ngay sau khi được Chính phủ ban hành; nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các thông tư để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn (dự kiến trình Bộ trưởng ban hành 07 Thông tư, thông tư sủa đổi, bổ sung).

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai trong quá trình xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện liên thông thủ tục hành chính về đất đai với cơ quan thuế; nhân rộng việc thực hiện liên thông thuế, kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên và môi trường.

Về các nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm sẽ tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chín phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tổ chức chỉ đạo các địa phương quyết liệt triển khai hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc giới, đặc biệt là việc giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận cho các công ty nông, lâm nghiệp đối với phần đất giữ lại; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để án “Kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan Đăng ký đất đai và cơ quan Thuế”…

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện tốt việc xây dựng và áp dụng khung giá đất cho giai đoạn 2020 - 2024. Tổ chức thực hiện thẩm tra Khung Chính sách, bồi thường hỗ trợ, tái định cư. Tổ chức thực hiện kiểm tra việc thi hành chính sách pháp luật về giá đất và phát triển quỹ đất theo kế hoạch.

Tổ chức chỉ đạo thực hiện hoàn thành công tác kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019; công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được duyệt. Duy trì và tăng cường công tác tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng các vi phạm về lĩnh vực đất đai; nắm bắt, xử lý kịp thời các thông tin mà báo chí và dư luận quan tâm.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung đánh giá về những tồn tại trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao và sự phối hợp giữa Tổng cục với các Cục, Vụ chức năng trực thuộc Bộ.

Thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đã biểu dương những nỗ lực của tập thể cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức của Tổng cục Quản lý đất đai trong việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong bối cảnh nguồn lực, nhân lực còn hạn chế. Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự phối hợp của các đơn vị trực thuộc Bộ với Tổng cục để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong thời gian qua.

Về các nhiệm vụ trong năm 2020, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục cần quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Cụ thể, về hoàn thiện thể chế, Tổng cục cần bám sát 4 Dự thảo Nghị định, trong đó có 2 Dự thảo đã lấy ý kiến thành viên Chính phủ phải giải trình, tiếp thu ý kiến.

“Các nội dung cần hướng dẫn địa phương theo quy định của Dự thảo Nghị định, Tổng cục phải chủ động xây dựng Dự thảo Thông tư để sau khi Chính phủ ban hành Nghị định sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn kịp thời để Nghị định đi vào cuộc sống, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về các nhiệm vụ chuyên môn trong năm 2020, Thứ trưởng đề nghị, Tổng cục cần sớm xây dựng Kế hoạch của Bộ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chín phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó cần cụ thể: thời gian thực hiện, lộ trình, giải pháp, kinh phí…

Ngoài ra, tập trung về các công tác giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, đăng ký đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu, nhất là hoàn thành hai đề án là: Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; đề án “Hoàn chỉnh công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các huyện biên giới đất liền”.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến cảm ơn Thứ trưởng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với lĩnh vực đất đai, đồng hành cùng Tổng cục Quản lý đất đai vượt qua những khó khăn, vướng mắc và thách thức, đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trực thuộc Bộ để Tổng cục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Trường Giang