Giữ rừng ngăn “sa mạc hóa” và suy thoái đất
Đất đai - Ngày đăng : 16:38, 14/05/2020
Tình trạng suy thoái đất là suy giảm năng suất sinh học và hiệu quả sử dụng đất, nhiều vùng sa mạc hiện nay bắt nguồn từ việc sử dụng đất không hợp lý. Sa mạc hóa không chỉ xảy ra ở vùng khô hạn mà lan ra cả các vùng mưa ẩm vì con người sử dụng tài nguyên đất không hợp lý.
Nguyên nhân chủ yếu của sa mạc hóa và suy thoái đất là con người tác động tiêu cực lên đất đai (chuyển đổi rừng sang trồng cây công nghiệp, di dân tự do, xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn sông suối…), làm thay đổi trạng thái của đất. Cùng với đó, sa mạc hóa ngày càng gia tăng một phần là do phương thức canh tác của nhân dân là "cạo trọc", trong quá trình canh tác đất dễ bị bào mòn, hoang hóa. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay với những hiện tượng cực đoan, tình trạng trên càng trở nên khó lường.
Vậy khắc phục tình trạng này như thế nào? Không có cách nào khác là con người lấy đi của tự nhiên những gì thì phải “trả lại” cho tự nhiên, để tự nhiên quay lại phục vụ chính cuộc sống của chúng ta. Và giữ rừng chính là nhiệm vụ quan trọng!
Quản lý bảo vệ rừng được tỉnh Lai Châu quan tâm chú trọng |
Tỉnh Lai Châu xác định một trong những biện pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBV) và phát triển rừng là thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Người dân được hưởng lợi từ rừng, từ đó, những vụ phá rừng, khai thác lâm sản, tình trạng cháy rừng giảm rõ rệt, diện tích rừng cơ bản được bảo vệ tốt. Cùng với đó, người dân đã dần hạn chế sản xuất nương rẫy, điều đó đã làm giảm mạnh nguy cơ sa mạc hóa và suy thoái đất trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Chất lượng rừng cũng như khả năng phòng hộ của rừng nâng cao.
Ông Mai Văn Thạch, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chia sẻ: Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt nhờ chính sách chi trả DVMTR, nhiều hộ đã sử dụng tiền chi trả DVMTR để tái sản xuất, mua cây giống, gia súc; đầu tư cho con cái ăn học. Trung bình một hộ nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng được chi trả trên 7 triệu đồng/năm. Từ đó, ý thức, trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện được nâng cao, số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy giảm rõ rệt, trên địa bàn huyện không có tụ điểm lớn về phá rừng, kinh doanh lâm sản trái pháp luật. Nâng độ che phủ rừng của huyệntừ51,9%năm 2011 lên trên 63% năm 2017 và đạt 64,8% năm 2019 với gần 174.000 ha rừng
Xã Bum Nưa là một trong những xã nằm gần trung tâm huyện Mường Tè nhưng không vì thế mà công tác quản lý bảo vệ rừng, phóng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) bị buông lỏng. Bà Vàng Thị Thánh, Chủ tịch UBND xã Bum Nưa cho biết: Những năm qua, xã Bum Nưa đã đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR, xã thường xuyên tuyên truyền đến các cơ sở bản về công tác PCCCR. Từ đó, trên địa bàn xã không có vụ cháy rừng nào xảy ra, trên 4.000 ha rừng được bảo vệ nghiêm ngặt.
Người dân xã Bum Nưa phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện Mường Tè tham gia tuần tra bảo vệ rừng |
Ông Mào Văn Giai, Phó trưởng bản Nà Hừ chia sẻ: Nhờ được tuyên truyền, vận động mà công tác quản lý bảo vệ rừng được dân bản chú trọng quan tâm. Bản đã chia tổ, thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ tuần tra tại những nơi có nguy cơ xảy ra cháy cao; tổ chức cho người dân phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa tại những vị trí giáp ranh của các khu rừng; chủ động chuẩn bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy như: Cuốc, xẻng, thùng tưới nước…
Bản đã phối hợp với cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện biện pháp PCCCR; tổ chức cho các hộ ký cam kết không phát rừng làm nương; hướng dẫn phát, đốt nương đúng quy trình kỹ thuật, khi đốt báo với đội xung kích và bố trí người túc trực không để lửa lan vào rừng.
Tỉnh Lai Châu chỉ đạo các lực lượng chức năng của huyện, thành phố phối hợp với chính quyền cơ sở và hỗ trợ các chủ rừng kiểm tra, truy quét để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi lấn chiếm, tái lấn chiếm đất rừng, chặt phá, khai thác rừng trái pháp luật; mua bán lâm sản, động vật hoang dã; kiên quyết xóa các "điểm nóng" về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật.
Cùng với đó, tỉnh rà soát, bố trí lực lượng, phương tiện chủ động sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng theo đúng phương châm "4 tại chỗ". Thiết lập và duy trì thông tin liên lạc các cấp để phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đặc biệt với công tác chỉ huy chữa cháy rừng. Lắp đặt hệ thống biển báo, biển cấm tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao; bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ tại các chốt, trạm chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng trong suốt mùa khô hanh và ở những nơi có nguy cơ cháy cao.
Sa mạc hóa, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường là những vấn đề mang tính toàn cầu. Trong đó, rừng đóng vai trò quan trọng trong điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường, là nơi bảo tồn và duy trì đa dạng sinh học, ngăn chặn và phòng chống sa mạc hóa. Chính vì vậy, giữ rừng là giải pháp hữu hiệu ngăn chặn sa mạc hóa và suy thoái đất.
Tỉnh Lai Châu có diện tích đất có rừng trên 445.274 ha với tỷ lệ che phủ rừng đạt 49.29%. Có được kết quả đó, là do công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được tỉnh Lai Châu quan tâm chú trọng. Công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũng đạt được những kết quả quan trọng, các chỉ tiêu trồng mới rừng đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao.