Chủ đầu tư dự án bất động sản cần thay đổi tư duy sau dịch Covid-19

Bất động sản - Ngày đăng : 16:38, 14/05/2020

(TN&MT) - Dịch Covid-19 tạo ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp bất động sản (BĐS), đồng thời là chất xúc tác cho sự hình thành chiến lược mới. Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, chủ đầu tư dự án BĐS cần thay đổi tư duy để tạo ra được những sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường.

Thị trường BĐS có dấu hiệu sụt giảm

Việc “ngủ đông”, “hồi sinh” và tăng trưởng của thị trường BĐS liên tục lặp đi lặp lại theo chu kỳ. Vào năm 2015, thị trường BĐS tại TP.HCM không chỉ dừng lại ở dấu hiệu phục hồi mà còn tăng trưởng phát triển rực rỡ và được ví như… thời “vàng son”. Tuy vậy, việc chuyển mình, tăng trưởng của thị trường BĐS duy trì chưa được bao lâu thì đến năm 2016 - 2017, thị trường BĐS bất ngờ bị chững lại.

Chuyên gia kinh tế Lê Chí Nhân cho rằng, nguyên nhân do quy hoạch sản phẩm căn hộ của chủ đầu tư quá dư thừa, không có bài toán vĩ mô cụ thể. Hàng tồn đọng của năm 2016 chưa tiêu thụ được thì năm 2017 tiếp tục “mọc” lên quá nhiều dự án. Cung - Cầu không đồng đều, dư thừa phân khúc BĐS cao cấp. Trong khi đó, khách hàng sở hữu phân khúc này hạn chế dẫn đến hàng tồn kho. Ngoài ra, các chủ đầu tư tung ra thị trường giá bán không đúng với giá trị thật, giá quá cao khiến khách hàng khó tiếp cận.

Còn theo thông kê của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), trong năm 2018 và 2019, chính quyền phê duyệt pháp lý “nhỏ giọt”, cộng với việc quỹ đất sạch trên địa bàn TP.HCM không còn nhiều khiến thị trường BĐS gặp khó khăn với hàng trăm dự án bị ách tắc, nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền bị sụt giảm mạnh, giá nhà tăng; người có nhu cầu thật khó tạo lập nhà ở; nguồn thu ngân sách Nhà nước từ đất đai và BĐS bị sụt giảm nhiều.

Hiện tại, thị trường BĐS đang có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng từ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, tình hình thị trường BĐS quý I/2020 vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung trong quý I/2020 trên thị trường BĐS đạt 52.000 sản phẩm, trong đó, có 18.000 sản phẩm mới nhưng tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14%. Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Trong đó, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng và thị trường BĐS cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố bị khách thuê trả lại rất nhiều.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chủ đầu tư dự án cần thay đổi tư duy để thị trường bất động sản sớm ấm trở lại

Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nhận định, đỉnh điểm đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát khiến việc mua, bán của các doanh nghiệp BĐS và người mua nhà càng khó khăn chồng chất. Tuy vậy, từ kinh nghiệm xử lý các cuộc khủng hoảng của thị trường BĐS trong những năm qua, HoREA tin rằng, thị trường BĐS càng bị nén thì chỉ cần Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục hành chính và khai thông nguồn vốn tín dụng như trước kia thì sẽ bùng lên mạnh mẽ, tạo nên cú húych cho nền kinh tế.

“Trước hết, các doanh nghiệp địa ốc nên tập trung vào thị trường BĐS nội địa, chuyển hướng mạnh mẽ vào phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, nhất là căn hộ 1 - 2 phòng ngủ, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở thật của đa số người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị và chuẩn bị sẵn sàng hấp thụ làn sóng đầu tư nước ngoài, trong trạng thái bình thường mới, chung sống an toàn với dịch Covid-19”, ông Châu phân tích.

Vừa qua, Chính phủ bước đầu đã cho phép các hoạt động kinh doanh trở lại, đây là tín hiệu tốt cho ngành kinh tế nói chung, trong đó, có ngành địa ốc. Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Công ty Luật DC Counsel, dịch Covid -19 gây khó khăn cho doanh nghiệp là điều tất yếu nhưng qua thực trạng này thị trường BĐS cũng sàng lọc những “hạt sạn”… từ các nhà đầu tư kém năng lực.

“Bởi những đối tượng này lâu nay kinh doanh theo kiểu nửa vời, thậm chí là gian dối, lừa đảo, làm ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng, khiến sức mua giảm đáng kể. Đây là cơ hội mang lại cho các doanh nghiệp BĐS có năng lực, bán hàng uy tín cao để họ kéo thị trường tăng trưởng trở lại”, Luật sư Nguyễn Đức Chánh nói.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Đức Chánh, thời điểm hiện tại, thị trường BĐS ở TP.HCM không mấy sáng sủa, phần lớn doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn về tài chính, thủ tục cấp phép rườm rà, thời gian quá dài để hoàn chỉnh pháp lý một dự án khiến nhà đầu tư nản lòng. Do đó, các cơ quan ban ngành cần xem xét, ban hành các chính sách, quyết định phù hợp tạo điều kiện cho nhà đầu tư có năng lực.

 

Bài và ảnh: Đình Du