Thừa Thiên Huế: Phấn đấu thu hút vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng trong năm 2020

Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 11:53, 13/05/2020

(TN&MT) - Năm nay, Thừa Thiên Huế phấn đấu thu hút được 20 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn khoảng 10.000 tỷ đồng dù gặp khó khăn từ dịch Covid - 19.

Thu hút đầu tư 10.000 tỷ đồng 

Năm 2019, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 39 dự án được cấp phép với tổng mức đầu tư 22.156 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với kế hoạch đề ra. Nhiều nhà đầu tư lớn vào nghiên cứu cơ hội đầu tư như Vin Group, Sun Group, Công ty CP SOVICO, Tập đoàn FLC, Vietravel, Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest, Tập đoàn Hoàng Gia Hội An...

Trong năm nay, Thừa Thiên Huế phấn đấu thu hút được 20 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn khoảng 10.000 tỷ đồng (tương đương 400 triệu USD).

Nhiều dự án lớn đang được đầu tư mạnh mẽ tại Thừa Thiên Huế

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, các lĩnh vực kêu gọi đầu tư trong năm 2020 gồm: Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp; du lịch, dịch vụ du lịch, bất động sản; hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu phi thuế quan; công nghiệp sản xuất; kêu gọi đầu tư cho các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội (khám chữa bệnh, công nghiệp dược và vacxin, sinh phẩm), giáo dục đào tạo; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ khác trong chuỗi giá trị của khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương.

Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực liên quan công nghiệp 4.0 như: Công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa khai thác các giá trị văn hóa, di sản của cố đô Huế, công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vật liệu mới, công nghệ sinh học và một số ngành liên quan khác phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.

Để đạt được chỉ tiêu nêu trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra các nhiệm cụ thể gồm: Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư đối với thị trường trong nước, ngoài nước; Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư; Thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư; Đào tạo tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư; Chuẩn bị điều kiện sẵn sàng về tiếp cận đất đai để triển khai các dự án trọng điểm...

Các khu kinh tế, khu công nghiệp là nơi được ưu tiên kêu gọi đầu tư

Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án sau khi được cấp phép đầu tư để đẩy nhanh tiến độ; thủ tục hành chính phục vụ cho hoạt động đầu tư với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp vì Giấc mơ Huế”.

Đẩy mạnh đầu tư

Ông Nguyễn Đại Vui - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, 2020 được xác định là năm nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh. Các phương án xúc tiến đầu tư đề xuất trong năm 2020 được thay đổi, điều chỉnh để thích ứng với tình hình thực tế. Trong đó, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, rà soát thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng cho các dự án đã được cấp phép; hỗ trợ nhà đầu tư triển khai giải ngân để đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án, ổn định thị trường đầu tư tại chỗ, sớm khởi công các dự án là việc làm quan trọng nhất. Năm nay, Thừa Thiên Huế phấn đấu mỗi tháng khởi công 1 dự án, rà soát các dự án chậm tiến độ để có phương án thu hồi, xử lý dứt điểm.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế còn chuẩn bị các thông tin sẵn sàng để xúc tiến đầu tư mọi lúc, mọi nơi, đối với khu công nghiệp, khu kinh tế. Cụ thể căn cứ vào quy hoạch và chức năng của khu kinh tế và các khu công nghiệp đã được phê duyệt để xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư phù hợp; nghiên cứu, đề xuất kế hoạch marketing các Khu công nghiệp, khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô bằng việc xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư phù hợp, đem lại giá trị gia tăng cao; thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo; tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, điện tử, ôtô, du lịch,...

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế khảo sát tiến độ các dự án trên địa bàn

Ngoài ra, tăng cường kêu gọi đầu tư vào ngành hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan và khu đô thị, trong đó tập trung kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng cho Khu công nghiệp Phú Đa, Quảng Vinh và tăng tỷ lệ lấp đầy các Khu công nghiệp, khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

“Trước mắt, tỉnh sẽ tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá nhu cầu thị trường, xu thế đầu tư trong nước và quốc tế để xây dựng các kịch bản xúc tiến đầu tư và định hình các sản phẩm xúc tiến đầu tư phù hợp. Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá đầu tư bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung nguồn lực thực hiện các hoạt động quảng bá, tuyên truyền trên các kênh truyền thông. Thực hiện chiến dịch, quảng bá thông điệp “Huế là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn trong các hành trình sắp đến của du khách”; là địa phương đã và đang chủ động kiểm soát tốt những tác động của dịch bệnh”, ông Vui nhấn mạnh.

Văn Dinh