Động lực giúp người dân Tuần Giáo (Điện Biên) yên tâm giữ rừng

Môi trường - Ngày đăng : 10:49, 13/05/2020

(TN&MT) - Từ khi triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), toàn huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên có 12/19 xã, thị trấn được hưởng lợi từ chính sách này. Nhờ đó mà cuộc sống người dân sống bằng nghề rừng ngày càng được cải thiện.

Cán bộ Qũy Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR tới người dân xã Mường Thín, huyện Tuần Giáo.

Bắt tay vào triển khai thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn huyện Tuần Giáo, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm, UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR tới người dân nói chung, chủ rừng nói riêng. Quỹ bảo vệ phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã cấp phát 659 quyển sổ tay chi trả DVMTR và 793 bản tin chi trả DVMTR cho các chủ rừng trên địa bàn; phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, tham mưu cho UBND các xã hướng dẫn chủ rừng họp bầu Ban Quản lý rừng cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tiền chi trả DVMTR cho cộng đồng thôn, bản.

Từ đó làm cơ sở để UBND các xã, thị trấn huyện Tuần Giáo ra quyết định thành lập Ban Quản lý rừng cộng đồng, mở tài khoản nhận tiền chi trả DVMTR… Thông qua công tác tuyên truyền tại UBND các xã, thị trấn, chủ rừng có mặt đều nhất trí và cam kết mở tài khoản để nhận tiền chi trả DVMTR qua hệ thống ngân hàng hoặc thanh toán điện tử. Ðến nay, Quỹ đã mở 107 tài khoản chi trả tiền DVMTR qua hệ thống ngân hàng cho các chủ rừng.

Bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ BV&PTR tỉnh Điện Biên, cho biết: Ðể công tác chi trả tiền DVMTR đến đúng người thụ hưởng, chính xác diện tích rừng bảo vệ, hàng năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đều phối hợp với Ban kiểm soát quỹ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát việc chi trả DVMTR; kiểm tra chủ rừng về việc tổ chức chấp hành trình chứng từ chi trả tiền DVMTR cho các đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng. Căn cứ kết quả theo dõi diễn biến rừng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hạt kiểm lâm cấp huyện cung cấp để xác định và tiến hành chi trả tiền DVMTR.

Người dân huyện Tuần Giáo phấn khởi nhận tiền chi trả DVMTR.

Năm 2019, huyện Tuần Giáo có trên 35.000ha rừng đủ điều kiện chi trả DVMTR, với 947 chủ rừng quản lý, bảo vệ (trong đó, 1 chủ rừng là tổ chức, 157 chủ rừng là cộng đồng thôn, bản và 789 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân). Ðến nay, Quỹ đã tổ chức chi trả hơn 25,3 tỷ đồng tiền DVMTR năm 2019 cho chủ rừng trên địa bàn. Còn trên 845 triệu đồng chưa chi trả do một số nguyên nhân: Chủ rừng chưa đến nhận; một số diện tích rừng đã giao cho các chủ rừng có sự trùng lặp về lô, khoảnh, tiểu khu đã thực hiện chi trả DVMTR hoặc do trong quá trình chi trả phát hiện chủ rừng sai tên giữa chứng minh nhân dân và quyết định giao đất giao rừng; quyết định giao đất giao rừng và bản đồ không khớp nhau hay có trường hợp do chính quyền địa phương có ý kiến để lại chưa chi trả…

Theo bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên: Việc rà soát diện tích rừng đủ điều kiện chi trả tại các địa phương trên địa bàn huyện Tuần Giáo gặp nhiều khó khăn do trong quá trình giao đất, giao rừng, một số diện tích còn chồng lấn vào đất sản xuất, nương luân canh của người dân, vì vậy, người dân không đồng ý giao đất để khoanh nuôi, bảo vệ.

Những năm trước đây cộng đồng bản Hua Sát, xã Mường Khong, huyện Tuần không phối hợp với ngành chức năng trong việc rà soát hơn 1.000ha rừng được giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ, do đó không có căn cứ để tiến hành chi trả tiền DVMTR. Với sự nỗ lực của chính quyền và các ngành chức năng, nhiều cuộc đối thoại, gặp gỡ nắm tâm tư, nguyện vọng; tuyên truyền, vận động, giải đáp thắc mắc của người dân được tổ chức đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác giao đất, giao rừng, qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển rừng là bảo vệ môi trường, bảo vệ chính cuộc sống của người dân, đến nay cộng đồng bản Hua Sát đã đồng ý phối hợp với các ngành chức năng tiến hành rà soát, đưa các diện tích rừng chưa giao xen lẫn với đất sản xuất để Quỹ bảo vệ phát triển rừng tỉnh tiến hành chi trả DVMTR năm 2013 - 2019 thuộc lưu vực sông Mã.

Diện tích rừng trồng của gia đình ông Lò Văn Ngọc ở thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo phát triển tốt nhờ thường xuyên chăm sóc, bảo vệ.

Ông Lò Văn Cương, Phó chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Chính sách chi trả DVMTR không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ, PCCCR, mà còn góp phần tạo sinh kế, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó với nghề rừng. Những năm qua, nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả DVMTR tạo thêm nguồn tài chính ổn định, bền vững, góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia. Đặc biệt, việc triển khai hiệu quả chính sách chi trả DVMTR đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, từng bước tạo lập sinh kế cho người dân sống được bằng nghề rừng.

 

Hoàng Châu