Thủ tướng: Làm những việc có lợi cho dân, cho nước là trách nhiệm và danh dự của mỗi người

Trong nước - Ngày đăng : 08:43, 13/05/2020

Tối 12/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự chương trình giao lưu điển hình toàn quốc năm 2020 trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải thực sự trở thành một bộ phận hữu cơ của văn hoá dân tộc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí Thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức với chủ đề "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2020" diễn ra vào dịp cả nước hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020).

Chương trình nói về những con người Việt Nam ưu tú trên nhiều lĩnh vực, những cán bộ, đảng viên, người lao động luôn không ngừng trau dồi, học tập, lao động và cống hiến theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là biểu tượng sáng ngời về ý chí, nghị lực và sự rèn luyện vượt qua mọi gian lao, thử thách; nêu cao bản lĩnh cách mạng, tuyệt đối trung thành và kiên định với lý tưởng của Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, sống giản dị, gần gũi, thương yêu và quý trọng Nhân dân. Người còn là hiện thân của tinh thần nhân ái của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng của đạo đức cộng sản cao đẹp, trong sáng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác giáo dục lý tưởng, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức, nhân cách. Người căn dặn chúng ta: “Người tốt, việc tốt như hoa nở mùa xuân, nêu gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”; và “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Người nhấn mạnh: “Bây giờ xã hội mới, không có áp bức bóc lột, ai cũng có thể vươn tới đỉnh cao của đạo đức cách mạng. Những gương thánh hiền ngày xưa chỉ có mấy chục và là chuyện của nước ngoài, chuyện tưởng tượng ra. Còn thánh hiền ngày nay bao gồm hàng triệu con người có thật trong nhân dân Việt Nam ta, ở trong nhà hay ra ngõ đều có thể gặp được. Đó là những anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua...  đang cùng nhau viết nên những trang sử vô cùng oanh liệt mà con cháu ta sẽ mãi mãi tự hào”.

Hơn nửa thế kỷ Người đã đi xa nhưng tên tuổi, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong lòng chúng ta. Đặc biệt, Người đã để lại cho Đảng, cho dân tộc ta một di sản tư tưởng hết sức quý báu, một tấm gương đạo đức và phong cách cách mạng sáng ngời.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự chương trình. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng nhấn mạnh, học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là cách làm thiết thực để tiếp nối và phát triển sự nghiệp cách mạng mà Người để lại cho chúng ta. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Việt Nam “hùng cường”, “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016, xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị, nhằm góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều điểm sáng, tấm gương điển hình, mô hình mới, cách làm sáng tạo, tạo sức lan tỏa, nhân rộng trong xã hội, góp phần quan trọng củng cố và bảo vệ nền tảng tư tưởng, văn hóa, đạo đức của Đảng, đồng thời tiếp sức, cổ vũ toàn thể nhân dân ta kiên định, hăng hái, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.

“Trong buổi giao lưu này, chúng ta xúc động được gặp những tập thể, cá nhân chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực vươn lên, vượt qua thử thách và cống hiến hết mình ngày đêm để góp phần không nhỏ vào những thành tựu chung của đất nước; trong đó có những thầy thuốc kiên cường trên mặt trận phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua”, Thủ tướng nói. Qua chương trình, những tấm gương sáng về học tập và làm theo Bác, những câu chuyện cảm động về tinh thần trách nhiệm với dân, với nước, với công việc được giao; về tình yêu thương con người, về đạo đức cách mạng trong sáng… sẽ được lan tỏa trong đời sống xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương các tập thể, cá nhân đại diện cho những điển hình tiêu biểu trong cả nước tham dự buổi gặp mặt này. Đây là chương trình thật sự có ý nghĩa quan trọng khi được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh nhật Bác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự chương trình. ẢNh: VGP/Quang Hiếu

Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự hiệu quả, trở thành thói quen tự giác, việc làm thường xuyên của mỗi người, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Thủ tướng nói. Mỗi người cần xác định rõ mục đích, lý tưởng học tập của mình, học là để làm việc, làm người, để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Như triệu mạch nguồn tạo thành sông, muôn con sông hòa thành biển lớn, mỗi người chúng ta hãy cố gắng từng ngày, từng giờ làm những việc có lợi cho dân, cho nước, coi đó là trách nhiệm và danh dự của bản thân. “Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, điều đó sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng và lan tỏa rộng khắp, trở thành động lực mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.

Để làm tốt hơn việc học tập và làm theo Bác, Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc quán triệt, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) một cách cụ thể, thiết thực, sát với nhiệm vụ chính trị, điều kiện công tác và đời sống hàng ngày.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải thực sự trở thành một bộ phận hữu cơ của văn hoá dân tộc, một thứ vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng và Nhân dân trong cuộc đấu tranh chống lại các hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tha hoá, xuống cấp về  đạo đức xã hội, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Áp dụng và nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, gần gũi, dễ học, dễ hiểu, tạo sức lan tỏa, khơi dậy được niềm tin, nhiệt huyết và lý tưởng từ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân.

Tiếp tục phát hiện và tôn vinh kịp thời các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Có những cơ chế, chính sách động viên, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực; đồng thời có biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh, uốn nắn các nhận thức, hành vi lệch lạc, kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

“Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện giữ gìn, phát huy để giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi là tài sản tinh thần to lớn, quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nền tảng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng cơ đồ ngàn năm của non sông, đất nước chúng ta”, Thủ tướng bày tỏ và dẫn lại lời của nhà thơ Tố Hữu: “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn/ Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/ Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại chương trình giao lưu, các khách mời đã chia sẻ những câu chuyện hết sức sâu sắc mà vô cùng dung dị về Bác, đây là những bài học đã góp phần nhân lên những lẽ sống, hành động cao đẹp, khích lệ họ trên con đường lập thân, lập nghiệp, cống hiến, sáng tạo, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Cựu quân nhân Nguyễn Bá Sáu tại Thanh Hóa kể câu chuyện ông đã gặp Bác, sự ân cần của Bác với chị lao công Bác gặp trên đường làm ông không thể quên. Anh Hoàng Tuấn Anh Giám đốc PH Lock kể về câu chuyện sáng tạo “ATM gạo” mà đến nay đã có 100 điểm, giúp đỡ gần 1 triệu người. Thạc sĩ, Bác sĩ  Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) kể về việc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19, về những giây phút nguy hiểm khi các nhân viên y tế phải ghé sát miệng, mặt bệnh nhân để đặt ống thở.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn nút ATM "thuốc" mang tính biểu trưng, trong đó phương thuốc trong ATM để chữa những bệnh nguy hiểm như bè phái, công thần, quan liêu, ích kỷ... là cuốn sách của Ban Tuyên giáo Trung ương với chủ đề "Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Cuốn sách đã được trao tặng các đại biểu tham dự chương trình giao lưu.

Theo Chinhphu.vn