Lạc Thuỷ (Hoà Bình): Thất thoát đất rừng từ việc lợi dụng “hạ cốt nền” để bán đất

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 07:15, 13/05/2020

(TN&MT) - “Núp bóng” dưới hình thức “cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp” của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nga tại khu 1, thị trấn Chi Nê (huyện Lạc Thuỷ, Hoà Bình), Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Xuân Thành vô tư hạ cả quả đồi, khai thác đất rừng đem bán kiếm lời.

 

“Núp bóng” dưới hình thức “cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp”, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nga cùng Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Xuân Thành vô tư hạ cả quả đồi, khai thác đất rừng đem bán kiếm lời.

Tài nguyên, khoáng sản là tài sản của Quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Việc quản lý và khai thác Tài nguyên, khoáng sản phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian gần đây ở địa bàn tỉnh Hoà Bình việc khai thác Tài nguyên, khoáng sản có những dấu hiệu biến tướng, không những gây thất thoát lớn cho Nhà nước mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân.

Theo người dân tại huyện Lạc Thuỷ, từ nhiều năm qua, với chiêu bài “hạ độ cao, hạ cốt nền” để canh tác cho có hiệu quả và làm trang trại chăn nuôi, nhiều hộ gia đình đã xin UBND huyện “bật đèn xanh”, cấp phép cho để hạ nhiều quả đồi, sau đó nhượng lại quyền cho các Công ty trên địa bàn khai thác đất rồi mang đi bán cho các nhà máy xi măng, nhà máy sản xuất gốm sứ, gạch men để kiếm lời bất chính, gây thất thoát tài nguyên nhà nước.

Cả quả đồi bị vô tư đào xới mang đất đi bán từ nhiều tháng nay nhưng không hề bị kiểm tra, xử lý.

Bà N.H.P tại thị trấn Chi Nê bức xúc: “Nắng thì bụi, mưa thì lầy. Đó là những gì mà hàng trăm hộ dân tại đây phải gánh chịu kể từ ngày dự án “cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp” của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nga đi vào hoạt động. Xe chở đất hằng ngày nối đuôi nhau chạy qua địa bàn thị trấn. Nhiều xe không được che chắn cẩn thận. Xe đi đến đâu đất đá rơi vãi ra đường gây bụi đến đó”.

Cũng theo người dân nơi đây, tình trạng lợi dụng việc san gạt để múc đất rừng đem bán của hộ bà Nga và Công ty Xuân Thành diễn ra công khai từ nhiều tháng nay mà không có sự kiểm tra xử lý của cơ quan chức năng. Hoạt động múc, vận chuyển đất gây ô nhiễm môi trường, làm đường giao thông bị xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân tại thị trấn.

Nhiều diện tích đất rừng canh tác đang ngày một bị biến mất dưới nhiều hình thức khai thác trá hình.

“Các anh thấy đấy, chỉ cần được huyện cấp cho cái quyết định chấp thuận là họ vô tư múc cả quả đồi dưới hình thức trá hình “hạ độ cao, hạ cốt nền”. Người ta cần gì phải mất nhiều thời gian, công sức, tiền của để hạ cả quả đồi chỉ để lấy mặt bằng đất nông nghiệp và xây dựng chuồng trại. Đó chỉ là lý do để khai thác đất và mang đi tiêu thụ cho các cơ sở sản xuất xi măng, gạch men, gốm sứ thôi”, một người dân bức xúc nói.

Qua tìm hiểu, trong một số giấy tờ san gạt đất rừng của hộ bà Nguyễn Thị Nga, hộ này chỉ được phép san gạt mặt bằng, không có mục nào ghi là được khai thác và vận chuyển đất ra ngoài địa phương để bán. Bên cạnh đó, tại quyết định số 141/ QĐ-UBND của UBND huyện lạc Thuỷ về việc chấp thuận “cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp” nêu rõ “Cải tạo mặt bằng, san lấp tại chỗ; phần dôi dư có nhu cầu khai thác cung cấp để san, lấp các công trình dự án trên địa bàn huyện”.

Việc khai thác đất tại thị trấn Chi Nê có dấu hiệu “bảo kê”, “chống lưng” nên vô tư lộng hành.

 

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, tại đây giống như một đại công trường khai thác đất với hàng đoàn máy móc xe cộ nối đuôi nhau chở đất đi tiêu thụ. Phải chăng, vin vào lý do này, hộ bà Nga đã mắc ngoặc với Công ty Xuân Thành vô tư khai thác đất rồi “tuồn” đất đi tiêu thụ một cách công khai, gây thất thoát nguồn tài nguyên Quốc gia.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV Báo tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch UBND thị trấn Chi Nê cho biết: “Hộ bà Nga có hơn 2000 m2 đất rừng canh tác, do sườn dốc, người ta canh tác không có hiệu quả nên đã có đơn xin hạ độ cao. Huyện cũng đã chấp thuận cho hộ nhà bà Nga được phép san gạt”, ông Ngọc nói.

Tuy nhiên, khi đề nghị được tiếp cận các quyết định cấp phép của huyện Lạc Thuỷ, của tỉnh Hoà Bình cùng các ban ngành cấp phép cho hộ bà Nguyễn Thị Nga thì ông Ngọc từ chối và cho rằng những giấy tờ này do huyện quản lý và thị trấn không thể cung cấp.

“Hiện tại ở thị trấn không có hồ sơ gì cả, tất cả là do huyện quản lý, nếu cần mời các anh lên huyện để làm việc”, ông Ngọc nói.  

Như vậy, Căn cứ theo như quyết định của UBND huyện Lạc Thuỷ giao cho gia đình bà Nga để cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp nhưng hộ này lại mắc ngoặc với Công ty Xuân Thành để mang đất đi bán là việc làm trái quy định, gây thất thoát tài nguyên, hao hụt ngân sách của Nhà nước.

Chính vì lẽ đó, tài nguyên khoáng sản bị bào mòn, các con đường nứt gãy, khói bụi, tiếng ồn ngày càng nhiều, ảnh hường trực tiếp đến đời sống của người dân. Từng đoàn xe chở đất ngang nhiên “lộng hành” qua cổng UBND thị trấn Chi Nê, qua UBND huyện Lạc Thuỷ đi tiêu thụ mà chẳng hề e ngại.

Vậy tại sao tình trạng khai thác đất lậu ở đây lại diễn ra một cách công khai bất chấp các quy định của pháp luật. Ai là người “bảo kê” hoạt động của nhóm “đất tặc”?

Đã đến lúc các cơ quan chức năng của tỉnh Hoà Bình cần vào cuộc, làm rõ các hành vi làm trái pháp luật trước khi quá muộn để trả lời tới người dân.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Việt Linh - Xuân Vũ