Quảng Nam: Ngang nhiên trộm đất ruộng đưa vào lò gạch

Tiếng dân - Ngày đăng : 18:04, 12/05/2020

(TN&MT) - Sau một thời gian tạm lắng, hoạt động tận thu đất sét trái phép lợi dụng cải tạo đất nông nghiệp tại Quảng Nam để bán cho các lò gạch bắt đầu “rầm rộ” trở lại. Thế nhưng, các lực lượng chức năng lại không hề hay biết thực trạng đang diễn ra trên địa bàn quản lý.

Những ngày đầu tháng 5/2020, có mặt tại khu vực phường Điện Nam Bắc, TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, PV ghi nhận cảnh khai thác, vận chuyển đất từ đồng ruộng thôn Phong Hồ diễn ra tấp nập. Một chiếc máy múc đất đang hoạt động hết công suất, xúc sâu xuống mặt ruộng, nhộn nhịp chuyển đất lên đoàn xe tải nối đuôi nhau.

Lần lượt 3 xe tải 2 trục BKS 43S - 5682, 92C - 108.85, 92C – 127.29… cơi nới thành thùng chở đất “có ngọn” từ chiếc máy múc, sau đó ì ạch theo những con đường ở cánh đồng rồi ra QL 1A để tiến vào Nhà máy gạch thủ công ngay đầu cầu Tứ Câu, xã Hòa Phước, huyện Hoà Vang, TP. Đà Nẵng.

Ngang nhiên khai thác đất sét trái phép trên đồng ruộng Phong Hồ, phường Điện Nam Bắc

Khi vận chuyển từ cánh đồng đi ra ngoài, phần lớn các xe tải chở vượt thùng, che đậy sơ sài băng băng trên tuyến đường huyết mạch đã làm ảnh hưởng đến môi trường, đe dọa an toàn giao thông nhưng không bị cơ quan, lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Khi phát hiện có phóng viên ghi hình, đoàn xe này liền đổi hướng đổ đất san lấp nền nhà cho một hộ dân nằm ngay trên QL 1A để đánh lạc hướng.

Theo xác minh, doanh nghiệp đang khai thác và vận chuyển đất trên là Công ty TNHH MTV THT Tiến Thành (trụ sở xã Điện Thắng Nam, TX.Điện Bàn) do ông Hà Tiến làm giám đốc. Trước đây, DN này được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép khai thác khoáng sản đất sét trong quá trình cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng tại khu vực thôn Phong Hồ nhưng đã hết hạn và đang trong quá trình làm lại hồ sơ xin phép.

Những chiếc xe tải chở đất sét chạy trên QL1A theo hướng ra TP Đà Nẵng

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ngọc Anh, Phó Trường phòng TN&MT TX. Điện Bàn cũng khẳng định, trên địa bàn hiện nay không có DN nào được phép khai thác khoáng sản đất sét trong quá trình cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng.

“Có thể việc khai thác đất của DN này chỉ để phục vụ san nền, làm đường xá thôi chứ khu vực Phong Hồ hiện đã hết hạn, mới yêu cầu cung cấp hồ sơ để làm lại. Phòng Kinh tế - Hạ tầng đang làm đó” – ông Anh nói.

Thế nhưng, thực tế những gì phóng viên chứng kiến lại khác hoàn toàn với thông tin mà ông Phạm Ngọc Anh cung cấp. Dù chưa được cấp phép khai thác trở lại, DN Tiến Thành đã “cầm đèn chạy trước ô tô” ồ ạt khai thác đất chở ra ngoài địa bàn Quảng Nam bán cho nhà máy gạch ngoài Đà Nẵng với mức lời khủng, vô tư “rút ruột” tài nguyên khoáng sản Nhà nước.

Tìm hiểu của PV, dưới danh nghĩa cải tạo ruộng đồng, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành 9 quyết định cấp quyền khai thác khoáng sản, đất sét cho các doanh nghiệp tư nhân để tận thu đất bán cho các lò gạch. Thống kê, từ năm 2016 đến 2020, trên TX.Điện Bàn có 314 héc ta đất đồng ruộng được cải tạo.

Rồi tiến thẳng vào nhà máy gạch thủ công tại Đà Nẵng 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xảy ra những bất cập, như: xe tải chở đất sét dư thừa sau cải tạo ngang nhiên đi lại trên đường làng, gây ô nhiễm, đơn vị thi công chỉ lo "tận thu" đất sét để bán, quên đi mục tiêu chính là cải tạo, dồn điền, đổi thửa chỉnh trang đồng; DN lợi dụng việc cải tạo đất nông nghiệp để khai thác đất sét trái phép gây thất thoát tài nguyên và ô nhiễm môi trường. ….

Bên cạnh đó, việc tận thu đất sét bán cho các lò gạch cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện Quyết định 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2010 phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 và Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.

Tài nguyên vô tư bị DN “rút ruột” trong khi nhà nước thất thu đang gây bức xúc trong nhân dân… Rõ ràng việc quản lý hoạt động khai thác đất sét trong chỉnh trang đồng ruộng của chính quyền TX.Điện Bàn là chưa thực sự chặt chẽ đã tạo kẽ hở để cho doanh nghiệp hưởng lợi lớn.

 

Lan Anh