Bến Tre: Đề xuất xây dựng tỉnh điển hình về phòng, chống thiên tai
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:45, 12/05/2020
Bến Tre thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, nước biển dâng |
Theo UBND tỉnh Bến Tre, Bến Tre là tỉnh nằm cuối nguồn sông Mê Công và trong điều kiện hệ thống thủy lợi Bắc - Nam Bến Tre đầu tư chưa hoàn thiện và Dự án quản lý nước (JICA3) đang trong giai đoạn thiết kế và đấu thầu xây lắp, hệ thống ngăn mặn trữ ngọt của tỉnh chưa được phép kính,… nên địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, nước biển dâng.
Đợt hạn mặn mùa khô năm 2015-2016, độ mặn xâm nhập sâu, ở mức rất cao và kéo dài có 162/164 xã, phường, thị trấn của tỉnh Bến Tre bị xâm nhập mặn, ước tính thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng. Mùa khô năm 2019-2020, hạn mặn tiếp tục diễn ra gay gắt khốc liệt hơn đợt hạn hạn năm 2015-2016, độ mặn 5‰ duy trì rất lâu và gần bao trùm trong phạm vi toàn tỉnh.
Tỉnh Bến Tre còn bị ảnh hưởng nặng nề của sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong vòng 5 năm trở lại đây, toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở với khoảng 120 km bờ sông và 20 km bờ biển bị sạt lở gây hư hại nhà ở, mất đất, rừng phòng hộ và an toàn của hàng trăm hộ dân. Ngoài ra, tình hình giông bão, áp thấp nhiệt đới, giông lốc,… thường xuất hiện trong mùa mưa hàng năm gây hư hại nhà ở, cây cối, hoa màu của người dân và ảnh hưởng đến các công trình công cộng phục vụ dân sinh.
Trước hình hình trên, tỉnh Bến Tre xác định mục tiêu “biến nguy thành cơ” chuyển dần mô hình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, tỉnh Bến Tre tập trung lãnh đạo có hiệu quả theo Nghị quyết số 120-NQ/CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; quyết tâm từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Qua đó, UBND tỉnh Bến Tre kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét chọn Bến Tre là địa phương để xây dựng tỉnh điển hình về phòng, chống thiên tai nhằm góp phần phát huy mạnh mẽ hơn nữa sự chủ động sáng tạo khắc phục khó khăn của người dân trong công tác phòng, chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại, hướng đến phát triển bền vững.
Đồng thời, tỉnh Bến Tre từng bước xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai theo tinh thần Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Bến Tre triển khai thi công các dự án khẩn cấp về sạt lở bờ sông, bờ biển |
Theo đánh giá của các ngành chức năng tỉnh Bến Tre, thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra từ đầu mùa khô 2019-2020 đến nay trên địa bàn tỉnh là rất lớn, ước tính giá trị thiệt hại có thể cao hơn nhiều so với đợt xâm nhập mặn mùa khô 2015-2016. Bến Tre đã và đang vào cuộc bằng nhiều giải pháp để giúp nhân dân khắc phục và hạn chế tối đa những thiệt hại do hạn, mặn gây ra.
Cụ thể, tỉnh Bến Tre đã đắp 10 đập tạm trữ nước, nạo vét 260 km tuyến kênh nội đồng; vận hành hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp, huyện Ba Tri trữ gần 01 triệu m3 nước; lắp đặt và vận hành tối đa công suất các hệ thống lọc mặn RO; vận động các cá nhân, đơn vị trong và ngoài tỉnh hỗ trợ nước ngọt cho người dân..
Đông thời, tỉnh Bến Tre tập trung đầu tư xây dựng các hạng mục hệ thống thủy lợi khép kín, quyết tâm hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2023 như: Hệ thống thủy lợi Nam - Bắc Bến Tre; dự án cung cấp nước sạch cho khu vực Cù lao Minh; các dự án đê, kè, đập thủy lợi đầu mối ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh.
Tỉnh Bến Tre sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm hồ chứa nước ngọt tại huyện Ba Tri và các huyện ven biển; các cống, âu thuyền lớn để đảm bảo đủ nguồn nước ngọt trong thời gian tới; đầu tư, mở rộng tuyến dẫn nước thô về các nhà máy nước; nghiên cứu xây dựng phương án trữ nước ngọt trong lòng đất tại các khu vực phù hợp.