Dồi dào… nhưng vẫn khát nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 11:55, 12/05/2020

(TN&MT) - Được mệnh danh là đồng bằng sông nước, nhưng trong những năm gần đây vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thường xuyên phải đối diện với tình trạng thiếu nước khiến cho đời sống, sản xuất của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: “Trong năm 2019, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, lượng mưa ít nên các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Công đã giữ nước lại và một số đập thủy điện đóng van tích nước, từ đó, nguồn nước chảy về vùng ĐBSCL sụt giảm gây ra tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân ở nhiều địa phương”. 

Cùng với việc lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Công chảy về vùng ĐBSCL ngày càng sụt giảm, chất lượng nguồn nước mặt ở các sông, rạch liên tỉnh và các sông, rạch ở thuộc các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang bị ô nhiễm do tác động từ quá trình phát triển đô thị, khu, cụm công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp.

Nguồn nước mặt ở nhiều tuyến sông, rạch nội thị ở một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL có màu đen, bốc mùi hôi nồng nặc

Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết, hiện nay, chất lượng nguồn nước mặt ở hầu hết các tuyến sông, rạch trên địa bàn thành phố đang bị ô nhiễm như sông Hậu, đoạn chảy qua địa bàn TP. Cần Thơ nguồn nước mặt có hàm lượng chất rắn lơ lửng vượt từ 2,1 đến 3,1 lần so với QCVN 08-MT: 2015/BTNMT loại A1; còn tại sông Cần Thơ, chất lượng nước đã bị ô nhiễm chất hữu cơ, vi sinh, hàm lượng chất rắn lơ lửng vượt QCVN 08-MT: 2015/BTNMT loại A1 và đang có xu hướng tăng.

Tại tỉnh Hậu Giang, tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt đang có chiều hướng gia tăng đã tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này. Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc TN&MT - Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang thực hiện năm 2019 ghi nhận, chất lượng nước mặt tại một số tuyến sông, rạch đang bị ô nhiễm, các thông số như Fe, TSS, COD, Coliform… đều vượt nhiều lần so với quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT.

Do nguồn nước mặt bị ô nhiễm, người dân vùng ĐBSCL chuyển qua khai thác nước ngầm để phục vụ cho sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, từ đó, làm tầng nước ngầm ngày càng bị sụt giảm và ô nhiễm nghiêm trọng. Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng cho thấy, hiện nay, trên địa bàn địa phương này có hơn 107.000 giếng khoan nước ngầm phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho gần 182.000 hộ dân.

Ông Ung Văn Đẳng, Phó Trưởng Phòng Khoáng sản - Khí tượng thủy văn - Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng cho biết, do nguồn nước mặt bị ô nhiễm, nhiễm mặn, người dân trên địa bàn tỉnh đã khoan hàng ngàn giếng khoan lấy nước sử dụng, từ đó làm cho tầng nước dưới đất đang bị hạ thấp theo từng năm; đồng thời, nhiều giếng khoan bị hư hỏng nhưng không được trám lấp đúng quy trình làm cho chất lượng nguồn nước dưới đất bị suy giảm”.

Ngoài ra, thời gian qua, nhiều công trình ngăn mặn được triển khai đầu tư ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng đã để lại nhiều hệ lụy đối với môi trường đất, nước, hệ sinh tái. PGS. TS. Lê Anh Tuấn cho rằng, một số công trình đê bao, cống ngăn mặn được đầu tư xây dựng đã làm cho nước phía trong bị ứ đọng khiến cho đất, nước, hệ sinh thái ở khu vực này bị suy giảm.

Theo PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi Khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ, trong điều khiện khan hiếm về nguồn nước như hiện nay, chúng ta cần phải sử dụng một cách hiệu quả các nguồn nước; đồng thời, thay đổi quan điểm chỉ xem nước ngọt mới là tài nguyên mà nước mặn, nước lợ và ngay cả nước thải cũng là tài nguyên miễn làm ra được sản phẩm và an toàn.

Đồng quan điểm, PGS. TS. Lê Anh Tuấn cho biết, phải thay đổi cách suy nghĩ và cách tiếp cận giải quyết vấn đề ở vùng ĐBSCL theo hướng dựa vào thiên nhiên để phát triển và xem nước ngọt, nước mặn, nước lợ đều là tài nguyên chứ không còn nghỉ đến tài nguyên chỉ là nước ngọt mà bỏ qua lợi ích từ nước mặn, nước lợ.

Ngoài các giải pháp nêu trên, TS. Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, để bảo vệ thành công nguồn tài nguyên nước cho vùng ĐBSCL, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tiếp tục đầy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi ý thức, thói quen của mỗi người dân trong việc khai thác sử dụng nguồn nước; đồng thời, cùng chung tay bảo vệ tài nguyên nước.

Bài và ảnh: Lê Hùng