Hà Nội: Tăng cường phòng chống dịch và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa hè

Xã hội - Ngày đăng : 15:12, 11/05/2020

(TN&MT) - Mùa hè là thời điểm thuận lợi cho các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng,... phát triển. Bên cạnh đó là nguy cơ về mất vệ sinh ATTP và gia tăng bệnh truyền nhiễm. Do đó, để chủ động phòng chống dịch và đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa hè, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Công văn số 2148/SYT-NVY gửi các đơn vị liên quan.

Tăng cường giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm có nguy cơ cao như thực phẩm ăn ngay, thức ăn chế biến sẵn, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống, nước đá, cơ sở thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể

Hiện nay, thời tiết đã chuyển sang mùa Hè là điều kiện thuận lợi cho các bệnh như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản... phát triển; bên cạnh đó là nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm và gia tăng các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm trên địa bàn. Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch và đảm an toàn thực phẩm trong mùa hè, Sở Y tế yêu cầu:

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tiếp tục giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài và khách nội địa đến Hà Nội, tăng cường kiểm tra thân nhiệt của hành khách bằng máy đo thân nhiệt, đặc biệt là hành khách đến từ các quốc gia, vùng đang có dịch bệnh nguy hiểm; áp dụng biện pháp cách ly, chuyển tuyến theo quy định, đồng thời, thông báo cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã để tổ chức giám sát dịch tại cộng đồng.

Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh tại các bệnh viện Trung ương và Thành phố, tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch tại cộng đồng. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về các biện pháp giám sát, xử lý các bệnh dịch cho đội ngũ cán bộ y tế trong hệ thống tham gia công tác phòng chống dịch.

Tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như tiêm chủng đầy đủ để phòng bệnh, vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu, diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết; vệ sinh cá nhân, vệ sinh đồ chơi phòng chống bệnh tay chân miệng; 4 khuyến cáo về phòng chống dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả và các dịch bệnh khác, thực hiện ăn chín uống sôi…để người dân biết cách bảo vệ sức khỏe, tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch và an toàn thực phẩm.

Với chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội, Sở Y tế yêu cầu hướng dẫn Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm có nguy cơ cao như thực phẩm ăn ngay, thức ăn chế biến sẵn, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống, nước đá, cơ sở thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể…Đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, đặc biệt là trong tháng Hành động an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2020.

Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã cần tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm ca bệnh dịch; tổ chức khoanh vùng, xử lý ổ dịch triệt để không để dịch lan rộng. Đồng thời, phối hợp với Phòng Y tế tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện, thị xã tăng cường tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.

Tổ chức tập huấn các nội dung về giám sát, xử lý dịch; nâng cao năng lực cho các thành viên của đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch; chẩn đoán, điều trị các bệnh dịch cho đội ngũ cán bộ y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tích cực tuyên truyền về phòng chống dịch và an toàn thực phẩm.

Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch bệnh; thực hiện nghiêm túc việc quản lý chất thải của người bệnh, không để mầm bệnh phát tán gây dịch trong bệnh viện hoặc lan ra cộng đồng. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng trao đổi thông tin về các trường hợp mắc dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm để chủ động giám sát, xử lý tại cộng đồng.

Hoàng Ngân