Bộ GDĐT xây dựng Thông tư mới về Điều lệ trường tiểu học
Xã hội - Ngày đăng : 12:09, 11/05/2020
So với Thông tư 41, dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó tập trung đổi mới quản lý nhà trường. Ảnh minh họa |
Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học mới gồm 7 chương, 47 điều, đã cập nhật hệ thống văn bản mới làm căn cứ pháp lý, như: Luật Giáo dục 2019, Nghị định số 127/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục… Nhiều nội dung trong Điều lệ hiện hành được quy định bởi các văn bản liên quan, đã được điều chỉnh và quy chiếu.
So với Thông tư 41, dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó tập trung đổi mới quản lý nhà trường. Theo đó, nhà trường tiểu học được trao quyền tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội nhiều hơn; các hoạt động giáo dục được chuyển từ tập trung truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực; công tác kiểm tra đánh giá được đổi mới; các yêu cầu về hồ sơ sổ sách được giảm tải, tăng ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà trường…
Các nội dung phù hợp của Điều lệ hiện hành đã được các nhà trường thực hiện hiệu quả trong nhiều năm và không mâu thuẫn với quy định của hệ thống văn bản pháp lý mới, được kế thừa trong dự thảo Thông tư.
Một số nội dung khác trong dự thảo thông tư, như quy định về “Thực hiện chương trình giáo dục và xây dựng kế hoạch giáo dục”, “Sách giáo khoa và tài liệu tham khảo”, “Hoạt động giáo dục”, “Đánh giá và xếp loại kết quả giáo dục”, đã chỉnh sửa, bổ sung, để phù hợp với các quy định mới trong Luật Giáo dục 2019, đáp ứng các yêu cầu của chương trình GDPT 2018.
Các nội dung về Hội đồng trường (Điều 10) như: cơ cấu tổ chức, thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn, hoạt động và thủ tục thành lập… được quy định cụ thể, chi tiết, tường minh hơn.
Dự thảo cũng định lượng cụ thể số học sinh khuyết tật trong mỗi lớp học hoà nhập là không quá 2 em, lớp học ghép có không quá 2 nhóm trình độ và không quá 15 học sinh (Điều 17), nhằm đảm bảo các hoạt động giáo dục trong lớp học hoà nhập, lớp học ghép được thực hiện hiệu quả và không gây khó khăn cho giáo viên, học sinh khi giảng dạy, tiếp thu kiến thức.