Trà Vinh: Tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:32, 08/05/2020

(TN&MT) -  Để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, tỉnh Trà Vinh đã tiến hành chuyển đổi cây trồng lồng ghép xây dựng các mô hình phát triển sản xuất. Giải pháp này đã từng bước phát huy hiệu quả, giúp người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào thực tiễn sản xuất, làm tăng năng suất, chất lượng cây, con và ứng phó hạn, mặn gia tăng.

(TN&MT) - Để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, tỉnh Trà Vinh đã tiến hành chuyển đổi cây trồng lồng ghép xây dựng các mô hình phát triển sản xuất. Giải pháp này đã từng bước phát huy hiệu quả, giúp người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào thực tiễn sản xuất, làm tăng năng suất, chất lượng cây, con và ứng phó với tình hình hạn, mặn gia tăng.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với hạn, mặn

tình hình khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt, gây thiệt hại nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, tỉnh Trà Vinh xuống giống hơn 60.000 ha nhưng đã có trên 20.000 ha của hơn 20.000 hộ trồng lúa bị thiệt hại; trong đó, diện tích bị mất trắng chiếm phần lớn.

Theo ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, vụ Đông Xuân 2020 - 2021, ngành nông nghiệp tỉnh có kế hoạch chỉ trồng lúa 46.640  ha,  khuyến cáo các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng hạn, mặn, thiếu nước tưới vào mùa khô không trồng lúa vụ này như: huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, và một phần diện tích ở huyện Châu Thành, huyện Trà Cú. 

Người dân chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng màu

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang khẩn trương xây dựng kế hoạch cơ cấu lại mùa vụ, chỉ cơ cấu 3 vụ lúa cho những vùng có điều kiện chủ động về nguồn nước tưới. Đối với những vùng sản xuất khó khăn, bị ảnh hưởng hạn mặn, hạn chế về nguồn nước tưới, ngành nông nghiệp vận động và hướng dẫn nông dân chuyển sang 2 vụ lúa - 1 vụ màu, trồng các loại cây rau, màu sử dụng ít nước tưới như ngô, dưa hấu, rau đậu… Hiện, Sở đang phối hợp với các địa phương khảo sát điều kiện thổ nhưỡng, hệ thống hạ tầng từng vùng, tìm hiểu thị trường nông sản… để xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi khác.

Thực tế quá trình chuyển đổi thời gian qua cho thấy, hầu hết diện tích chuyển đổi trồng màu cho thu nhập tăng từ 3-4 lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nông dân lo ngại về kỹ thuật canh tác cây màu, đầu ra của nông sản nên chưa mạnh dạn chuyển đổi. Do vậy, cùng với việc hướng dẫn nông dân về khoa học kỹ thuật cây trồng, vật nuôi mới, các địa phương đang tích cực tìm kiếm các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân yên tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Tỉnh cũng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao. Hiện, toàn tỉnh Trà Vinh có 1.000 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Châu Thành và Tiểu Cần; 142 ha sản xuất rau an toàn, 103 ha sản xuất cây ăn trái đạt chứng nhận GAP; ứng dụng thành công công nghệ sinh học trong việc bình tuyển, chọn lọc, lai tạo các giống gia súc lớn, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để cải thiện giống bò, heo; khoảng 9.000 ha diện tích nuôi tôm nước lợ áp dụng công nghệ nuôi thâm canh...

Hiệu quả từ các mô hình mới

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình SX nông nghiệp được xem là khâu đột phá trong thực hiện giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay, các xã, huyện đã xây dựng hơn 50 mô hình với khoảng 200 điểm trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ứng dụng khoa học kỹ thuật mới thích ứng với biến đổi khí hậu. 95% mô hình thực hiện đạt hiệu quả, như: Mô hình cánh đồng lớn về sản xuất lúa; mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh; mô hình trồng thanh long ruột đỏ; mô hình trồng bưởi da xanh; trồng dừa sáp; mô hình nuôi cá lóc, cá tra thâm canh; mô hình nuôi tôm công nghệ cao (tôm thẻ chân trắng và tôm sú); mô hình nuôi bò thịt, bò sinh sản; nuôi gà thả vườn...

Mô hình trồng gấc ở huyện Cầu Kè

Điển hình như Hợp tác xã nông nghiệp Việt Thành (huyện Cầu Kè) đã trồng thử nghiệm 1,2 ha gấc. Cây gấc chỉ sau 3 tháng trồng là cho thu hoạch với năng suất 20 - 25 tấn quả 1 ha/năm. Với giá bán dao động từ 6.000 - 25.000 đồng/kg gấc thương phẩm, người trồng lợi nhuận từ 70 - 90 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Từ kết quả này, Dự án thích ứng biến đổi vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh (Dự án AMD Trà Vinh) đã hỗ trợ cho 100 hộ thành viên hợp tác xã trồng gấc, trên tổng diện tích 20 ha. Để việc chuyển đổi cây trồng khác thay cây lúa kém hiệu quả ngoài quy hoạch phù hợp theo vùng sản xuất, huyện còn khuyến khích người dân tham gia kinh tế hợp tác để sản xuất hàng hóa tập trung và dễ tiếp cận khoa học kỹ thuật. Nông dân cũng nên sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn để dễ tìm doanh nghiệp đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm, giúp nâng cao thu nhập.

Đối với các khu vực ven biển, tỉnh ưu tiên phát triển mô hình gắn việc trồng rừng, bảo vệ rừng với bảo tồn đa dạng sinh học. Ngoài nguồn vốn Nhà nước đầu tư trồng rừng, nhiều hộ dân ở huyện Duyên Hải, thị xã Duyên Hải đã tự bỏ vốn trồng rừng trên diện tích nuôi các loài thủy sản, nhất là diện tích nuôi tôm sú và nuôi cua biển. Huyện cũng giao khoán cho người dân địa phương chăm sóc và bảo vệ phần lớn diện tích rừng, góp phần nâng tỷ lệ che phủ vùng đệm là 55% và vùng phục hồi sinh thái là 70%.

Trong thời gian tới, tỉnh Trà Vĩnh tiếp tục thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Tiếp tục xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, gồm: Vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung theo tiểu vùng ngọt và ngọt hóa; sản xuất cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày…

Ng.Thanh