Hà Nội kiên quyết ngăn chặn, xử lý xả nước thải vào công trình thủy lợi

Môi trường - Ngày đăng : 16:38, 07/05/2020

(TN&MT) - Việc ngăn chặn, xử lý các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước công trình thủy lợi là nhiệm vụ cấp thiết đối với TP Hà Nội trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi bước vào những ngày nắng nóng gay gắt trên diện rộng khiến nguy cơ ô nhiễm gia tăng…

Hiện hữu 1.837 điểm xả thải

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm nguồn nước công trình thủy lợi trên địa bàn TP Hà Nội đã không còn là nguy cơ mà trở nên hiện hữu khiến người dân thấp thỏm, lo âu. Thống kê của các doanh nghiệp thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, tính đến tháng 3/2020, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố hiện có 1.837 điểm xả từ hoạt động sản xuất và các điểm xả thải dân sinh.

Tình trạng xả thải vào công trình thủy lợi trên địa bàn TP Hà Nội vẫn rất phức tạp. Ảnh minh họa

Các nguồn xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố chủ yếu là: nước thải khu công nghiệp, nước thải khu vực dân sinh, đô thị, làng nghề, cơ sở sản xuất nhỏ, nước thải bệnh viện, nước thải chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và nước thải sinh hoạt.

Việc xả thải, chất thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn và hệ thống công trình thủy lợi ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng nguồn nước cấp cho sản xuất nông nghiệp. Không những thế còn làm giảm tuổi thọ công trình thủy lợi và ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, giảm năng suất cây trồng, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm...

Cùng với đó, quá trình đô thị hóa nhanh thời gian qua dẫn đến việc xả thải không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn vào hệ thống công trình thủy lợi càng trở nên phức tạp và khó kiểm soát.

Đơn cử, các nguồn nước xả thải của các cơ sở sản xuất, làng nghề, khu vực chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và khu vực dân sinh hầu hết là xả vào hệ thống kênh tiêu cấp 2, 3 trước khi xả vào kênh cấp 1. Do đó, việc kiểm tra xác định đối tượng xả thải và xử lý đối với các trường hợp xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, nhận thức pháp luật về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước của các cơ sở sản xuất, tổ chức, cá nhân còn nhiều hạn chế, trong khi công tác tổ chức tuyên truyền về vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, ô nhiễm nguồn nước chưa được nêu cao. Trong khi, công tác kiểm tra xử lý vi phạm của các cơ quan quản lý cũng chưa thường xuyên, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường…

Giám sát chặt chẽ việc xả thải, cấp phép xả thải

Được biết, nhằm tăng cường công tác quản lý, Sở NN&PTNT Hà Nội vừa có Công văn số 1075/SNN-TL, ngày 17/4/2020, đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi thành phố tổng hợp xử lý vi phạm quy định về xả nước thải vào công trình thủy lợi, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước, phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn thành phố.

Theo đó, các doanh nghiệp tập trung kiểm tra phát hiện, lập biên bản vi phạm và đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về xả thải; giám sát việc thực hiện các nội dung trong giấy phép của tổ chức, cá nhân được cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi… Đồng thời, đề xuất cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi…

Tuy nhiên, để ngăn chặn, xử lý xả nước thải vào công trình thủy lợi cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương, nhất là việc giám sát chặt chẽ việc xả thải và cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi. Quang trọng hơn, phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt các doanh nghiệp tại các làng nghề, cơ sở sản xuất cố tình vi phạm, xả trộm chất thải, nước thải không qua xử lý.

Mặt khác, chính quyền địa phương cũng cần xử lý phạt nặng các trường hợp vi phạm; thậm chí yêu cầu các tổ chức, cá nhân vi phạm dừng sản xuất, kinh doanh để khắc phục hậu quả. Trước mắt, các địa phương nên tập trung rà soát, thống kê cơ sở vi phạm có xả thải gây ô nhiễm công trình thủy lợi để xử lý triệt để, nhất là các vi phạm đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sức khỏe của người dân.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền cấp cơ sở trong việc bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi, bảo vệ nguồn nước phục vụ tưới, tiêu… về lâu dài các cấp, các ngành của thành phố cần xây dựng hệ thống thu gom nước thải, nhà máy xử lý nước thải tập trung để xử lý trước khi xả ra môi trường; xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung và gắn với xây dựng nông thôn mới…

Tuyết Chinh