Bộ TN&MT: Rà soát, sửa đổi 2 Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giám định tư pháp

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 10:42, 07/05/2020

(TN&MT) - Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa tại buổi làm việc trực tuyến với Vụ Pháp chế Bộ về việc triển khai thực hiện công tác giám định tư pháp năm 2020 của Bộ.

Tham dự còn có đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Quản lý đất đai; Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Thanh tra Bộ và Văn Phòng Bộ.

Vụ Pháp chế cho biết, theo Luật Giám định tư pháp và Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp, Bộ và cơ quan ngang Bộ được giao quy định chi tiết 10 nội dung.

Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 44 ngày 01/8/2014 quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và Thông tư số 45 ngày 01/8/2014 quy định về hồ sơ giám định tư pháp và các mẫu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Các đại biểu tham dự cuộc họp trực tuyến về việc triển khai thực hiện công tác giám định tư pháp năm 2020 của Bộ TN&MT

Theo đó, Bộ đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 07/10 nội dung theo quy định của Luật Giám định tư pháp và Nghị định số 85/2013/NĐ-CP gồm: tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp; hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp; thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp; miễn nhiệm giám định tư pháp; tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; Hội đồng giám định; Hồ sơ giám định tư pháp.

Theo đánh giá của Vụ Pháp chế, thực hiện Luật Giám định tư pháp và Nghị định số 85/2013/NĐ-CP, công tác giám định tư pháp của Bộ TN&MT đã được tổ chức thực hiện cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, giám định tư pháp được thực hiện thông qua giám định viên tư pháp, tổ chức giám định tư pháp (công lập và ngoài công lập), người giám định tư pháp theo vụ việc và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc nhưng đến nay Bộ mới chỉ thực hiện việc giám định tư pháp thông qua người giám định tư pháp theo vụ việc.

Cũng theo Vụ pháp chế, trong 4 tháng đầu năm 2020 Bộ đã nhận được 04 Quyết định trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng và 13 quyết định trưng cầu giám định từ năm 2019 chuyển qua. Trong đó, có 04 vụ việc đã có kết luận giám định và còn 13 vụ việc chưa có kết luận giám định.

Hiện Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV), theo đó, một số quy định sẽ được sửa đổi hoặc bổ sung mới.

Do đó, Vụ Pháp chế kính đề nghị Lãnh đạo Bộ cho phép được sửa đổi, bổ sung Thông tư số 44, 45 vào cuối năm 2020 (gộp 02 Thông tư thành 01 Thông tư) để quy định những nội dung chưa được quy định chi tiết theo Luật Giám định tư 2 pháp hiện hành; đồng thời sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Bên cạnh đó, để triển khai hiệu quả công tác giám định tư pháp của Bộ thông qua huy động các nguồn nhân lực tham gia, đẩy nhanh tiến độ giám định và cải cách thủ tục thực hiện, Vụ Pháp chế đề nghị Lãnh đạo Bộ chỉ đạo một số nội dung: Bổ nhiệm giám định viên tư pháp và công bố tổ chức giám định theo vụ việc theo đúng quy định của Luật Giám định tư pháp; xử lý việc xác nhận chữ ký của người giám định tư pháp theo vụ việc…

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giám định tư pháp và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.

Nhất trí với đề xuất của Vụ Pháp chế về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 44, 45 năm 2014, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa giao Vụ pháp chế làm đầu mối thực hiện xây dựng thành 1 Thông tư quy định đối với việc thực hiện công tác giám định tư pháp của Bộ.

Thứ trưởng cũng yêu cầu, Vụ Pháp chế và các đơn vị nghiên cứu, rà soát lại 3 loại hình theo quy định của Luật Giám định tư pháp là: giám định viên tư pháp; tổ chức giám định tư pháp; người giám định tư pháp theo vụ việc và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc để quy định cho cụ thể đảm bảo các tiêu chí theo quy định; đảm bảo các lĩnh vực trong Bộ đều có cán bộ tham gia …

Trường Giang