Ứng phó sự cố tràn dầu bằng chất phân tán: Chỉ được sử dụng trong danh mục cho phép

Môi trường - Ngày đăng : 10:10, 07/07/2020

(TN&MT) - Sự cố tràn dầu trên biển có thể gây tác động nghiêm trọng đối với các hoạt động ven biển có nguy cơ xảy ra thảm họa môi trường biển rất cần được ứng phó kịp thời bằng các loại chất phân tán. Tuy vậy, loại chất nào được phép sử dụng là nội dung quan trọng đang được Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xây dựng Thông tư hướng dẫn.

Những tổn thất nặng nề

Mặc dù, giá trị sử dụng của dầu mỏ rất lớn, nhưng do tính chất nguy hiểm (dễ cháy nổ, ô nhiễm cao), hàng năm, chúng ta vẫn phải chứng kiến rất nhiều những vụ tai nạn từ các tàu dầu, làm hàng triệu tấn dầu bị tràn ra biển gây những hậu quả nghiêm trọng đến tài nguyên và môi trường biển trên Trái đất.

Tại Việt Nam, những năm qua, cũng ghi nhận nhiều vụ tràn dầu phải huy động nhiều nhân lực, tốn kém như: Bà Rịa - Vũng Tàu phải huy động gần 2.000 người thu gom 8 tấn dầu tràn; Quảng Trị thu gom gần 8 tấn dầu vón cục tại bờ biển; Long An xử lý khoảng 10.000 lít dầu loang ra trên mặt sông Vàm Cỏ…

Sự cố tràn dầu trên biển có nguy cơ xảy ra thảm họa môi trường

Việc xử lý kịp thời sự cố dầu tràn không chỉ giúp cho doanh nghiệp giảm được rất nhiều khó khăn, tốn kém về thời gian mà còn ngăn chặn được sự ô nhiễm nguồn nước cho cả khu vực. Do vậy, cách tốt nhất để hạn chế tác hại của hiện tượng này là xử lý sự cố ngay khi dầu từ các phương tiện chứa, vận chuyển, từ các công trình và các mỏ dầu thoát ra ngoài môi trường tự nhiên. Song, theo các chuyên gia, việc các chất phân tán dầu - một công cụ phổ biến được sử dụng sau sự cố tràn dầu nhưng chất này cũng rất độc hại và đe dọa tới tính mạng các sinh vật biển. Vì vậy, việc dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học đề xuất các chất phân tán được sử dụng ứng phó sự cố rất cần thiết.

Chất phân tán nào được đề xuất?

Theo Dự thảo Thông tư, chất phân tán chỉ được sử dụng để xử lý dầu tràn khi áp dụng các biện pháp khác để xử lý, thu hồi dầu tràn là không phù hợp

 Không được phép sử dụng chất phân tán trong khu vực ưu tiên bảo vệ, vùng nước biển ven bờ có độ sâu dưới 20m, khu vực biển cách bờ dưới 1 hải lý hoặc trong vịnh, đầm phá; khu vực có độ nhạy cảm cao như quy định trong Bản đồ nhạy cảm môi trường do dầu tràn. Chỉ được phép sử dụng các chất phân tán trong Phụ lục 1 của Thông tư này để ứng phó sự cố tràn dầu trên biển Việt Nam. Theo phụ lục này, các chuyên gia, các nhà khoa học đã đề xuất 5 loại chất phân tán khác nhau kèm theo phân tích về tính chất lý, hóa và độ an toàn của các chất này.

Riêng đối với các loại chất phân tán mới không nằm trong danh mục đã được Bộ TN&MT phê duyệt, khi sử dụng trên biển Việt Nam cần phải được Bộ TN&MT cấp phép, quy định cấp phép đối với các loại chất phân tán mới được quy định cụ thể.

Các loại chất phân tán sử dụng trong các hoạt động hợp tác quốc tế ứng phó sự cố tràn dầu phải nằm trong Phụ lục 1 của Thông tư này hoặc thuộc danh mục chất phân tán quy định trong thỏa thuận hoạt động hợp tác quốc tế. Chất phân tán chỉ được sử dụng trong giai đoạn đầu của sự cố tràn dầu tức trong vòng 72 giờ kể từ khi dầu tràn. Không sử dụng chất phân tán khi phần lớn dầu tràn đã bị phong hóa hoặc phân tán tự nhiên.

Hàng năm, trên thế giới, có khoảng 3,5 triệu tấn dầu từ tất cả các nguồn đã bị đổ xuống biển. Trong đó, 400.000 tấn là do tai nạn trên biển. 700.000 tấn do thao tác từ các tàu chở dầu; 300.000 tấn do đổ tháo nước dằn có lẫn dầu và 50.000 tấn do thao tác đưa tàu lên đà sửa chữa.

Không sử dụng chất phân tán khi loại dầu tràn là xăng, Diesel, dầu hỏa hoặc một số sản phẩm dầu nhẹ khác vì các loại dầu này có thể tự phân tán do bốc hơi hoặc phân tán tự nhiên. Mặt khác, việc sử dụng chất phân tán chỉ áp dụng khi dầu tràn có độ nhớt nằm trong giới hạn cho phép: Độ nhớt của dầu tràn nhỏ hơn hoặc bằng 5.000 cSt: được phép sử dụng chất phân tán để xử lý dầu tràn;

 Độ nhớt của dầu tràn nằm trong giới hạn từ 5.000 cSt tới 10.000 cSt: không chắc chắn về kết quả khi sử dụng chất phân tán, vì vậy, cần phải sử dụng các thiết bị, dụng cụ chuyên dụng để kiểm tra hiệu quả phân tán trước khi xử lý trên diện rộng. Chỉ quyết định xử lý trên diện rộng khi hiệu quả phân tán dầu đạt trên 50 %. Còn khi độ nhớt của dầu tràn lớn hơn 10.000 cSt: không sử dụng chất phân tán để xử lý dầu tràn.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có nhu cầu sử dụng các loại chất phân tán mới không nằm trong danh mục các loại chất phân tán đã được Bộ TN&MT phê duyệt phải tự mình hoặc thuê tư vấn có đủ năng lực để lập Hồ sơ xin cấp phép sử dụng chất phân tán mới.

Minh Thư