Đầu tư tái tạo rạn san hô tại vùng biển Cô Tô
Biển đảo - Ngày đăng : 09:12, 07/05/2020
Theo báo cáo từ Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cho thấy, hệ sinh thái rạn san hô tại vùng biển Cô Tô đã mất đến 90% về độ phủ và phạm vi phân bố, nhiều rạn chết 100%, trở thành khu vực có mức độ và tốc độ suy thoái lớn nhất và nhanh nhất được ghi nhận ở vùng ven biển Việt Nam.
Hiện nay, thành phần loài san hô ở Cô Tô còn rất ít và đơn điệu, chỉ còn 25 loài, trong đó có 24 loài san hô cứng, 1 loài san hô mềm. Nguyên nhân chính là do các ngư dân đã khai thác cá quá mức, bằng các hình thức hủy diệt như chất nổ trong một thời gian dài. Trong khi đó, các rạn san hô là nơi trú ngụ, ẩn nấp, sinh sản và phát triển của nhiều loài hải sản phát triển theo chuỗi mắt xích thức ăn tự nhiên.
Thả các kiện kết cấu bê tông tạo nền móng tái tạo các rạn san hô nhân tạo tại vùng biển thuộc xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô |
Vì vậy, việc tái tạo lại các rạn san hô tại vùng biển Cô Tô là hết sức cần thiết. Bởi các rạn nhân tạo như một ngôi nhà dưới đáy biển cho nhiều loài thủy hải sản đến sinh sống bằng những vật thể tự nhiên hoặc do con người tạo ra nhằm thay đổi điều kiện vật lý, hải dương, tạo nơi dưỡng cư tập trung cá và tạo giá thể để khôi phục san hô.
Bên cạnh đó, rạn nhân tạo không chỉ giúp tăng cường khả năng khai thác nguồn lợi, tăng năng xuất sinh học, tăng cường khả năng khai thác nguồn lợi thay thế các rạn san hô bị phá hủy… mà còn giúp các cơ quan quản lý nhà nước ngăn ngừa và hạn chế các phương tiện đánh bắt gần bờ làm phá hoại hệ sinh thái như lưới rê, lưới kéo...
Được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án, Sở NN&PTNT đã phối hợp cùng với Viện Nghiên cứu tài nguyên và môi trường biển, huyện Cô Tô đã thống nhất lựa chọn 3 địa điểm để thiết lập rạn nhân tạo tại đảo Cô Tô con và đảo Hòn Khói, tại xã Đồng Tiến. Mỗi khu vực có diện tích 2.900m2, gồm 300m2 rạn nhân tạo kết hợp trồng phục hồi san hô và 2.600m2 rạn nhân tạo kết hợp chà nổi.
Cầu cảng neo đậu tàu thuyền tại huyện đảo Cô Tô |
Ngay sau khi thống nhất địa điểm thiết lập, Sở NN&PTNT đã cùng với các nhà khoa học tiến hành các hoạt động, như: Điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường nước, trầm tích và hiện trạng đa dạng sinh học; lựa chọn các loài san hô phù hợp và cho nhân giống vô tính san hô; di dời nguồn giống san hô đến khu vực thiết lập rạn nhân tạo để thực hiện việc ươm nuôi giống san hô cho đến kích thước thích hợp; sản xuất các khối bê tông theo thiết kế và vận chuyển ra các vị trí được lựa chọn.
Đồng thời, xây dựng bản đồ các khu vực thiết lập rạn nhân tạo phục vụ công tác quản lý với tỷ lệ 1:25.000; soạn thảo quy chế quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tại các rạn nhân tạo; thiết lập hệ thống phao tiêu báo hiệu khu vực rạn nhân tạo; thành lập tổ quản lý, bảo vệ phù hợp với quy chế đã xây dựng và tiến hành tuần tra, bảo vệ thường xuyên...
Sau một thời gian triển khai dự án, đến nay, đã hoàn thành 510 giá thể bê tông các loại và tổ chức thả các khối bê tông tại 3 địa điểm được lựa chọn. Ngay sau khi thả các khối bê tông, các đơn vị đã tiến hành thiết lập rạn nhân tạo và ươm giống.
Hiện giống ươm phát triển rất tốt, tỷ lệ sống đạt trên 80%. Đồng thời, các đơn vị tiến hành cấy san hô, triển khai nội dung quản lý và quan trắc định kỳ rạn nhân tạo. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020, khi dự án hoàn thành với gần 9.000 rạn san hô nhân tạo được thiết lập sẽ tạo dựng nền móng cho san hô phát triển, góp phần khôi phục lại sự đa dạng sinh học cho vùng biển huyện đảo Cô Tô. Qua đó, góp phần tăng thêm thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương, cũng như góp phần giữ gìn môi trường biển cho vùng biển Cô Tô.