Tháo dỡ xe tăng, máy bay “hiếm” trong Kinh thành Huế

Văn hóa - Ngày đăng : 14:06, 05/05/2020

(TN&MT) - Các máy bay, xe tăng quý hiếm đang được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế (khuôn viên di tích Quốc Tử Giám) đang được tháo dở để đưa về địa điểm mới.

Tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế hiện tại, ngoài hiện vật trong nhà còn có các hiện vật trưng bày ngoài trời gồm 7 chiếc xe tăng, 4 khẩu pháo, 4 máy bay và một số khẩu thần công được chế tác thời nhà Nguyễn

Đây là những loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất lúc bấy giờ được Mỹ sử dụng trên chiến trường Việt Nam

Tuy nhiên, do để ngoài trời lại không có mái che hàng chục năm qua nên một số hiện vật này đã xuống cấp trầm trọng

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất vị trí xây dựng bảo tàng mới tại 268 Điện Biên Phủ (phường Trường An, TP. Huế), nơi một đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh đang đứng chân

Những ngày này, hàng chục chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đang tháo dỡ các bộ phận cồng kềnh của xe tăng, máy bay... 

Việc tháo dỡ được thực hiện một cách chi tiết, cẩn trọng cùng với các phương tiện kỹ thuật hiện đại hỗ trợ

Tùy theo kích cỡ và quá trình vận chuyển sao cho thuận lợi, việc tháo dỡ sẽ được tính toán một cách kỹ lưỡng. Trong đó, ưu tiên tháo dỡ các loại cánh máy bay và một số bộ phận khác của máy bay, để quá trình đưa lên xe di chuyển về địa chỉ mới đảm bảo an toàn

Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, tùy tình hình, một khi việc tháo dỡ hoàn thành sẽ di chuyển về nơi mới. Thời gian di chuyển sẽ được tính toán nhằm tránh ảnh hưởng việc đi lại của người dân

Trước đó, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đến Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế để kiểm tra, qua đó đã chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm hoàn thành di dời các hiện vật ngoài trời gồm xe tăng, máy bay, các loại pháo đến địa điểm mới trước ngày 19/5

Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc đầu tư, nâng cấp bảo tàng về nơi mới với mục tiêu hình thành thiết chế văn hóa phù hợp, thuận lợi cho nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân, tạo thêm sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện bảo tàng đang xây dựng hai giai đoạn để trình Sở Văn hóa - Thể thao. Cụ thể, giai đoạn 1 tháo những bộ phận cồng kềnh để di chuyển đến địa điểm mới. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng một số cơ sở thiết yếu để trưng bày hiện vật, phương án bảo quản và đưa vào trưng bày

Như vậy, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế sắp kết thúc 44 năm “ăn nhờ ở đậu” trong Quốc Tử Giám

Văn Dinh