Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi sắp trình Chính phủ bổ sung nhiều điểm mới

Xã hội - Ngày đăng : 12:37, 05/05/2020

(TN&MT) - Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi chuẩn bị trình Chính phủ sẽ có nhiều điểm mới rất đáng chú ý so với năm 2008. Đáng chú ý là việc bổ sung các hành vi cấm để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện, quay đầu, lùi xe trên đường cao tốc…

Cần thiết Sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008

Thông tin về dự án sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, qua 12 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ, góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, đảm bảo ATGT, góp phần quan trọng trong việc phát triển giao thông vận tải và kinh tế - xã hội đất nước.

Đặc biệt, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã góp phần giảm sâu số người chết do tai nạn giao thông. Số người chết do tai nạn giao thông giảm từ trên 15.000 người xuống còn dưới 8000 người hiện nay. Sau thời gian thực hiện Luật, hạ tầng giao thông có sự phát triển vượt bậc, từ vị trí 79 vươn lên đứng thứ 28 thế giới.

Sau thời gian thực hiện Luật giao thông đường bộ năm 2008, hạ tầng giao thông có sự phát triển vượt bậc. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai vào thực tiễn, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 xuất hiện một số tồn tại, bất cập phát sinh cần được sửa đổi, bổ sung như: Về tỉ lệ % diện tích đất dành cho đường bộ chưa đảm bảo; hạn chế về hạ tầng giao thông thông minh khiến cho việc xử phạt không minh bạch; phương tiện cá nhân phát triển nhanh với nhiều loại hình công nghệ tiên tiến; hệ thống quốc lộ, đường nông thôn, đường cao tốc phát triển mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải, tính kết nối và sự đồng bộ; vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân;

Mặc dù, tai nạn giao thông đường bộ giảm liên tục trong các năm qua, nhưng kết quả của việc hạn chế và giảm tai nạn giao thông chưa bền vững, số người bị chết, bị thương vẫn ở mức cao và còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng. Trong đó, số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ vẫn thường xuyên xảy ra

Do vậy, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố, cùng với thực tiễn công tác quản lý, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 12/2019, Bộ Giao thông vận tải xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008 với mục tiêu giải quyết những bất cập trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Dự thảo Luật mới tăng thêm 52 điều

Theo Tổng cục Đường bộ, Việt Nam đã tham gia công ước Viên, nên những quy định trong công ước cần được đưa vào sửa Luật để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Một số điểm mới đáng chú ý được sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật như: khái niệm phương tiện giao thông thông minh, giao thông công cộng. Các hành vi bị nghiêm cấm đã sửa đổi, bổ sung các hành vi cấm để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện, quay đầu, lùi xe trên đường cao tốc.

Bên cạnh đó, sau thời gian thực hiện Luật, hạ tầng phát triển lớn về quy mô, khi thực hiện Luật chưa có km đường cao tốc nào, đến nay đã có hơn 1000 km. Bên cạnh đó, việc xử phạt nguội qua camera; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong vận tải cũng cần được sửa đổi để quản lý.

Tầm nhìn trong sửa Luật lần này là 15-20 năm, các loại hình phương tiện thay đổi, dự báo cho phát triển các loại xe công nghệ hiện đại trong tương lai ví dụ như: ô tô bay cũng được tiếp thu chỉnh sửa trong Luật. Bên cạnh đó, các loại hình đường giao thông nông thôn khoảng 680.000 km sẽ được đưa vào quản lý. Vì vậy, dự thảo Luật mới đã nâng lên 150 điều thay vì 98 điều như trước đây, bao gồm rất nhiều quy tắc giao thông mới được bổ sung.

Mục tiêu của việc xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ, Dự thảo Luật xây dựng các quy định để đảm bảo công khai, minh bạch, phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện thúc đẩy giao thông đường bộ phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, an toàn, thuận tiện, nhanh chóng và thân thiện với môi trường.

Đơn cử như về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: Dự thảo bổ sung đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ, quy định về đường giao thông nông thôn để phù hợp với Chương trình quốc gia về xây dựng Nông thôn mới theo Nghị quyết 26, khóa X của Trung ương; thẩm quyền điều chỉnh các hệ thống đường bộ; điều chỉnh, bổ sung các nội dung nhằm xác định rõ phạm vi bảo vệ đất và quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để đồng bộ với quy định của Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, theo hướng quản lý và khai thác có hiệu quả tài nguyên đất…

Đồng thời, sửa đổi, làm rõ quy định về nguồn tài chính cho đầu tư, quản lý, bảo trì và khai thác đường bộ do Nhà nước đầu tư, trong đó phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách nhà nước gồm: phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký lưu hành, phí sử dụng đường bộ thu đối với phương tiện sử dụng đường bộ cao tốc có các đường song hành…

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được soạn thảo trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, bao gồm 6 nội dung: Quy tắc giao thông đường bộ; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gồm 150 điều dự kiến sẽ trình tại kỳ họp thứ 10, QH Khóa XIV.

Tuyết Chinh