Dai dẳng nghèo đói - môi trường
Xã hội - Ngày đăng : 12:33, 05/05/2020
Trong vòng luẩn quẩn
Nghèo đói có nhiều nguyên nhân, song cần nhấn mạnh, có một phần nguyên nhân quan trọng bởi sự cộng hưởng các nguy cơ rừng và tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm đất, biển và các dòng sông, không khí, khí hậu cực đoan gây khô hạn, nhiễm mặn và ngập lụt đang gia tăng. Biến đổi khí hậu cực đoan gây bão lụt, phá hủy nhà ở, đường sá, mất đất canh tác và thất bát mùa màng, trực tiếp làm giảm thu nhập của người dân.
Thực tế, môi trường và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ hết sức chặt chẽ với nhau. Môi trường bị ô nhiễm sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế bởi một phần đầu vào cho tăng trưởng kinh tế được lấy từ môi trường. Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ rõ, ô nhiễm môi trường tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% GDP hằng năm.
Trong 5 năm qua, nghèo đói luôn là mối quan ngại lớn nhất của người dân Việt Nam và năm 2019 cũng không là ngoại lệ. Lao động và việc làm tiếp tục nằm trong nhóm 4 vấn đề người dân quan ngại nhất từ năm 2015, bất chấp nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tạo ra nhiều việc làm mới.
Những quan ngại này có khả năng gia tăng trong những tháng tới khi có nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Kết quả PAPI cho thấy, công dân không có bảo hiểm xã hội nhìn nhận nghèo đói là vấn đề cấp bách. Thiếu chắc chắn về nguồn lực dự phòng trong tương lai dường như khiến người dân lo lắng hơn. Gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa có tiền lệ ước tính 2,6 tỷ đô la Mỹ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí dự kiến hỗ trợ khoảng trên 10% dân số sẽ giúp giải quyết một số vấn đề này.
Vấn đề môi trường tiếp tục là quan ngại lớn của người dân, đứng thứ ba trong năm 2019. Điều này hàm ý môi trường đã trở thành vấn đề nóng đối với người dân Việt Nam. Kết quả này nhấn mạnh tầm quan trọng của ưu tiên phản ứng chính sách đối với vấn đề chất lượng không khí và nguồn nước giảm sút. Ở hầu hết các tỉnh thành, người dân tham gia khảo sát phản ánh chất lượng không khí giữ nguyên hoặc giảm đi.
Người nghèo thường bị rơi vào vòng luẩn quẩn của nghèo đói và thảm họa môi trường. Họ chặt phá rừng bừa bãi, chăn thả gia súc gia cầm gây ô nhiễm trên các kênh rạch, đổ các chất phế thải chưa qua xử lý ra đồng ruộng…
Trong khi đó, đa số người nghèo lại chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với dịch vụ sản xuất như: Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, bảo vệ động, thực vật; nhiều yếu tố đầu tư vào sản xuất như: điện, nước, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón… đã làm tăng chi phí, giảm thu nhập tính trên đơn vị giá trị sản phẩm. Người nghèo cũng thiếu các khả năng tiếp cận các nguồn tín dụng, pháp luật và chưa được bảo vệ quyền lợi về môi trường.
Người nghèo thường bị luẩn quẩn của nghèo đói và thảm họa môi trường |
Đến những hệ lụy
Chất lượng môi trường có những biến đổi theo chiều hướng bất lợi đối với cuộc sống của con người, nhất là các người nghèo... kéo các xung đột, tranh chấp về môi trường.
Ở nhiều địa phương, xung đột môi trường tập trung chủ yếu ở việc đòi bồi thường thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi do ô nhiễm nguồn nước, trong đó, người gây hại thường là các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trực tiếp xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, còn người bị hại là các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư sống trong khu vực bị ô nhiễm.
Các phương án giải quyết loại vụ việc này thường là các bên thông qua chính quyền địa phương để thỏa thuận một mức bồi thường tượng trưng hoặc chuyển hóa thành một khoản tiền có tên gọi là tiền "hỗ trợ cải tạo môi trường". Tuy vậy, tiền không phải là tất cả khi sức khỏe, tính mạng người dân đang bị đe dọa bởi những yếu tố độc hại từ môi trường, thế nên có những vụ việc xung đột nhiều năm vẫn chưa có hồi kết.
Trong khi đó, không ít chính quyền nhiều địa phương còn "miễn cưỡng” xử phạt các công ty gây ô nhiễm. Chưa kể nhiều doanh nghiệp đều thấy rõ nộp tiền phạt sau khi gây ô nhiễm luôn rẻ hơn đầu tư vào hệ thống xử lý kiểm soát ô nhiễm, rủi ro bị đóng cửa do gây ô nhiễm cũng rất thấp. Đây cũng chính là kẽ hở, khiến không ít các doanh nghiệp “nhờn luật”.
Chưa kể, cơ chế hành chính đang tồn tại nghịch lý là xã không có chức năng giải quyết, gửi đơn thư lên huyện thì huyện không có trách nhiệm trả lời. Dân khiếu kiện vì bức xúc lại không có kiến thức chuyên môn, không được hỗ trợ pháp lý nên bức xúc càng lớn, có khuynh hướng họp nhau lại cùng đấu tranh, tạo sức ép với doanh nghiệp và cho rằng, phải kiện lên cấp cao nhất mới có kết quả. Người dân sau đó thường có các hành vi vi phạm như biểu tình, gây sức ép, phong tỏa hoạt động doanh nghiệp, phá hoại nhà máy, cây trồng, thả vật nuôi... Nếu việc thông tin được đảm bảo một cách kịp thời, các vấn đề được các cấp có thẩm quyền giải quyết một cách nhanh chóng, các thủ tục hành chính bớt rườm rà và có sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng với người dân, có thể các xung đột đã không xảy ra.
Các chuyên gia môi trường cho rằng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường vừa là nền tảng vừa là mục tiêu phát triển bền vững đất nước là yếu tố bảo đảm ổn định chính trị và an ninh quốc gia. Điều đó cho thấy, sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa đối với các vấn đề môi trường, như sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, quản lý nước, quản lý chất thải và định cư hợp lý liên quan đến các vấn đề phát triển. Thực hiện đánh giá tác động của môi trường đối với mọi dự án xóa đói giảm nghèo, thử nghiệm các phương án, chính sách để tăng thêm sự tham gia của khu vặc tư nhân trong các dự án sản xuất; đảm bảo tiếp cận lâu dài nguồn nước bằng cách tăng cường bảo vệ lưu vực đầu nguồn.
Đồng thời, khuyến khích áp dụng các công nghệ vào quy trình sản xuất ít chất thải, ít gây ô nhiễm. Sử dụng khí đốt sinh học ở các vùng nông thôn và phát triển năng lượng mặt trời, gió và các nguồn nhiệt năng khác. Sửa đổi các quy định bảo vệ tài nguyên, môi trường liên quan đến quá trình đầu tư để vừa đảm bảo quyền tự do đầu tư của công dân vừa bảo đảm không xuất hiện nguy cơ làm tổn hại đến tài nguyên, môi trường. Hỗ trợ các hoạt động môi trường dựa trên cộng đồng để tăng nhận thức và sự tham gia của người dân về bảo vệ môi trường…
Báo cáo PAPI 2019 được thực hiện dựa trên ý kiến chia sẻ của 14.138 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc trong năm 2019. Từ 2009 đến 2019, PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của 131.501 lượt người dân thông qua phỏng vấn trực tiếp.