Phú Thọ triển khai Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông

Khoáng sản - Ngày đăng : 12:30, 05/05/2020

(TN&MT) - UBND tỉnh Phú Thọ vừa ra công văn số 1673/UBND-KTN về việc triển khai Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Phú Thọ triển khai Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông trên địa bàn tỉnh

Công văn nêu rõ: Ngày 24/2/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Để triển khai, thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu: Các Sở, ngành, UBND huyện, thành phố, thị xã chủ động nghiên cứu, tổ chức thực hiện theo thẩm quyền, trách nhiệm đã quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ.

Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, UBND tỉnh yêu cầu Sở này: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi tại các khu vực giáp ranh với các tỉnh đã được UBND tỉnh Phú Thọ ký kết;

Đôn đốc các sở, ngành, UBND huyện, thành, thị thực hiện tốt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 431/QĐ-UBND ngày 27/02/2018; khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 299/QĐ-UBND ngày 02/02/2018;

Tổ chức thực hiện và đôn đốc các doanh nghiệp được cấp giấy phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông chấp hành nội dung Nghị định số 23/2020/NĐ-CP và các quy định pháp luật về khoáng sản;

Thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông; Báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường các dự án khai thác cát, sỏi lòng sông theo quy định của Luật Khoáng sản, của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác liên quan;

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan khoanh định khu vực cấm hoạt động khai thác, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, trình cấp thẩm quyền phê duyệt;

Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nội dung quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trong quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về khoáng sản.

UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu Sở Xây dựng tỉnh: Tổng hợp tình hình đầu tư khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông; cân đối cung cầu sử dụng tài nguyên cát, sỏi trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật trong việc sử dụng cát, sỏi lòng sông làm vật liệu xây dựng; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng vật liệu thay thế cát, sỏi lòng sông;

Thẩm định, kiểm tra việc chấp hành Thiết kế cơ sở, Thiết kế khai thác mỏ của dự án đầu tư khai thác cát, sỏi lòng sông;

Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nội dung quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trong quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về khoáng sản.

Theo công văn, UBND tỉnh Phú Thọ cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh: Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn nước trên các tuyến sông; tổ chức điều tra, đánh giá quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, xói lở lòng, bờ, bãi sông trên các tuyến sông trong tỉnh;

Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về công tác bảo vệ, phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, phạm vi bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi, đê điều theo thẩm quyền.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan xây dựng nội dung quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trong quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về khoáng sản và các quy định liên quan. Đồng thời, thẩm định chủ trương đầu tư các dự án khai thác cát, sỏi lòng sông đảm bảo đáp ứng các quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan liên quan, xây dựng quy hoạch hệ thống bến, bãi và cấp giấy phép bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông theo quy định tại Điều 10 - Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ.

Công an tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường tuần tra, kiểm tra, thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với hoạt động khai thác cát sỏi trái phép; vận chuyển, tập kết và kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn; đảm bảo an ninh, trật tự trên các tuyến sông trên địa bàn tỉnh.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ chủ trì, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Cảnh sát Môi trường kiểm tra, xử lý hoạt động vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trên sông không có nguồn gốc hợp pháp; chủ trì thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vận chuyển, kinh doanh cát sỏi trái phép trên bờ theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

Theo công văn, Cục Thuế tỉnh có nhiệm vụ: Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ kế toán đối với việc kinh doanh cát, sỏi lòng sông; phối hợp xác định khối lượng khai thác cát, sỏi của các tổ chức, cá nhân được cấp phép.

UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu UBND các huyện, thành, thị: Thực hiện Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 431/QĐ-UBND ngày 27/02/2018;

Lập và phê duyệt Kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn huyện; thực hiện quy chế phối hợp quản lý cát, sỏi lòng sông trên địa bàn mà UBND tỉnh Phú Thọ đã ký kết với các tỉnh giáp ranh;

Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) thực hiện các biện pháp bảo vệ cát, sỏi chưa khai thác; ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc nhận được báo tin xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật.

Công văn cho biết, UBND cấp xã chịu trách nhiệm: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản đến thôn, bản, xóm, khu dân cư; vận động nhân dân địa phương không khai thác, tập kết, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trái phép; không tự ý mua, bán, chuyển nhượng trái phép đất bãi nông nghiệp; phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, khai thác cát, sỏi trái phép;

Ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép ngay sau khi phát hiện; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông thực hiện đúng theo quy định của Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp. Đối với các Giấy phép được cấp trước ngày 10/4/2020 còn hiệu lực phải thực hiện theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ.

Mai Đan