Đà Nẵng: Trạm sản xuất bê tông nhựa nóng gây ô nhiễm “chây ì” di dời

Tiếng dân - Ngày đăng : 20:44, 04/05/2020

(TN&MT) - Mặc dù đã hết thời gian hoạt động hơn 2 năm qua, nhưng 2 trạm sản xuất bê-tông nhựa nóng tại thôn Hòa Khương Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng vẫn lén lút hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Nhiều lần cơ quan chức năng yêu cầu 2 công ty di dời 2 trạm bê-tông nóng nhưng vẫn chưa được thực hiện.

Thời gian gần đây, người dân thôn Hòa Khương Đông, xã Hòa Nhơn rất bức xúc vì trạm bê-tông nhựa nóng của Công ty TNHH MTV Phương Thiên Nguyên thường xuyên phát thải khói có mùi khét, khó chịu.  Ông L.V.D (một người dân trú thôn Hòa Khương Đông) cho biết, ống khói của trạm bê-tông nhựa nóng này thấp, tỏa ra khói rất nhiều và có mùi khét, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân.

“Trước đây báo chí vào cuộc, cơ quan chức năng xuống kiểm tra, doanh nghiệp này tạm thời không hoạt động. Lợi dụng dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua, trạm này lại tiếp tục xả khói gây ô nhiễm. Chúng tôi mong muốn chính quyền cần có biện pháp mạnh để di dời nhà máy này”.

Các trạm bê tông nhựa thường xuyên xả thải gây ô nhiễm

Theo người dân địa phương, năm 2016, UBND thành phố Đà Nẵng  ho phép Công ty TNHH MTV Phương Thiên Nguyên cùng Công ty TNHH Phước Thịnh Phát tồn tại công trình trạm sản xuất bê-tông nhựa nóng tại khu vực đường vào mỏ đá Hòa Nhơn để phục vụ thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và di dời vào năm 2017 sau khi dự án hoàn thành. Trong quá trình hoạt động, các trạm trộn này thải ra môi trường nhiều chất thải độc hại và gây bụi làm cho không khí tại khu vực dân cư sinh sống gần đó bị ô nhiễm nặng nề. 

Đáng nói là, sau khi hoàn thành dự án nói trên, 2 công ty không tháo dỡ, di dời 2 trạm bê-tông nhựa nóng mà kiến nghị thành phố cho phép gia hạn thời gian hoạt động. Mặc dù thành phố không cho phép gia hạn nhưng hai công ty này vẫn bất chấp, lén lút hoạt động xả khói gây ô nhiễm môi trường.

Theo UBND huyện Hòa Vang, trạm bê-tông nhựa nóng của Công ty TNHH MTV Phương Thiên Nguyên và một trạm bê-tông nhựa nóng khác của Công ty TNHH Phước Thịnh Phát ở gần đó đang tồn tại và hoạt động trái phép.

DN Phương Thiên Nguyên nhiều lần yêu cầu phải di dời nhưng không thực hiện

Sau khi đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi hoàn thành, ngày 16/6/2018, UBND thành phố có Công văn số 4587/UBND-QLĐTh không thống nhất việc gian hạn 2 trạm sản xuất bê-tông nhựa nói trên và giao UBND huyện Hòa Vang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan làm việc, yêu cầu hai công ty phải di dời 2 trạm bê-tông nhựa nóng, không được hoạt động tại vị trí đường vào mỏ đá Hòa Nhơn nhưng hai công ty không thực hiện di dời.

Vào giữa tháng 12/2018, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã quyết định xử phạt Công ty TNHH MTV Phương Thiên Nguyên với số tiền 7 triệu đồng và Công ty TNHH Phước Thịnh Phát 14 triệu đồng vì tự chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; đồng thời, buộc khôi phục lại tình trạng đất trước khu vi phạm. Tuy nhiên, hai  công ty vẫn không chấp hành biện pháp khôi phục hậu quả theo yêu cầu của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tiếp tục, vào tháng 7/2019, UBND huyện Hòa Vang quyết định xử phạt Công ty TNHH MTV Phương Thiên Nguyên 10 triệu đồng, vì tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép và phạt Công ty TNHH Phước Thịnh Phát 20 triệu đồng, vì tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và lấn đất rừng sản xuất.

Theo chính quyền huyện Hòa Vang việc di dời hai trạm bê tông nhựa gặp nhiều khó khăn

Đến tháng 9/2019, UBND huyện Hòa Vang tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế, buộc hai công ty phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong 15 ngày và tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu hai công ty phải tự tháo dỡ, di dời trạm bê-tông nhựa nóng, song đến nay, 2 công ty vẫn không chấp hành.

Giải thích việc chậm di dời hai trạm bê tông này, UBND huyện Hòa Vang cho biết, việc cưỡng chế tháo dỡ 2 trạm bê-tông nhựa vi phạm của hai công ty nói trên là rất phức tạp và chưa có tiền lệ. Mặt khác, các công trình xây dựng kiên cố và có kết cấu phức tạp như: trạm trộn bê-tông, các nhà xưởng, nhà làm việc… Ngoài ra, các hồ sơ, thủ tục về cưỡng chế cũng phức tạp và phải thuê đơn vị tư vấn lập phương án cưỡng chế để trình cấp có thẩm quyền trước khi thực hiện.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị huyện Hòa Vang cho biết đơn vị đang tham mưu cho UBND huyện Hòa Vang cưỡng chế tháo dỡ hai nhà máy trộn bê tông nhựa nóng không chịu di dời. 

“Hai công ty nói trên vi phạm và đã bị xử phạt hành chính. Hiện nay, đơn vị đang thuê tư vấn khái toán kinh phí để xây dựng kế hoạch cưỡng chế do quy mô 2 công trình vi phạm lớn”. - ông Hùng cho biết.

 

Lan Anh