Tăng cường thực thi pháp luật và đẩy mạnh truyền thông để bảo vệ động vật hoang dã

Môi trường - Ngày đăng : 23:43, 02/05/2020

(TN&MT) – Vì những nguồn lợi quá lớn từ việc buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) nên nhiều đối tượng đã bất chấp các quy định của pháp luật.

Chợ buôn bán động vật hoang dã tại Thạnh Hóa - Long An hoạt động công khai

Ngày 1/5, Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển  (Change) đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến về chủ đề “Chấm dứt buôn bán động vật hoang dã, trách nhiệm của Việt Nam” nhằm thảo luận các vấn đề xung quanh tình trạng tiêu thụ ĐVHD ở Việt Nam, và hướng tới các hoạt động, sáng kiến Việt Nam cần thực hiện, để vừa bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, vừa thể hiện quyết tâm trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Gần đây, 3 tổ chức bảo tồn quốc tế là WildAid, WCS, và Global Wildlife đã thành lập liên minh “Chấm dứt buôn bán động vật hoang dã" - ENDTHETRADE https://endthetrade.com/ để kêu gọi chấm dứt vĩnh viễn việc kinh doanh và buôn bán ĐVHD.

Liên minh này mong muốn thu thập hơn 1 triệu chữ ký ủng hộ Tuyên bố chấm dứt hoạt động thương mại và chấm dứt nạn buôn bán ĐVHD để gửi tới Chính phủ các quốc gia. Tuyên bố này đã được sự ủng hộ của hàng trăm tổ chức bảo tồn trên toàn cầu, cũng như các nhà khoa học, các nghệ sĩ nổi tiếng, các chính trị gia, và cả giới doanh nghiệp.

Thời gian qua, ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học ở nhiều quốc gia được tiến hành để khẳng định dịch Covid -19 bắt nguồn từ ĐVHD. Do đó, cộng đồng quốc tế đang nhìn nhận việc các chính phủ phải có các hành động nhanh chóng và quyết liệt để chấm dứt triệt để buôn bán ĐVHD là hành động cần thiết nhất trong việc phòng ngừa những cuộc khủng hoảng tương tự.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Change cho biết:  “Covid – 19 như một cái đòn đánh mạnh để răn đe, đồng thời cũng là cơ hội để cho cả cộng đồng, chính phủ, các nhà bảo tồn, các tổ chức hành động để cùng ngăn chặn triệt để các hành vi tiêu thụ ĐVHD. Vì vậy, cộng đồng thế giới đang kêu gọi chính phủ các nước đóng cửa các chợ ĐVHD, việc này là rất cần thiết và cần phải được thực thi ngay”.

Nhiều loại động vật hoang dã đã bị săn bắt và bán phục vụ nhu cầu ăn uống của một số người

Trong khi đó, ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách phát triển bền vững cho rằng, cần nhìn lại một vấn đề rằng nguồn lợi từ ĐVHD quá lớn, đến độ người ta bỏ qua các quy định, hàng rào pháp lý. Các quy định liên quan đến ĐVHD của Việt Nam khá chặt chẽ nhưng không hiểu tại sao tình trạng  buôn bán, tiêu thụ ĐVHD vẫn còn rất nhộn nhịp? Vẫn còn rất nhiều những trang trại nuôi nhốt ĐVHD được cấp phép để hoạt động?.

Cũng theo ông Bách, hiện nay, các bộ ngành có liên quan đang hoàn tất quá trình hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật sẽ mang tính “bước ngoặt” trong bảo vệ ĐVHD tại Việt Nam.

Ông Mai Phan Lợi, Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng cho rằng: Bên cạnh việc tăng cường thực thi pháp luật, hoàn thiện khung pháp lý về nghiêm cấm các hành vi buôn bán, tiêu thụ ĐVHD, việc tăng cường các can thiệp mềm bằng truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng là việc rất quan trọng.

Để phát huy sức mạnh truyền thông, theo bà Hoàng Thị Minh Hồng, chúng ta cần dùng nhiều cách khác nhau để lan tỏa những thông điệp đến những nhóm đối tượng khác nhau: báo chính thống, làm việc với người nổi tiếng, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài,..

Cũng theo bà Hoàng Thị Minh Hồng, việc tích cực tham gia sáng kiến “End The Trade", vận động 1 triệu chữ ký trên toàn thế giới để nhằm kêu gọi đóng cửa các thị trường mua bán ĐVHD. Sáng kiến này cũng đưa ra những đề xuất như hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng bị ảnh hưởng, sống dựa bởi nguồn rừng. Đây là một sáng kiến rất có tính thực tế, hy vọng Việt Nam sẽ đón nhận và ủng hộ. 

Nguyễn Quỳnh