Du lịch Đà Nẵng “trắng tay” mùa cao điểm dịp lễ 30/4, 1/5

Xã hội - Ngày đăng : 10:18, 30/04/2020

(TN&MT) - Dù dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 được coi là cú hích lớn cho ngành du lịch hồi phục trở lại, tuy nhiên, vấn đề là đến thời điểm hiện tại có rất ít booking được xác nhận. Năm nay, du lịch Đà Nẵng gần như “trắng tay” với dịp lễ 30/4, 1/5.

Khách sạn, khu vui chơi mở cửa nhưng rất ít booking

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5, tổng lượng khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng ước đạt 5.800 lượt, giảm 98,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế ước đạt 650 lượt (là khách lưu trú trước thời điểm 28/3/2020), giảm 99,5%, khách nội địa ước đạt 5.150 lượt, giảm 98% so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù đến thời điểm hiện tại các khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã được cho phép mở cửa hoạt động trở lại, tuy nhiên vẫn rơi vào tình trạng “im lìm”.

Nhiều khách sạn, khu vui chơi đã mở cửa trở lại nhưng lượng khách rất ít

Ông Nguyễn Minh, Tổng Thư ký Hội khách sạn Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có gần 100 cơ sở lưu trú từ 3 sao đến 5 sao đã xúc tiến cho việc đón khách dịp lễ 30/4, 1/5 với các chương trình khuyến mại. Tuy nhiên, lượng đặt phòng, đặt dịch vụ (booking) được xác nhận rất thấp.

Các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng vẫn chưa hoạt động trở lại, các đường bay nội địa chỉ hoạt động với tần suất thấp. Bên cạnh đó, sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, người dân có xu hướng tham quan, nghỉ dưỡng ở những nơi đảm bảo an toàn, do đó vẫn chưa có kế hoạch đi tham quan, du lịch ở những địa điểm xa hơn trong dịp lễ như những năm trước đây. Đến nay, chỉ lác đác một vài khách sạn có nhận được booking online qua agoda, chudu24.com, booking.com, ivivu.com, traveloka.com…., hầu như không có booking trực tiếp.

“Hầu hết rất khó khăn, nếu có đón khách thì đón khách online, khách qua mạng, còn hiện nay khách đoàn không có. Đặc biệt là 2 thị phần lớn gồm Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), và châu Âu đều là tâm dịch của thế giới, hiện tình hình dịch bệnh ở các thị trường này cơ bản được khống chế tạm ổn, nhưng việc khách du lịch trở lại thì còn phải một thời gian”, ông Minh nói

Ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, Sở Du lịch tham mưu Thành phố theo hướng cho phép mở lại các khu, điểm du lịch trên địa bàn nhưng phải đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch Covid-19. Hiện nay yếu tố an toàn, phòng chống dịch Covid-19 là trên hết, nên các đơn vị khi triển khai là phải đảm bảo các điều kiện an toàn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Đà Nẵng đang triển khai nhiều gói kích cầu du lịch nhưng chưa chú trọng quá vào doanh số hay lợi nhuận cao

Bà Phan Thị Thanh – Giám đốc khách sạn Sam Grand - cho rằng, du lịch là đơn vị “đứng mũi chịu sào” đầu tiên khi Covid – 19 xuất hiện nhưng cũng là đơn vị về cuối cùng trong khắc phục và hoạt động trở lại. Ở thời điểm hiện tại, công ty vẫn mở cửa toàn bộ hệ thống khách sạn quản lý trên địa bàn thành phố nhưng hầu như không có booking. Hầu hết các khách sạn đều chấp nhận chịu lỗ và hi vọng dịch sẽ sớm được khống chế ở các thị trường khách trọng điểm để du khách quay lại Đà Nẵng.

“Cá nhân tôi cho rằng, để nối tuyến lại các đường bay, tâm lý khách an tâm và quay trở lại thì phải đến quý III tình hình mới khả quan hơn, và có thể phải hết quý III, sang đầu quý IV/2020 thì tình hình mới trở lại tương đối”, bà Thanh nhận định.

Cơ hội nâng cao chất lượng điểm đến

Theo đại diện Khu du lịch Núi Thần Tài (đóng tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), để mở cửa hoạt động trở lại, đơn vị cần thời gian chuẩn bị các phương án đảm bảo điều kiện an toàn cho du khách trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.

“Du khách sẽ bất ngờ với một Núi Thần Tài khác biệt, hấp dẫn hơn sau thời gian đóng cửa phòng chống dịch Covi-19, giá vé chúng tôi vẫn không thay đổi. Chúng tôi đang tích cực triển khai các phương án sẵn sàng đón đón du khách đến với Núi Thần Tài sau khi thành phố cho phép được hoạt động trở lại”, vị đại diện Khu du lịch Núi Thần Tài chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh - Tổng Thư ký Hội Khách sạn Đà Nẵng cũng nhận định, trước tình hình thực tế không mấy khả quan, nhiều chủ đầu tư các khách sạn đã tự đưa khách sạn vào tình trạng bảo trì cơ sở vật chất, có thể chấp nhận lỗ để giữ quân (giữ lao động), đảm bảo an toàn cho khách, uy tín cho khách sạn. Đòi hỏi cho có doanh số trong mùa cao điểm 30/4, 1/5 năm nay thì chắc chắn không được. Nhân dịp này, các đơn vị lữ hành, khách sạn, điểm đến đào tạo, huấn luyện lại nhân viên, cơ sở vật chất để sẵn sàng bước sang mùa kinh doanh du lịch sau khi dịch kết thúc.

Theo ông Minh, việc khôi phục lại hoạt động du lịch còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Thứ nhất, thị trường du lịch hiện nay ảnh hưởng rất lớn bởi hoạt động vận chuyển. Việt Nam còn tùy theo tình hình dịch bệnh mới có thể nối tuyến trở lại. Thị trường khách chính của Đà Nẵng vẫn là Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ.

Để khôi phục thị trường khách du lịch còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Bên cạnh đó, có thể Việt Nam khắc phục, hoàn thành mục tiêu đẩy lùi dịch Covid – 19, mở cửa lại các dịch vụ du lịch, giải trí, nhưng đó mới là 1 yếu tố - nguồn cung. Còn nguồn cầu là lượng khách du lịch thì khách du lịch trong nước cũng còn tâm lý e dè sau dịch bệnh. Còn đối với khách quốc tế thì tại các quốc gia là thị trường khách du lịch chính của Đà Nẵng chưa giải quyết được vấn đề dịch bệnh thì khó có khả năng năng khách quay lại trong thời điểm hiện tại.

Ông Minh cho biết, để sẵn sàng thu hút khách trở lại, Sở Du lịch đã đưa ra các chủ trương lớn như chuẩn bị các chương trình kích cầu, tìm sản phẩm mới, xúc tiến tại các thị trường tiềm năng, liên kết du lịch theo vùng miền…. Hiện đã có gần 100 khách sạn 3 sao đến 5 sao đều có các chính sách khuyến mại kích cầu từ vận chuyển, phục vụ, phương trú, đến các dịch vụ tại khách sạn đều đã có đăng ký giảm giá với Sở Du lịch.

“Mục tiêu của kích cầu là để du khách có sự an tâm khi đến du lịch tại TP. Đà Nẵng, chưa chú trọng quá vào doanh số hay lợi nhuận cao. Kích cầu này bảo đảm cho các đơn vị vận hành trở lại’, ông Minh cho hay.

 

Lan Anh