45 năm dân tộc nở hoa
Xã hội - Ngày đăng : 08:31, 30/04/2020
Chính trị ổn định, kinh tế phát triển, bệnh dịch đẩy lùi
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của thế kỷ 20 là một bước ngoặt lớn trong lịch sử chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Đó là mùa xuân lần tiên người dân Việt Nam được sống trong hòa bình thực sự không tiếng đạn bom; ba miền Bắc, Trung, Nam không còn chia cắt. Kể từ mùa Xuân ấy, Việt Nam bước lên vũ đài chính trị - một vũ đài chính trị ổn định dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, người dân làm chủ, Chính phủ điều hành, Nhà nước quản lý kinh tế xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa - con đường Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Tự hào người lính Bác Hồ |
Sau ngày đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Việt Nam bước vào thời kỳ mới kiêu hùng vinh quang nhất của thời đại, nhưng cũng đầy cam go thách thức. Kiêu hùng bởi chưa một dân tộc nào trên thế giới lại đánh đổ Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ - hai đất nước hung hãn và mạnh nhất thời đại. Cam go thử thách, bởi đất nước vừa chấm dứt chiến tranh, tàn dư cuộc chiến được ví như những “đống đổ nát” trên những bãi bom mìn còn sót lại khắp chiều dài Tổ quốc. Trong đó, khó khăn lớn nhất nền kinh tế sau năm 1975 là “kệt quệ, lạc hậu, đói nghèo”. Làm thế nào để xây dựng nền kinh tế sau chiến tranh, tạo kế sinh nhai cho nhân dân trên những vùng, miền đất chi chít đạn bom chưa nổ nằm sâu trong lòng đất? Trong khi đó, các thế lực thù địch chống phá Cách mạng vẫn tiếp tục lôi kéo dụ dỗ, bọn phản loạn cách mạng ẩn nấp mưu đồ lật đổ chính quyền…
Để vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa vực dậy nền kinh tế tàn dư hậu chiến, Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng diễn ra từ ngày 14 - 20/12/1976 tại Hà Nội với 1.550 đại biểu đã đưa vấn đề: “Ổn định chính trị, phát triển kinh tế thời hậu chiến” đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển đất nước. Từ thực tiễn “hậu họa chiến tranh” của đất nước lúc đó, Đảng ta xác định rõ hơn mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội là đích đến “dĩ bất biến”. Về phát triển kinh tế lúc đó không thể “thị trường hóa” mà phải thực hiện nền kinh tế “hợp tác xã”. Đây là hình thức phát triển kinh tế tập trung để huy động sức lực tập thể toàn dân, vừa bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng đã đạt được, vừa kiến thiết nước nhà. Cũng chính từ mô hình “kinh tế tập thể” ấy, hàng ngàn công trình xí nghiệp, hầm mỏ, cầu cống, nhà xưởng trên mọi miền cả nước được xây dựng. Nền kinh tế hậu chiến bắt đầu khởi sắc bằng mô hình “hợp tác xã” với tinh thần “mỗi người làm một bằng hai”, “thanh niên ba sẵn sàng”, “phụ nữ ba đảm đang”. Cả nước dấy lên phong trào thi đua yêu nước “đánh giặc đói, tiêu diệt giặc dốt” sau chiến tranh vệ quốc.
Cầu Chà và nối liền bán đảo Long Sơn với thành phố Vũng Tàu |
Năm 1986, Đại hội VI của Đảng đã “tháo gỡ” nền kinh tế “hợp tác xã”, “bình quân đầu người” sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, kinh tế Nhà nước giữ vai trò điều tiết chủ đạo. Với chiến lược “đổi mới kinh tế đi đôi với đổi mới chính trị”, Việt Nam bước sang một hành trình mới trên “con tàu kinh tế hợp tác xã” sau 15 năm vận hành. Cơ chế kinh tế “bình quân đầu người”, “ngăn sông cấm chợ” được bãi bỏ, thay vào đó là kinh tế toàn dân. Hàng nghìn công trình xí nghiệp được chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Hàng vạn nhà máy từ “bao cấp” chuyển sang “tự cấp tự túc”. Cơ chế kinh tế ở nông thôn “làm công chấm điểm, bình quân đầu người” được bãi bỏ hoàn toàn. Nhà nhà làm kinh tế, người người thi đua làm giàu từ bàn tay và khối óc sáng tạo.
Sau 34 năm đổi mới kể từ Đại hội VI của Đảng, Việt Nam đã trở thành một đất nước có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững trong khu vực và toàn cầu. Những “nấc thang” xuất khẩu xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, kim ngạch không ngừng tăng lên, tỉ lệ đói nghèo giảm từng năm, đời sống nhân dân ngày càng no ấm, bản sắc văn hóa được gìn giữ, thể chế chính trị vững bền…là kết quả của ánh sáng lãnh đạo từ Đại hội VI của Đảng.
Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam trở thành một đất nước ổn định về chính trị, kinh tế phát triển bền vững, là điểm đến hòa bình của bầu bạn khắp năm châu; mà vì Việt Nam có sự lãnh đạo sáng suốt thao lược của Đảng, có tinh thần yêu nước đoàn kết của cả dân tộc, có sự điều hành vững chắc của Chính phủ. Để rồi cho đến hôm nay, sau 45 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, Việt Nam đã sánh vai với các cường quốc trên thế giới, được thế giới mến mộ, khâm phục.
Niềm vui khúc lân khải hoàn ngày thống nhất |
Trong hành trình thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 45 năm qua, Việt Nam trải qua nhiều biến cố thăng trầm lịch sử. Đầu năm 2020, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở “gồng mình” chống “giặc Covid-19”.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các ban, ngành, đoàn thể; hơn 90 triệu người dân Việt Nam đồng lòng chung sức quyết tâm chống dịch Covid-19. Giữa tâm điểm của dịch bệnh, Việt Nam vẫn dang tay đón những người con xa quê hương làm ăn, sinh sống ở các vùng lãnh thổ, các nước có dịch trở về để cứu chữa với tinh thần nhân ái “không bỏ ai ở lại phía sau”. Đối với người nước ngoài ở Việt Nam hoặc người nước ngoài đi du lịch ở các tỉnh thành, Việt Nam đã chủ trương đón tiếp, khoanh vùng, cách ly, điều trị. Nhiều du khách nước ngoài sau 14 ngày cách ly khỏi bệnh, đã không kìm được nước mắt trước khi rời khỏi Việt Nam. Họ chia tay các bác sĩ, y tá trong bịn rịn, xúc động, không quên nói lời cảm ơn và hẹn ngày gặp lại. Thế mới hiểu trong hoạn nạn mới thấy đức hy sinh, giữa gian nguy mới thấy tình nhân loại.
Việt Nam là quốc gia hòa bình, ổn định chính trị bậc nhất thế giới. Ảnh: MH |
Đảng trong sạch, đẩy lùi tham nhũng
Lịch sử hành trình đấu tranh chống tham nhũng của nước ta chưa bao giờ sôi sục, mạnh mẽ, nghiêm minh và đồng thuận như lúc này. Có thể nói, từ sau ngày giải phóng đất nước năm 1975, lần đầu tiên Đảng ta, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã quyết định đưa những cán bộ cấp cao của Đảng đang giữ quyền cao chức trọng trong công an, quân đội và cả cán bộ đã về hưu vào “lò” vì phạm tội nghiêm trọng, tham nhũng, hoặc phạm pháp cấp quốc gia. Chỉ việc đó cũng đủ để nhân dân Việt Nam tôn kính và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, mà đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - nhân vật lịch sử của thế kỷ 21.
Niềm vui người lao động |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Chống tham nhũng không phải phong trào, không chùn bước mà lâu dài”, “Ai không làm thì dẹp một bên cho người khác làm”, “Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Đó không chỉ là tư tưởng chỉ đạo, mà còn là hành động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã, đang và sẽ được nhân dân Việt Nam đồng lòng ủng hộ, bầu bạn thế giới khâm phục. Đồng thời, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng không có “vùng cấm”. Và đó cũng niềm tin của nhân dân với Đảng.
Kỷ niệm 45 năm ngày Việt Nam thống nhất đất nước, cả dân tộc bừng lên khí thế mới - khí thế của niềm tin đất Việt ngày càng phồn thịnh. Chưa bao giờ Việt Nam lại đẹp đẽ như hôm nay, chưa lúc nào hơn 90 triệu trái tim của nhân dân cả nước đặt niềm tin vào Đảng như lúc này. Gần nửa thế kỷ, Việt Nam trải qua nhiều biến cố thăng trầm lịch sử, nhưng cũng ngần ấy thời gian dân tộc Việt Nam thực sự nở hoa.