Cứu hộ thành công chó rừng và sói đỏ thuộc động vật rừng quý hiếm

Xã hội - Ngày đăng : 11:18, 29/04/2020

(TN&MT) - Vườn quốc gia Cúc Phương phối hợp cùng Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) cứu hộ thành công 2 cá thể động vật hoang dã do người dân tự nguyện giao nộp gồm 1 cá thể Chó rừng (Canis aureus) và cá thể còn lại là Chó sói đỏ (Cuon alpinus). Đây là hai loài động vật thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP.

Cứu hộ thành công chó rừng

Ngay sau khi nhận được thông tin từ người dân địa phương mong muốn tự nguyện chuyển giao động vật hoang dã thuộc nhóm nguy cấp, nhóm cán bộ cứu hộ đã nhanh chóng di chuyển tới địa điểm nuôi nhốt để tiếp nhận 2 cá thể động vật hoang dã quý hiếm này về Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cúc Phương để điều trị thú y và chăm sóc.

Người tự nguyện giao nộp đã mua hai chú chó trên từ 2 người tự nhận là từ Nghệ An và Sơn La. Lúc đầu do không biết là động vật hoang dã nên người này đã bỏ tiền ra mua và khi phát hiện nó là loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo vệ, nếu tàng trữ thì sẽ vi phạm pháp luật, có thể đẫn đến tội phạm hình sự (theo Điều 244 và 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự), thì người này đã cố gắng liên hệ Trung tâm cứu hộ để chuyển giao. Tại hộ gia đình của người tự giao nộp này còn có khoảng 10 cá thể chó nhà đã được giải cứu từ các lò giết mổ và đang tìm chủ nhân mới cho chúng.

Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, các cá thể này được đưa về trung tâm cứu hộ để chữa trị và chăm sóc trước khi đánh giá xem liệu các cá thể này có đủ khả năng thả về tự nhiên hay không. Theo đánh giá ban đầu của nhóm bác sĩ thú y và cán bộ chăm sóc động vật của Trung tâm, tình trạng sức khỏe của 2 cá thể sau khi tiếp nhận như sau:

Chó rừng được người dân cho ăn cháo thịt hoặc gạo nấu, cơ thể gầy, có vết thương ở mắt trái, tình trạng căng thẳng, run rẩy, mất bản năng phòng vệ hoang dã, có biểu hiện gần con người.

Cứu hộ thành công sói đỏ

Sói đỏ được người dân cho ăn thịt lợn hoặc thịt gà sống, tình trạng con sói yếu, cơ thể gầy gò suy nhược, đi ngoài, mất nhiều nước, viêm da, có dấu hiệu sưng ở đầu do bị xích và bị kéo đi.

Sau thăm khám thì nhận thấy tình trạng sức khỏe hai cá thể này rất yếu, có nhiều vết lấy ven trên tay, có thể đã được đưa đi chữa trị tại các cơ sở thú y tư nhân.

Chó rừng lông vàng (Canis aureus, thuộc danh mục danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB (Nghị định 06/2019/NĐ-CP). Chó rừng lông vàng là một trong những loài thú hoang dã quý hiếm ở Việt Nam thường sống ở các khu rừng sâu, vùng ven nương rẫy, gần các trạng trại hay khu dân cư gần rừng.

Chúng có tập tính Sống đơn hay sống đôi, kiếm ăn đêm. Khác với loài Sói lửa, Chó rừng lông vàng khá bạo dạn, chúng có thể sống gần con người để kiếm ăn. Thức ăn của chúng là thú nhỏ, chim, bò sát, ếch nhái. Ở Việt Nam, Sói rừng là loài cực kỳ hiếm thấy từ trước đền nay, là nguồn gen tự nhiên quý.

Chó sói đỏ hay chó sói lửa, sói lửa, sói đỏ (Cuon alpinus) thuộc danh mục danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB (Nghị định 06/2019/NĐ-CP). Chúng đang gặp nguy hiểm và cần phải có được những chính sánh để bảo vệ. Đồng thời nếu không có chính sách hợp lý thì loài sói này có thể gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, vì đã từng có tình trạng những đàn sói lửa di chuyển vào khu dân cư ven rừng để ăn thịt gia súc chăn nuôi của người dân.

Nguyên nhân chủ yếu những con sói đã mất đi nguồn thức ăn ngoài môi trường tự nhiên gồm các loài thú như sóc, dúi, cầy, nai, hươi, lợn rừng, những loài đã bị con người săn bắt quá mức. Đây là một trong những minh chứng điển hình cho thấy sự săn bắt cạn kiệt đã làm mất cân bằng sinh thái, dẫn đến hậu quả là chính con người bị ảnh hưởng xấu từ hành động khai thác quá mức thiên nhiên của mình.

Theo ông Nguyễn Văn Thái, giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) thì các nghiên cứu bằng bẫy ảnh hoặc quan sát trong rừng ở Việt Nam rất ít khi chụp được hoặc bắt gặp các loài chó hoang dã trên.

Nguyên nhân của sự biến mất các loài chó hoang dã ở Việt Nam có thể do quá nhiều bẫy bắt săn bắn để bán làm thực phẩm hoặc thú cưng, và đặc biệt có thể do sự lây nhiễm bệnh tật từ các cá thể chó nhà được mang vào rừng để săn bắt. Vì thế để bảo tồn các loài chó hoang dã, cần tăng cường triệt phá các hoạt động săn bắt, đặc biệt xử phạt hành chính thật nghiêm với các hành vi mang chó vào rừng săn theo Nghị định 35/NĐ-CP/2019.

Ông Thái cũng nhấn mạnh thêm các Trạm kiểm lâm đóng tại địa bàn vùng lõi của các khu bảo tồn hoặc Vườn quốc gia không nên nuôi chó, mèo vì có thể truyền nhiều bệnh dịch cho các loài hoang dã.

Khi thấy những hành vi săn bắt và mua bán trái phép động vật hoang dã, người dân đừng mua lại, vì như vậy sẽ tiếp tay cho tội phạm động vật hoang dã, vì còn mua sẽ còn bán, còn cầu sẽ còn cung. Thay vào đó, hãy báo ngay cho các lực lượng chức năng xử lý (kiểm lâm, cảnh sát môi trường, quản lý thị trường, công an khu vực…) hoặc gọi về đường dây nóng của các đơn vị cứu hộ theo số: Trung tâm SVW 0978 331 441; Trung tâm ENV 18001522;

Hoàng Ngân