Thừa Thiên Huế: “Nóng” tình trạng tấn công, uy hiếp lực lượng bảo vệ rừng
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 06:04, 29/04/2020
Rừng phòng hộ thuộc khu vực phía Bắc đèo Hải Vân (huyện Phú Lộc) được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chuyển sang rừng đặc dụng từ năm 2019. Ở những cánh rừng bạt ngàn khu vực này hiện đang tồn tại nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD), trong đó có nhiều loài quý hiếm. Lực lượng bảo vệ rừng cũng từng phát hiện đàn voọc ngũ sắc (voọc chà vá chân nâu) với số lượng hơn 70 con về trú ngụ tại khu vực rừng bắc Hải Vân...
Chính vì sở hữu sự đa dạng sinh học nên nhiều năm qua, khu vực này trở thành nơi “mưu sinh” của các đối tượng chuyên săn bắt thú rừng. Thời gian qua, các lực lượng chức năng, người dân đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ săn bắt, buôn bán thú rừng như gấu, khỉ, gà lôi trắng, gà lôi hồng tía, sóc, chồn... xảy ra ở địa phương và các vùng lân cận. Cũng vì thế mà đã xảy ra nhiều vụ tấn công, uy hiếp các cán bộ bảo vệ rừng nơi đây.
Nghề bảo vệ rừng luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy |
Trưa 22/11/2019, ông Lê Thành cùng vợ là Trương Thị Vàng và con trai tên Lê Hưng (cùng trú tại tổ dân phố Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) xông đến Văn phòng Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Bắc Hải Vân gần đó, đe dọa anh Nguyễn Văn Lương, Đội Chuyên trách bảo vệ rừng của Ban.
Tại đây, ông Hưng đã dùng dao hăm dọa, rồi lấy gạch bê tông lát sân ném liên tiếp vào người anh Lương. Hậu quả, anh Lương bị thương tích nặng, phải cấp cứu tại bệnh viện. Nguyên nhân ban đầu được BQLRPH Bắc Hải Vân cho hay, trong quá trình thực hiện công tác bảo vệ rừng, anh Lương cùng lực lượng của đơn vị tuần tra truy quét, thu giữ nhiều tang vật là dây bẫy của các đối tượng vào rừng đặt bẫy bắt động vật rừng. Việc anh Lương bị nhóm người này hành hung xuất phát từ việc ông đã thu giữ bẫy bẫy động vật rừng của các đối tượng nói trên.
Mới đây vào ngày 17/3, Tổ tuần tra rừng của Ban phối hợp với kiểm lâm địa bàn tổ chức truy quét tại Bãi Ba Đa khoảnh 5, tiểu khu 252 rừng đặc dụng thị trấn Lăng Cô. Khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng đã nhanh chóng tẩu thoát nên lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ 22 cái bẫy kẹp ĐVHD đặt rải rác.
Nhận thấy số bẫy thú vẫn còn nhiều có thể chưa phát hiện, chưa tháo gỡ; ngày 18/3, Tổ tuần tra rừng tiếp tục truy quét. Trước khi vào khu vực truy quét, lực lượng bảo vệ rừng để lại 3 chiếc xe máy dưới các gốc cây tại 3 điểm khác nhau để tránh nắng. Trong khi đang truy tìm các đối tượng, 3 chiếc xe của lực lượng bảo vệ rừng đã bốc cháy ngùn ngụt...
Anh Lương bị các đối tượng tấn công nhập viện |
Anh Nguyễn Văn Lương cho hay, ngoài 2 lần bị hành hung, đốt xe thì quá trình tuần tra, ngăn chặn săn bắt ĐVHD; lực lượng của đơn vị đã không ít lần bị hăm dọa, thách thức.
“Công việc dù rất hiểm nguy nhưng anh em không vì thế chùn bước mà sẽ càng quyết liệt ngăn chặn hơn, không tiếp tay cho lâm tặc. Điều em lo lắng nhất là sợ kẻ xấu đe dọa vợ và con còn thơ dại. Vụ án tôi bị đánh gây tỷ lệ thương tích 25% sắp tới sẽ được đưa ra xét xử. Đối với vụ 3 xe máy của anh em bị đốt, tôi rất mong cơ quan chức năng sớm đưa đối tượng gây án ra ánh sáng để mọi người yên tâm giữ rừng...”, anh Lương bày tỏ.
Thượng tá Trần Đăng Điền - Phó Trưởng Công an huyện Phú Lộc cho biết, từ lời khai của các bị hại, bước đầu cơ quan có triệu tập một số nghi phạm đốt xe máy. Do vụ cháy nằm trong rừng sâu nên việc xác định đối tượng gây án vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Hiện, cơ quan công an đang sớm nỗ lực truy tìm đối tượng để xử lý hình sự.
Theo ông Trần Văn Lộc - Giám đốc BQLRPH Bắc Hải Vân, thời gian gần đây, tình trạng săn bắt ĐVHD ở khu vực núi bắc Hải Vân ngày càng diễn biến phức tạp. Các đối tượng sử dụng nhiều loại bẫy thú khá tinh vi, khó kiểm soát, phát hiện như bẫy thòng lọng, bẫy kẹp, bẫy hầm, bẫy đạp thòng, lưới giăng bẫy chim tự nhiên... Các đối tượng thường đặt nhiều loại bẫy cùng lúc, có thể bắt được nhiều loại thú rừng lớn, nhỏ dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng các loài ĐVHD, gây sụt giảm nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng.
Ba xe máy của lực lượng bảo vệ rừng bị đốt cháy vào tháng 3 vừa rồi |
Từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng BVR đã tổ chức hơn 25 đợt tuần tra truy quét tại các tiểu khu thuộc địa bàn 3 xã, thị trấn là Lăng Cô, Lộc Tiến và Lộc Thủy (huyện Phú Lộc). Qua đó, đã thu giữ hàng trăm tang vật liên quan đến việc săn bắt ĐVHD gồm hàng trăm sợi dây bẫy, hơn 60 bẫy kẹp, 3 chiếc cưa máy cùng một số tang vật liên quan. Điển hình, mới đây, cùng vị trí khoảnh 3, tiểu khu 234 và tiểu khu 237 của xã Lộc Thủy; lực lượng chức năng đã phát hiện cùng lúc trên 105 dây bẫy, máy cưa... của các đối tượng sử dụng để săn bắt ĐVHD.
“Chúng tôi mong cấp trên quan tâm hơn nữa đến công việc của anh em, bởi địa hình ở đây phức tạp, nguy hiểm luôn rình rập, các đối tượng ở đây cũng rất manh động, vì thế cũng cần trang bị nhiều dụng cụ tác nghiệp hiện đại hơn...”, ông Lộc chia sẻ.
Được biết, do công việc bảo vệ rừng quá hiểm nguy nhưng với mức thu nhập thấp (dao động khoảng từ 3 - 4 triệu đồng/người) nên không đủ trang trải cuộc sống, vì vậy cuối năm 2019, đã có 3 cán bộ bảo vệ rừng của BQLRPH Bắc Hải Vân nghỉ việc. Cách đó mấy tháng cũng có 2 bảo vệ rừng có đơn xin nghỉ việc.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban ngành kiểm tra, rà soát, xác định các vùng rừng trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại để có biện pháp phòng ngừa; tăng cường tổ chức lực lượng tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi phá rừng, săn bẫy thú rừng, không để sự việc tiếp diễn thành điểm nóng, nổi cộm.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các đồn biên phòng phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, chủ rừng triển khai các biện pháp, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; phối hợp điều tra kịp thời, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm và chống đối lực lượng thi hành công vụ theo quy định.