3.300 túi trữ nước ngọt được trao đến người dân Đồng bằng sông Cửu Long

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 16:28, 28/04/2020

(TN&MT) - Đợt hạn, mặn năm nay tại các tỉnh ĐBSCL đã để lại hậu quả nặng nề cho những người dân nơi đây. Tuy nhiên, tại thời điểm này, những túi chứa nước ngọt được trao đến tay nông dân như một chiếc phao cứu sinh "cứu sống" họ vượt qua giai đoạn "khủng hoảng" này.

Những chiếc phao cứu sinh cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long 

Hơn 30.000ha lúa, khoảng 80.000ha cây ăn trái bị ảnh hưởng và gần 96.000 hộ dân thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt... Đó là thực trạng xảy ra tại miền Tây Nam bộ trong đợt hạn, mặn năm 2020. Vốn mưu sinh chủ yếu bằng nghề trồng lúa và cây ăn trái, “cú đánh” của thiên nhiên khiến sinh hoạt thường nhật của người dân nơi đây trở nên khó khăn, chi phí đầu tư canh tác nhiều nhưng kết quả thu lại không là bao.

Ông Hồ Văn Khởi trước vườn trái cây tưới nước từ túi chứa được tặng. Ảnh: zingnews.vn

Để hỗ trợ người dân thích ứng bền vững trước hạn mặn, Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp Công ty CP Lavifood tài trợ hơn 3.330 túi trữ nước ngọt (dung tích 7m3/túi) cho người dân 8 tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh và Vĩnh Long. Đồng thời hướng dẫn kỹ thuật giúp nông dân 3 tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng và Vĩnh Long trồng mẫu 50ha lúa tím chịu mặn qua mô hình lúa - tôm, lúa - cá.

Như “nắng hạn gặp mưa rào”, những chiếc túi trở thành phao cứu sinh cho cuộc sống sinh hoạt cũng như diện tích cây trồng đang gồng mình gắng gượng chống lại hạn mặn khắc nghiệt.

Gia đình ông Hồ Văn Khởi (ngụ xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre)  - một trong số những gia đình đang hứng chịu những hậu quả của đợt hạn mặn để lại, trông chờ vào mảnh đất 6.000m2 trồng tắc. Thế nhưng từ đầu năm nay, tình trạng xâm nhập mặn kéo dài khiến vườn đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới. Ngay sau khi nhận được túi trữ nước ngọt, ánh mắt ông ánh lên niềm vui sướng. “Nhờ có túi trữ nước, tôi kết nối vào hệ thống tưới nhỏ giọt, vừa tiết kiệm vừa được liên tục”, ông Khởi hào hứng chia sẻ.

Đồng hành với nông dân Đồng bằng sông Cửu Long sống cùng hạn, mặn 

Theo ông Đinh Hùng Dũng - Phó Tổng Giám đốc Lavifood, đại diện hai doanh nghiệp tổ chức hoạt động, cho biết hơn ai hết chính người nông dân là mắt xích quan trọng trong chuỗi an ninh lương thực. Trong Covid-19 vừa qua càng chứng minh cho nhận định này khi hoạt động cung ứng lương thực - thực phẩm cho người dân là vấn đề cấp thiết hàng đầu, bên cạnh các hoạt động phòng chống dịch.

Bà Trương Huệ Vân - Chủ tịch Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam trao tài trợ cho Hội Nông dân tỉnh Bến Tre. Ảnh: zingnews.vn

"Chúng tôi thực hiện chương trình này vì cảm thấy cần phải tri ân người nông dân. Vì thực tế, dù còn nhiều khó khăn trong điều kiện trồng trọt, nhưng người nông dân vẫn kiên trì bám trụ, linh động với các giải pháp để vẫn có thể canh tác trên mảnh đất của chính mình, góp phần cung cấp nông sản cho thị trường", ông Hùng Dũng nhận định.

Nhận hàng nghìn túi chứa nước ngọt giữa hạn mặn kéo dài, những người nông dân không ngừng cảm ơn Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam và Lavifood. Món quà không chỉ mang giá trị vật chất, mà còn thể hiện sự tương thân tương ái, đoàn kết, chia sẻ của doanh nghiệp với nông dân khó khăn.

Túi được làm bằng nhiều lớp PEPP theo tiêu chuẩn ASTM (American Society for Testing and Materials - Hiệp hội Vật liệu và Thử nghiệm Mỹ), phía trên bố trí đầu van để kết nối ống bơm nước, phía dưới đặt một van xả để dẫn nước ra. Sản phẩm có thể thích nghi với nhiều vị trí đặt khác nhau như mặt đất, ao hồ với độ bền 8-10 năm, thích nghi với môi trường, không chỉ giúp duy trì sản xuất, mà còn hỗ trợ người dân trong sinh hoạt hàng ngày.

Trong khuôn khổ dự án, Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam và Lavifood còn hỗ trợ người dân triển khai 50ha mô hình trồng lúa tím kết hợp với nuôi cá hoặc tôm theo hướng hữu cơ tại Bến Tre (16ha), Vĩnh Long (17ha) và Sóc Trăng (17ha). Nhà tài trợ cho biết tiếp tục phối hợp với các viện nghiên cứu, trường học, chuyên gia… đưa ra quy trình cụ thể để nông dân sản xuất lúa tím hiệu quả. Những giải pháp khẩn cấp kết hợp tổng thể, dài hạn này sẽ góp phần giúp nông dân đi qua giai đoạn khó khăn, ứng phó với diễn biến bất thường có thể xảy ra.

 

PV