Đánh giá hiện trạng sạt lở để bảo vệ di sản trên Vịnh Hạ Long

Tài nguyên - Ngày đăng : 16:44, 27/04/2020

(TN&MT) - Vài năm trở lại đây, các hang động và đảo trên Vịnh Hạ Long có hiện tượng sụt lún, sạt lở, làm mất hoặc biến dạng kỳ quan thiên nhiên. Các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã thực hiện đề tài nghiên cứu đánh giá hiện trạng sạt lở tại khu vực này để làm cơ sở cho việc quản lý bảo tồn và khai thác hợp lý giá trị di sản.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở

Vịnh Hạ Long (bao gồm cả Vịnh Bái Tử Long) có 1.969 hòn đảo, riêng khu vực được UNESCO công nhận là di sản thế giới có 775 hòn đảo lớn nhỏ, bao gồm cả đảo đất và đảo đá vôi. Đảo đá ở trên Vịnh Hạ Long có lịch sử tiến hoá, cấu trúc địa chất lâu dài, phức tạp và thành phần đá đa dạng.

Theo báo cáo của Ban quan lý Vịnh Hạ Long, trượt lở đã xảy ra trong thời gian gần đây làm mất một phần, thậm chí toàn bộ một số đảo trên Vịnh. Năm 2013, hòn 649 nằm ở khu vực làng chài Cống Tàu xảy ra hiện tượng đổ lở. Đoàn công tác của Viện Địa chất và Khoáng sản đánh giá nguyên nhân là do hiện tượng tự nhiên, sự vận động kiến tạo địa chất trên Vịnh. Các yếu tố tự nhiên như mưa, bão, sóng, gió, sự ăn mòn là những tác nhân nhỏ. Đây cũng là hiện tượng đã từng xảy ra tại các đảo xung quanh và một số hòn đảo khác trên vịnh Hạ Long.

Năm 2016, hòn Thiên Nga tiếp tục bị trôi mất 1/3 phần đầu và phần cổ. Theo PGS. TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, cấu trúc địa hình của hòn Thiên Nga về địa chất gọi là dạng mái nhà lệch. Đá vôi ở khu vực này cấu tạo đơn nghiêng, đảo đá ứng với phần cổ và đầu thiên nga lại có dạng tháp rất chênh vênh nên chỉ cần có chấn động nhỏ, hoặc do thế năng tích luỹ đủ kết hợp mưa gió thì sự trượt sẽ xảy ra. Hiện tượng hòn đầu Thiên Nga bị trượt tự nhiên không dính dáng đến chuyển động kiến tạo hay đứt gẫy địa chất.

PGS. TS Trần Tân Văn nhận định, Vịnh Hạ Long có dạng địa hình cuesta. Đó là thế nằm đơn nghiêng của đá gốc rất hay gặp ở rìa Đông Bắc của quần đảo Cát Bà, tức là rìa Nam - Tây Nam Vịnh Hạ Long và trong phạm vi Vịnh Bái Tử Long. Ngay trong phạm vi khu vực di sản thế giới Vịnh Hạ Long cũng có 2 hòn đảo rất nổi tiếng với dạng địa hình đó là hòn Con Cóc và hòn Ti Tốp. Hòn  Con  Cóc  cũng  xếp nghiêng, nhưng ở thế vững chãi hơn. Còn hòn Ti Tốp tuy có những thớ đá nghiêng nhưng lại xếp thành dạng núi dưới to trên thu  nhỏ dần, thế vững vàng hơn so với hòn Con Cóc và hòn Thiên Nga.

Trượt lở đất đá làm mất một phần, thậm chí toàn bộ một số đảo trên Vịnh

Phân vùng nguy cơ trượt lở

Vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là, làm thế nào để bảo đảm tính toàn vẹn của các giá trị di sản mà cụ thể là hệ thống các đảo trong phạm vi Vịnh Hạ Long. Nhóm các nhà khoa học Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng sạt lở, đổ lở và xói lở bờ hệ thống đảo làm cơ sở cho việc quản lý bảo tồn và khai thác hợp lý giá trị di sản phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội khu vực vịnh Hạ Long và Bái Tử Long”.

Theo đó, tiến hành nghiên cứu phân vùng nguy cơ trượt lở ở khu vực Vịnh Hạ Long với mục đích làm cơ sở khoa học quan trọng giúp chính quyền các cấp xây dựng các quy hoạch, kế hoạch thích ứng và giảm nhẹ thiên tai cũng như chuẩn bị các biện pháp bảo vệ các đảo nơi đây.

Qua khảo sát thực địa, các nhà khoa học đã xác định tổng cộng được 456 điểm đã và đang có nguy cơ xảy ra trượt lở, trong đó 288 điểm trên các đảo đá hệ tầng Bắc Sơn, 168 điểm trên các đảo đá hệ tầng Cát Bà. Tiến hành chồng ghép bản đồ hiện trạng trượt lở lên các bản đồ thành phần đã được thành lập. Từ đó phân tích, đánh giá ảnh hưởng của từng yếu tố, phân chia thành các cấp độ phù hợp để phục vụ việc thành lập bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở hệ thống các đảo.

PGS. TS Trần Tân Văn, thành viên nhóm nghiên cứu đề tài cho rằng, các khu vực có nguy cơ trượt lở cao và rất cao cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoặc cắm biển cảnh báo, hạn chế người và các phương tiện qua lại, đặc biệt vào mùa mưa bão. Áp dụng một số phương pháp quan trắc đối với các khu vực đang có hoạt động du lịch đồng thời lại có nguy cơ trượt lở cao và rất cao như: quan trắc tốc độ ăn mòn chân đảo, quan trắc tốc độ dịch chuyển của hệ thống khe nứt, quan trắc cảnh báo trượt lở...

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai nghiên cứu chi tiết về trượt lở đối với các đảo trên khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Đặc biệt các đảo có dân cư sinh sống và đang được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lớn như đường sá, cầu cống, nhà cao tầng... như ở các đảo Cái Bầu, Quan Lạn, Cô Tô, Thanh Lân...

 

Phạm Thu Hà