Hiệu quả từ mô hình sinh kế mùa lũ cho người dân vùng Đồng Tháp Mười

Môi trường - Ngày đăng : 15:52, 27/04/2020

(TN&MT) - Các mô hình sinh kế của tiểu dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười” tạo điều kiện sản xuất, giúp nông dân lựa chọn được các loại hình sinh kế trong mùa lũ một cách thích hợp nhất, bảo đảm ổn định và an sinh xã hội trong mùa lũ.

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã đánh giá kết quả thực hiện tiểu dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười” các huyện phía Bắc tỉnh Đồng Tháp (ICRSL) năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Những mô hình kết hợp lúa và thuỷ sản

Theo Báo cáo của Ban Quản lý Tiểu dự án ICRSL, năm 2019, tiểu dự án triển khai thực hiện được 12 mô hình có tổng diện tích thực hiện là 113ha, với 4 loại hình sinh kế (mô hình 2 lúa – 1 cá; 2 lúa – 1 tôm; 2 lúa + 1 vịt – cá và mô hình 2 màu – 1 cá).

Tham gia mô hình, nông dân được tập huấn về quy trình sản xuất lúa, màu, nuôi thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm tác động biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường... Về hiệu quả kinh tế, nhìn chung phần lớn các mô hình sinh kế đều cho thu nhập cao hơn so với mô hình đối chứng bên ngoài từ 5 triệu - 44 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình sinh kế mùa lũ đang được thực hiện là khá phù hợp và hiệu quả. Ảnh minh họa

Ban Quản lý Tiểu dự án ICRSL đánh giá, hầu hết các ruộng thực hiện theo mô hình đều giảm được lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đa số nông dân tham dự tập huấn, hội thảo... đều đồng tình với các hoạt động sinh kế, nhằm giảm sản xuất lúa vụ 3, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Những nông dân được Dự án hỗ trợ thực hiện mô hình 02 lúa - 01 cá, khi chưa làm mô hình này, ruộng ngập nước chỉ bỏ không, chờ đến khi hết lũ thì bắt đầu sạ lúa. Quanh năm chỉ có trồng lúa. Giá lúa bây giờ cũng bấp bênh, nếu chỉ trông chờ vào cây lúa thì thu nhập cũng chẳng bao nhiêu. Chính vì vậy, mô hình sinh kế mới này vừa có nguồn lợi và phù hợp với điều kiện hiện nay.

Theo những hộ dân tham gia mô hình sinh kế 02 lúa - 01 cá, sau khi thu hoạch cá xong sẽ chuẩn bị cho vụ lúa mới. Ruộng lúa vừa được bồi đắp lớp phù sa, các loại sinh vật gây hại cũng được cá ăn bớt nên chi phí phân thuốc cũng sẽ giảm xuống, lúa làm ra cũng sạch hơn.

Đồng lòng thực hiện các hoạt động sinh kế thích ứng với khí hậu

Theo nhận định của ngành chức năng, trong điều kiện thời tiết có nhiều yếu tố bất thường như hiện nay, mô hình sinh kế mùa lũ đang được thực hiện là khá phù hợp và hiệu quả. Bởi mô hình dễ thực hiện, không tốn quá nhiều chi phí, đặc biệt tính rủi ro không cao.

Hiện nay, người dân ở các huyện đầu nguồn tham gia các mô hình sinh kế rất phấn khởi, tính hiệu quả cũng rất khả quan. Những mô hình này đã góp phần giảm diện tích sản xuất lúa vụ 3 của tỉnh vùng Đồng Tháp Mười.

Để tạo sinh kế mùa lũ cho bà con, nên tổ chức theo hình thức cộng đồng, từng khu lớn, chủ yếu nuôi nhữ cá tự nhiên là chính, rồi thả bổ sung một ít giống, nhằm tận dụng nguồn nước mùa lũ. Nếu lũ lớn thì cá phát triển tốt, còn lũ ít thì chúng ta vẫn có khả năng nuôi nhữ ở các kênh, mương trong đồng.

Ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tiếp nối những kết quả năm 2019, các mô hình trong năm 2020 cần được thực hiện bài bản và hiệu quả hơn. Các huyện cần xây dựng và chủ động phương án để triển khai mô hình tại địa phương một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục thực hiện 12 mô hình sinh kế đã triển khai năm 2019. Đồng thời đẩy mạnh công tác vận động, tạo sự đồng thuận hưởng ứng thực hiện các hoạt động sinh kế thích ứng với khí hậu, nâng cao thu nhập cho cộng đồng người dân vùng dự án.

Tuyết Chinh