Hải Phòng: Dùng trước, gửi công văn mượn máy xét nghiệm Covid-19 sau?

Xã hội - Ngày đăng : 08:43, 26/04/2020

(TN&MT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 22/3, hàng loạt Báo đã đồng loạt đưa tin Trung tâm Y tế Dự phòng Hải Phòng đã tự trang bị và chính thức có thể xét nghiệm Covid 19 bằng Máy xét nghiệm sinh học phân tử thời gian thực (Realtime PCR). Tuy nhiên sau “bê bối” tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), người dân Hải Phòng mới biết chiếc máy Thành phố đang sử dụng là đi mượn.

Ngày 22.3, người dân TP Hải Phòng đã không khỏi phấn khởi khi Sở Y tế Hải Phòng cho biết, Thành phố đã trang bị máy xét nghiệm Covid-19, được lắp đặt tại Trung tâm Y tế dự phòng đã chính thức hoạt động. Máy có thể xét nghiệm tối đa được 288 mẫu trong 1 ngày, giúp thành phố chủ động trong công tác phòng, chống dịch, thay vì phải gửi tất cả các mẫu cần xét nghiệm lên Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Ngày 22.4, dư luận hết sức bất ngờ khi trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế đất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của nhân dân, lại có một số đối tượng lợi dụng chức vụ quyền hạn, trục lợi hàng tỉ đồng.

Cụ thể, ngày 22-4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan. Kết quả điều tra ban đầu xác định với vai trò là giám đốc của CDC Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm có một số sai phạm trong quá trình mua sắm máy xét nghiệm COVID-19.

Máy xét nghiệm Covid 19 - Realtime PCR được TP Hải Phòng vận hành từ ngày 22/3/2020, đặt tại Trung Tâm Y Tế Dự Phòng

Theo nguồn tin riêng, nguyên nhân được cho rằng, CDC Hà Nội đã mua hệ thống xét nghiệm Covid 19 Real time PCR (bao gồm đầy đủ các máy kèm theo như máy tách chiết mẫu, máy phân tích mẫu) khoảng 7 tỉ đồng.

Trong khi đó, một nhà cung cấp thiết bị xét nghiệm “có tiếng” trên thị trường cho biết, giá một hệ thống xét nghiệm Covid 19 không quá 4 tỉ đồng. Giá họ cung cấp máy realtime PCR khoảng 1,3 tỉ đồng, máy tách chiết mẫu có loại tự động và loại tách bằng tay, loại tự động có 96 giếng - nhiều giếng nhất, khoảng 2,4 tỉ đồng, số còn lại dành cho tủ an toàn sinh học 180 - 300 triệu. Mức giá này đã bao gồm lợi nhuận của nhà cung cấp và chi phí bảo hành, bảo trì về sau.

Trước tình hình trên cộng đồng mạng xã hội đặt nhiều nghi vấn cho việc mua sắm thiết bị tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Tại Quảng Ninh, ngày 25/4, Tỉnh ủy đã có văn bản yêu cầu Thanh tra tỉnh thanh tra làm rõ công tác quản lý, sử dụng nguồn ngân sách phục vụ phòng chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch của Sở Y tế, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hạn chế, yếu kém, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định.

Tại Quảng Nam, Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động theo hình thức chỉ định thầu với giá 7,2 tỷ đồng. Trước khi quyết định mua máy, Sở Y tế tỉnh đã có tờ trình với UBND tỉnh và được chấp thuận.

Ngày 22.3 Vận hành chạy máy xét nghiệm, nhưng ngày 30.3 Sở Y tế Hải Phòng mới có văn bản mượn Công ty Phương Đông ?

Còn tại Hải Phòng, trên mạng xã hội có thông tin cho rằng thành phố Hải Phòng mua máy Realtime PCR để xét nghiệm bệnh COVID -19 với giá gần 10 tỉ.

Bác bỏ thông tin trên, đại diện Sở Y tế TP Hải Phòng khẳng định: Sở Y tế Hải Phòng chưa mua máy xét nghiệm Realtime PCR, chiếc Máy xét nghiệm Realtime PCR mà Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đang sử dụng hiện tại đang đi mượn của Công ty Phương Đông.

Điều làm dư luận băn khoăn, máy xét nghiệm Covid 19 tại Hải Phòng đã được đưa vào sử dụng từ 22/3 nhưng mãi đến 30/3 Sở Y tế Hải Phòng mới có văn bản “mượn” máy để sử dụng?.

Nếu quả thực có doanh nghiệp cho mượn máy xét nghiệm trị giá hàng tỉ đồng để sử dụng, có lẽ Thành phố và nhân dân Hải Phòng cần tôn vinh, tri ân hành động cao đẹp này.

Trần Tuấn