Cập nhật dịch COVID-19 tối 25/4: WHO nói “không có bằng chứng" cho thấy bệnh nhân đã hồi phục không thể tái nhiễm

Xã hội - Ngày đăng : 21:16, 25/04/2020

(TN&MT) - Ngày 25/4, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã hồi phục không có nguy cơ tái nhiễm.

WHO: "Không có bằng chứng cho thấy người hồi phục không thể tái nhiễm"

Trong một bản tóm tắt khoa học, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các quốc gia chống lại việc cấp “hộ chiếu miễn dịch” hay “giấy chứng nhận không rủi ro” cho những trường hợp đã nhiễm bệnh vì không thể đảm bảo tính chính xác.

Theo bản tóm tắt, thực tế này có thể thực sự làm tăng nguy cơ lây lan liên tục vì những người đã hồi phục có thể bỏ qua lời khuyên về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn chống lại virus.

“Một số nước đã đề xuất rằng việc phát hiện các kháng thể đối với virus SARS-CoV-2, loại virus gây ra bệnh COVID-19, có thể là cơ sở cho một “hộ chiếu miễn dịch” hay “giấy chứng nhận không rủi ro” cho phép các cá nhân đi lại hoặc quay trở lại làm việc với giả định rằng họ được bảo vệ chống lại sự lây nhiễm trở lại”, WHO cho biết.

Logo tại trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp về virus corona chủng mới tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 30/1/2020. Ảnh: Reuters

“Hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy những người đã hồi phục từ COVID-19 và có kháng thể được bảo vệ sẽ không bị nhiễm bệnh lần 2”, WHO nhấn mạnh.

Chile cho biết tuần trước nước này đã bắt đầu cấp “hộ chiếu sức khỏe” cho những người được cho là đã khỏi bệnh. Sau khi được sàng lọc để xác định xem họ có phát triển kháng thể giúp họ miễn nhiễm với virus hay không, họ có thể ngay lập tức quay trở lại làm việc.

WHO cho biết tổ chức này đã tiếp tục xem xét bằng chứng về phản ứng kháng thể với virus SARS-CoV-2.

Theo WHO, hầu hết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người đã hồi phục sau nhiễm bệnh có kháng thể với virus. “Tuy nhiên, một số người trong những trường hợp đó có lượng kháng thể trung hòa trong máu rất thấp, qua đó cho thấy khả năng miễn dịch tế bào cũng có thể rất quan trọng đối với sự phục hồi”, WHO nói thêm.

Ấn Độ, Pakistan nới lỏng hạn chế cho một số doanh nghiệp nhỏ

Chính phủ Ấn Độ đã cho phép dần mở lại các cửa hàng trong các khu phố và khu dân cư kể từ ngày 25/4, hơn một tháng sau khi nước này thực thi lệnh phong tỏa để ngăn COVID-19 lây lan.

Trước đó một ngày, giới chức trách Ấn Độ cho biết các cửa hàng bán lẻ có thể bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng phải đảm bảo giảm bớt 50% nhân viên, đồng thời yêu cầu người dân vẫn giữ giãn cách xã hội phù hợp, đeo khẩu trang và bao tay trong lúc làm việc.

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đi bộ trên đường ray xe lửa khi họ đến khu vực ổ chuột để xác minh các trường hợp có thể tái nhiễm COVID-19 ở Kolkata, Ấn Độ vào ngày 24/4/2020. Ảnh: Reuters

Việc bán rượu và các mặt hàng không thiết yếu khác sẽ tiếp tục bị cấm và các cửa hàng ở các chợ lớn, trung đa thương hiệu và đơn thương hiệu sẽ không được phép mở cửa cho đến ngày 3/5.

Ấn Độ xác nhận 24.506 trường hợp nhiễm COVID-19 và 775 ca tử vong, trong khi các nhà chức trách thành lập các đội mới để tập trung vào việc tuân thủ và thực hiện nghiêm biện pháp phong tỏa.

Ở nước láng giềng Pakistan, chính phủ đã gia hạn phong tỏa trên toàn quốc cho đến ngày 9/5. Tuy nhiên, nước này sẽ chuyển sang biện pháp “phong tỏa thông minh” từ ngày 25/4 để theo dõi các trường hợp trong khi cho phép một số hoạt động công nghiệp và thương mại bắt đầu theo hướng dẫn an toàn.

Theo Bộ trưởng kế hoạch Pakistan Asad Umar - người giám sát cơ quan phản ứng quốc gia của Pakistan về dịch COVID-19, việc cô lập những trường hợp nhiễm bệnh và những người tiếp xúc với họ sẽ cải thiện khả năng ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời cho phép nền kinh tế hoạt động và người dân có được việc làm.

“Tháng Ramadan sắp tới sẽ có ý nghĩa quyết định”, ông Umar cho biết và nhấn mạnh việc tuân thủ các biện pháp ngăn chặn virus của chính phủ sẽ cho phép tái khởi động thêm các bộ phận của nền kinh tế nước này.

Pakistan cũng cho phép các hoạt động cầu nguyện cho tháng Ramadan, ngoại trừ tỉnh Sindh, miền Nam nước này - nơi các bác sĩ đã cảnh báo virus có thể lây lan nhanh chóng.

Tại Karachi - thủ phủ của tỉnh Sindh và là thành phố lớn nhất của Pakistan - hầu hết các nhà thờ Hồi giáo đã bị đóng cửa không cho công chúng họp mặt cầu nguyện trong các buổi tối của tháng Ramadan, bắt đầu từ ngày 24/4.

Tính đến ngày 25/4, Pakistan có 11.940 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 253 người tử vong.

Gần 60 ca nhiễm COVID-19 trên tàu du lịch tại Nhật Bản

Truyền thông Nhật Bản ngày 25/4 đưa tin gần 60 trường hợp nhiễm COVID-19 đã được xác nhận trong số các thành viên phi hành đoàn của một tàu du lịch Ý cập cảng Nhật Bản.

Với việc hoàn tất xét nghiệm tất cả các thành viên phi hành đoàn, 60 ca nhiễm mới theo thông tin từ Đài truyền hình công cộng NHK đã nâng tổng số người nhiễm COVID-19 trên tàu Costa Atlantica lên khoảng 150 người, chiếm khoảng một phần tư số thuyền viên Tàu 623. TV Asahi cho biết 57 thành viên phi hành đoàn đã có kết quả xét nghiệm dương tính.

Số người nhiễm bệnh trên tàu cập cảng ở Nagasaki trong bối cảnh các bệnh viện sắp hết giường ở một số vùng của Nhật Bản. Nước này xác nhận hơn 12.800 ca nhiễm và khoảng 345 người tử vong.

NHK cho biết, trong số những người nhiễm bệnh trên tàu Costa Atlantica, chỉ có một thành viên phi hành đoàn được đưa vào bệnh viện, trong khi những người khác vẫn ở trên tàu, có biểu hiện nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Tàu đã cập cảng tại Nhật Bản từ tháng 2 để sửa chữa và bảo trì sau khi đại dịch COVID-19 ngăn chặn việc sửa chữa theo lịch trình ở Trung Quốc. Chính quyền tỉnh Nagasaki đã cách ly tàu khi đến và yêu cầu phi hành đoàn của họ không mạo hiểm vượt ra ngoài cầu cảng trừ khi đến bệnh viện.

Trước đó, có những tin đồn rằng một số thủy thủ dường như đã rời khỏi khu vực hạn chế mặc dù đơn vị vận hành tàu - Costa Cruises (Ý) - cam kết rằng các thành viên của họ sẽ ở lại trong khu vực xưởng tàu.

Số ca nhiễm bệnh trên tàu du lịch xảy ra sau một sự cố tương tự vào đầu năm nay, khi hơn 700 hành khách và phi hành đoàn nhiễm virus corona chủng mới trên du thuyền Diamond Princess cập cảng ở Yokohama.

Thái Lan: 53 trường hợp nhiễm COVID-19, một ca tử vong

Thái Lan đã xác nhận 53 ca nhiễm virus corona chủng mới và một ca tử vong là nam, 48 tuổi.

Trong số các trường hợp nhiễm mới, có 3 ca liên quan đến các trường hợp trước đó, một ca không liên quan và 42 ca là công nhân nhập cư đã được cách ly trong một trung tâm giam giữ nhập cư ở tỉnh Songkhla, phía Nam Thái Lan.

Một sinh viên Trung Quốc sống ở Thái Lan mặc một bộ đồ bảo hộ nhằm chống dịch bệnh COVID-19 tại sân bay Suvarnabhumi trước khi lên chuyến bay trở về quê hương, tại Bangkok, Thái Lan vào ngày 21/4/2020. Ảnh: Reuters

Theo phát ngôn viên của Trung tâm Quản lý tình huống COVID-19 Thái Lan, ông Taweesin Wisanuyothin, 7 trường hợp mới khác đã được xác nhận tại tỉnh Yala, phía Nam Thái Lan, nơi các nhà chức trách đang ráo riết xét nghiệm người dân vì tỷ lệ lây nhiễm cao ở đó.

Kể từ khi dịch bệnh leo thang vào tháng 1, Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 2.907 ca nhiễm và 51 ca tử vong, trong khi 2.547 bệnh nhân đã hồi phục và về nhà.

Cập nhật lúc 16h30 ngày 25/4/2020:
*Thế giới: 2.837.155 người mắc; 197.698 người tử vong, trong đó:
- Mỹ: 925.758 người mắc; 52.217 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 219.764 người mắc; 22.524 người tử vong.
- Ý: 192.994 người mắc; 25.969 người tử vong.
- Pháp: 159.828 người mắc; 22.245 người tử vong.
*Việt Nam: 270 trường hợp mắc COVID -19. Đến 7h30 ngày 25/4, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.
Tổng cộng 225 người đã được chữa khỏi. Trong đó:
16 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi (giai đoạn 1).
209 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 06/3 đến ngày 25/4) được chữa khỏi (giai đoạn 2).

Mai Đan